Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 437/TTg năm 1959 ban hành bản phương án quy định phương pháp căn bản điều tra tính toán sức mua và các biểu mẫu tính sức mua hàng năm do Phủ Thủ Tướng ban hành

Số hiệu 437/TTg
Ngày ban hành 07/12/1959
Ngày có hiệu lực 22/12/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Thương mại

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 437/TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 1959 

 

THÔNG TƯ 

BAN HÀNH BẢN PHƯƠNG ÁN QUY ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP CĂN BẢN ĐIỀU TRA TÍNH TOÁN SỨC MUA VÀ CÁC BIỂU MẪU TÍNH SỨC MUA HÀNG NĂM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nội thương
- Cục Thống kê trung ương,
- Ủy ban Hành chính các khu, thành phố, tỉnh
- Các Bộ; Quốc phòng, Tài chính, Giao thông Bưu điện, Lao động, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam

 

Xét đề nghị số 404-CTK/TW ngày 21-11-1959 của Cục Thống kê trung ương, căn cứ vào yêu cầu thực tế của công tác nghiên cứu của các ngành kinh tế liên quan ở trung ương và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ ban hành chính thức bản phương án quy định phương pháp căn bản điều tra tính toán sức mua và các biểu mẫu tính sức mua hàng năm kèm theo công văn này và quyết định:

- Giao trách nhiệm cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nội thương và Cục Thống kê trung ương phối hợp để tính sức mua hàng năm, do Cục Thống kê trung ương chủ trì.

- Giao trách nhiệm cho Ủy ban Hành chính các khu, thành phố, tỉnh trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc điều tra tính sức mua hàng năm của địa phương mình và sau khi điều tra tính toán xong, gửi đầy đủ các biểu mẫu báo cáo cho Cục Thống kê trung ương để Cục Thống kê trung ương nghiên cứu kiểm tra và tổng cục kịp thời trình lên Chính phủ đúng thời hạn đã quy định.

- Các Bộ Nội thương, Tài chính, Lao động, Giao thông Bưu điện, Quốc phòng, Ngân hàng quốc gia Việt Nam và các Bộ có liên quan khác, theo yêu cầu của Cục thống kê trung ương, có trách nhiệm cung cấp tài liệu và phối hợp với Cục Thống kê trung ương khi cần thiết.

Công tác tính sức mua là một công tác quan trọng, rất cần thiết cho việc lập kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch của địa phương và trung ương, đồng thời cũng là cơ sở tài liệu giúp cho các ngành kinh tế liên quan nghiên cứu. Vì vậy, Cục Thống kê trung ương, hàng năm, căn cứ tình hình thực tế, cần hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương tính toán và phối hợp với các ngành để công tác tính sức mua được kết quả tốt.

Các Ủy ban Hành chính các khu, thành, tỉnh hàng năm cần kết hợp công tác điều tra tính toán với công tác trung tâm của địa phương mình; khi thực hiện nên tránh bớt sự phiền phức ảnh hưởng đến sản xuất và công tác thường xuyên mà vẫn bảo đảm tốt kết quả tính toán.

Mong các Bộ có liên quan, các Ủy ban hành chính các địa phương hàng năm tích cực thực hiện để đạt kết quả tốt.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Hùng

 

 

 

PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRA, TÍNH SỨC MUA HÀNG NĂM

(Tiến hành ở các khu, tỉnh và thành phố)

I. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC TÍNH SỨC MUA

- Mục đích tiến hành tiến hành thống kế điều tra sức mua là tính được mức tiền của dân cư (gồm cả dân cư thành thị và nông thôn) và của cơ quan, xí nghiệp (gồm cả xí nghiệp công và tư) trường học, tập đoàn xã hội, dùng để mua hàng hóa tiêu dùng cho sinh hoạt trên thị trường bán lẻ (đồng thời nắm được khối lượng của thị trường hàng năm) để làm chỗ dựa cho việc lập kế hoạch lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, để cho việc cung cấp hàng hóa bán lẻ được thích ứng với mức tiền dùng vào việc mua hàng hóa trong toàn xã hội.

- Việc tính sức mua còn có mục đích cung cấp tài liệu để làm căn cứ cho việc tính toán lập kế hoạch sản xuất hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu trong toàn xã hội và lập kế hoạch lưu thông tiền tệ.

II. NỘI DUNG SỨC MUA CỦA XÃ HỘI VÀ BIỂU MẪU

A. Nội dung sức mua của xã hội.

1. Sức mua là gì? Sức mua là mức tiền của dân cư thành thị nông thôn, và của cơ quan, đoàn thể xí nghiệp, trường học, các tập đoàn xã hội, dùng để mua tư liệu tiêu dùng (gồm cả tư liệu sản xuất mà nông dân và hợp tác xã mua để dùng vào sản xuất nông nghiệp) trên thị trường bán lẻ.

2. Sức mua của toàn xã hội là gồm sức mua của dân cư và sức mua của cơ quan, đoàn thể, trường học, xí nghiệp, các tập đoàn xã hội nói chung trong toàn xã hội.

3. Sức mua của dân cư là một bộ phận chủ yếu của sức mua toàn xã hội, nó là một phần trong tổng số thu nhập về tiền tệ của dân cư: ngoài phần để mua hàng hóa ra, dân cư còn dùng một phần để chi dùng cho những thứ khác không phải là mua hàng hóa như văn hóa, phúc lợi hoặc để dự trữ.

Sức mua của dân cư và phần chi dùng cho những thứ khác không phải là mua hàng hóa (hoặc để dự trữ) của dân cư tạo nên toàn bộ nhu cầu về đời sống vật chất và văn hóa của dân cư.

[...]