Thông tư 42/2003/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 56/1998/NĐ-CP về khen thưởng trong quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ Quốc Phòng ban hành

Số hiệu 42/2003/TT-BQP
Ngày ban hành 02/05/2003
Ngày có hiệu lực 22/06/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Nguyễn Văn Rinh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ QUỐC PHÒNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 42/2003/TT-BQP

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2003 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 56/1998/NĐ-CP NGÀY 30/7/1998 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KHEN THƯỞNG TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM.

Căn cứ Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp;
Trên cơ sở các Thông tư số 25/2001/TT-BTC ngày 16/4/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ khen thưởng thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; hướng dẫn số 432/TĐ-KT ngày 17/9/1998 của Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước về triển khai thực hiện Nghị định số 56/1998/NĐ-CP của Chính phủ;
Để thống nhất việc thực hiện công tác khen thưởng trong toàn quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới. Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ về khen thưởng trong quân đội nhân dân Việt Nam như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Khen thưởng là một trong các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Công tác khen thưởng là một trong các nội dung của công tác Đảng - công tác chính trị, nhầm động viên phát huy mặt tích cực, ngăn ngừa sai phạm, nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật, bảo đảm cho mọi quân nhân, mọi tổ chức hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, giữ nghiêm kỷ luật quân đội.

2. Khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất là khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng được tiến hành khi tổng kết phong trào thi đua hàng năm, một giai đoạn hoặc ngay sau khi lập thành tích đột xuất của tập thể, cá nhân.

3. Việc xét khen thưởng phải căn cứ vào:

a) Nhiệm vụ, chức trách được giao của tập thể, cá nhân;

b) Thành tích đã lập được trong phong trào thi đua;

c) Điều kiện hoàn cảnh lập được thành tích;

d) Tính chất, mức độ tác dụng, ảnh hưởng của thành tích;

e) Tiêu chuẩn và tỷ lệ xét khen thưởng.

4. Khen thưởng phải đảm bảo nguyên tắc bình xét công khai, dân chủ, chính xác, kịp thời, có ý nghĩa giáo dục chính trị, tác dụng nêu gương, động viên được phong trào thi đua trong toàn đơn vị, cổ vũ khích lệ sự cố gắng, nỗ lực của mọi cá nhân trong việc hoàn thành nhiệm vụ.

5. Chú trọng khen thưởng đối với cá nhân, đơn vị cơ sở (trung đoàn, lữ đoàn và tương đương), tập thể nhỏ trong các đơn vị cơ sở; các cá nhân, tập thể làm nhiệm vụ ở các địa bàn có nhiều khó khăn gian khổ; vùng sâu, vùng xa; biên giới, hải đảo và các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt.

6. Tổng cục Chính trị giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng quản lý, chỉ đạo toàn bộ công tác khen thưởng trong quân đội. Các cấp ủy Đảng và chỉ huy đơn vị phải trực tiếp, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý; cơ quan chính trị hướng dẫn tổ chức thực hiện nhằm ghi công, động viên giáo dục kịp thời, góp phần thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ của đơn vị. Đối với các tổ chức quần chúng và các ngành chuyên môn, khi triển khai việc xét khen thưởng theo sự chỉ đạo của các cơ quan Trung ương vào quân đội phải thông qua Tổng cục Chính trị trước khi báo cáo Bộ quyết định.

II. ĐỐI TƯỢNG KHEN THƯỞNG

A. CÁ NHÂN

1. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng trong biên chế và lao động hợp đồng có quyết định tuyển dụng từ 1 năm trở lên.

2. Quân nhân dự bị động viên trong thời gian tập trung huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ.

3. Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ làm nhiệm vụ dưới sự chỉ huy, điều hành của cơ quan quân sự các cấp.

4. Các đối tượng khác có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng.

B. TẬP THỂ

1. Các đơn vị thuộc biên chế tổ chức quân đội từ cấp tiểu đội đến cấp sư đoàn và tương đương.

2. Các đơn vị dân quân, tự vệ từ cấp tiểu đội trở lên.

III. HÌNH THỨC, TIÊU CHUẨN KHEN

A. HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

1. Đối với cá nhân:

a) Danh hiệu Chiến sĩ giỏi, Lao động giỏi;

[...]