Thông tư 41-TC/VKH năm 1990 hướng dẫn thực hiện thí điểm trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh cho đơn vị cơ sở quốc doanh theo Chỉ thị 316/CT 1990 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 41-TC/VKH
Ngày ban hành 18/09/1990
Ngày có hiệu lực 03/10/1990
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41-TC/VKH

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 1990

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 41-TC/VKH NGÀY 18-9-1990 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TRAO QUYỀN SỬ DỤNG VÀ TRÁCH NHIỆM BẢO TOÀN VỐN SẢN XUẤT KINH DOANH CHO ĐƠN VỊ CƠ SỎ QUỐC DOANH THEO CHỈ THỊ SỐ 316/CT NGÀY 1-9-1990 CỦA HĐBT

Để triển khai thực hiện có kết quả việc thí điểm trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh cho đơn vị cơ sở quốc doanh theo Chỉ thị số 316/CT của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về trình tự và kế hoạch tiến hành thí điểm như sau:

I. CHỌN XÍ NGHIỆP LÀM THÍ ĐIỂM VIỆC GIAO VỐN.

1. Mỗi Bộ chọn từ 2 đến 4 xí nghiệp đặc trưng cho hoạt động sản xuất chính của ngành; mỗi địa phương chọn từ 2 đến 4 xí nghiệp thuộc các loại hình sản xuất khác nhau như công nghiệp, thương nghiệp, xây lắp, nông nghiệp... là những ngành có nhiều đơn vị cùng sản xuất - kinh doanh.

2. Chọn xí nghiệp làm thí điểm của ngành và địa phương cần tính đến các dạng xí nghiệp có quy trình công nghệ tiên tiến; xí nghiệp công nghệ kỹ thuật lạc hậu, công suất sử dụng máy móc thiết bị thấp; xí nghiệp trung bình, công nghệ, kỹ thuật và khả năng khai thác công suất máy móc thiết bị ở mức trung bình.

3. Xí nghiệp được chọn thí điểm phải có đủ các điều kiện dưới đây:

- Đã tổ chức lại sản xuất, sản xuất kinh doanh tương đối ổn định hạch toán có lãi thực sự.

- Có truyền thống thực hiện tốt chế độ kế toán, thống kê xí nghiệp và đã áp dụng hệ thống kế toán mới ban hành theo Quyết định số 212/TC/CĐKT ngày 15-12-1989 của Bộ Tài chính.

- Thực hiện tốt kiểm kê và đánh giá lại vốn sản xuất - kinh doanh 0 giờ ngày 1 tháng 1 năm 1990 và thực hiện xong việc thẩm định kết quả kiểm kê của cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp và của cơ quan tài chính hữu quan.

- Đã hoàn thành quyết toán tài chính năm 1989 và đã được cơ quan quản lý cấp trên duyệt y.

II. THỦ TỤC VÀ TRÌNH TỰ TIẾN HÀNH GIAO VỐN.

1. Thành lập Hội đồng giao nhận vốn.

Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên và thủ trưởng cơ quan tài chính cùng cấp chịu trách nhiệm thành lập Hội đồng giao nhận vốn. Thành phần Hội đồng giao nhận vốn gồm:

- Chủ tịch Hội đồng: đại diện cơ quan tài chính;

- Bên giao: đại diện cơ quan quản lý cấp trên;

- Bên nhận: Giám đốc xí nghiệp (hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị xí nghiệp);

- Người chứng kiến:

+ Chủ tịch Hội đồng xí nghiệp;

+ Đại diện cơ quan trọng tài kinh tế (hoặc cơ quan công chứng);

+ Kế toán trưởng xí nghiệp;

+ Chủ tịch tổ chức công đoàn xí nghiệp.

Sau khi được thành lập, Hội đồng giao nhận vốn phải tổ chức một tổ chuyên viên giúp việc Hội dồng, bao gồm những cán bộ am hiểu các lĩnh vực nghiệp vụ kỹ thuật, tài chính, kế toán, luật pháp để tiến hành những công việc chuyên môn cần thiết cho kiểm tra tính toán số liệu và chuẩn bị các tài liệu văn bản cho việc giao nhận vốn chính thức. Tổ chuyên viên gồm các cán bộ sau:

- Kế toán trưởng xí nghiệp;

- Chuyên viên Ban chỉ đạo kiểm kê và đánh giá lại vốn sản xuất kinh doanh của ngành, địa phương.

- Chuyên viên tài chính kế toán của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của xí nghiệp;

- Chuyên viên của cơ quan tài chính quản lý xí nghiệp.

- 1 đại diện của tổ chức công đoàn xí nghiệp.

[...]