Chỉ thị 316-CT về việc thí điểm trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh cho đơn vị cơ sở quốc doanh do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành

Số hiệu 316-CT
Ngày ban hành 01/09/1990
Ngày có hiệu lực 16/09/1990
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 316-CT

Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 1990

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM TRAO QUYỀN SỬ DỤNG VỐN VÀ TRÁCH NHIỆM BẢO TOÀN VỐN SẢN XUẤT KINH DOANH CHO ĐƠN VỊ CƠ SỞ QUỐC DOANH

Để có căn cứ đúng đắn xử lý việc trao quyền sử dụng, trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn sản xuất kinh doanh cho các đơn vị cơ sở kinh tế quốc doanh;

Căn cứ vào kết luận của phiên họp Hội đồng Bộ trưởng ngày 5 tháng 7 năm 1990;

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG CHỈ THỊ

1. Tiến hành thí điểm việc trao quyền sử dụng, trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn sản xuất kinh doanh cho từ 2 đến 4 cơ sở kinh tế quốc doanh trực thuộc mỗi Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

2. Cho phép áp dụng bản quy định tạm thời về những nội dung và nguyên tác trao quyền sử dụng, trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn cho các xí nghiệp quốc doanh đính kèm, làm cơ sở cho việc tổ chức thí điểm.

3. Các cơ sở được chọn làm thí điểm cần:

- Đại điện cho các ngành kinh tế kỹ thuật khác nhau và là những ngành có nhiều đơn vị cùng sản xuất kinh doanh.

- Là những cơ sở kinh tế quốc doanh đã được tổ chức lại sản xuất, sản xuất kinh doanh tương đối ổn định, hạch toán có lãi thực sự.

- Có truyền thống thực hiện tốt chế độ kế toán thống kê xí nghiệp.

- Thực hiện tốt kiểm kê 0 giờ ngày 01 tháng 01 năm 1990 và thực hiện xong việc thẩm định kiểm kê của cấp trên quản lý Nhà nước trực tiếp và của cơ quan tài chính hữu quan.

4. Thời gian làm thí điểm việc giao vốn cho cơ sở kinh tế quốc doanh tiến hành trong 3 tháng 9, 10, 11 năm 1990.

5. Sau thời gian thí điểm, các Bộ, tỉnh, thành phố, đặc khu phải tổng hợp đánh giá kết quả thí điểm kèm theo các kiến nghị rút ra từ kinh nghiệm làm thí điểm báo cáo về Bộ tài chính (trong tháng 12 năm 1990) để tổng hợp trình Hội đồng Bộ trưởng.

6. Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu chịu trách nhiệm thi hành chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành việc làm thí điểm, Ban chỉ đạo kiểm kê trung ương phối hợp với Bộ Tài chính chủ đạo và kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện tốt Chỉ thị này.

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ NHỮNG NGUYÊN TẮC VÀ NỘI DUNG TRAO QUYỀN SỬ DỤNG, TRÁCH NHIỆM BẢO TOÀN VÀ PHÁT TRIỂN VỐN CHO CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH
(Ban hành theo Chỉ thị số 316-CT ngày 1-9-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng)

I. MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI GIAO VỐN.

1. Nhà nước trao quyền sử dụng, trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn sản xuất kinh doanh cho các đơn vị kinh tế quốc doanh nhằm bảo đảm cho vốn của Nhà nước được bảo toàn và phát triển, xí nghiệp được tự chủ về vốn để sử dụng vốn có hiệu quả cao.

2. Các đơn vị được Nhà nước trao quyền sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn sản xuất kinh doanh bao gồm các liên hiệp xí nghiệp, các xí nghiệp quốc doanh hạch toán kinh tế độc lập (gọi chung là xí nghiệp) đã được Nhà nước ra quyết định thành lập và cấp phát vốn.

Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức Đảng, đoàn thể, các đơn vị quân đội, công an, các tổ chức hiệp hội không thuộc đối tượng làm thí điểm giao vốn lần này, Nhà nước sẽ có quyết định riêng về việc quản lý và sử dụng vốn.

Các xí nghiệp đời sống, dịch vụ do các cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức Đảng, đoàn thể, các tổ chức hội thành lập thêm để giải quyết công việc làm và tăng thêm thu nhập cho công nhân viên cần được kiểm tra, xem xét, đăng ký và việc giao vốn được quy định trong quyết định 268-CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Tổng số vốn Nhà nước thuộc quyền sử dụng, bảo toàn và phát triển của xí nghiệp bao gồm.

- Vốn ngân sách cấp: gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản do ngân sách cấp phát, hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước (như chênh lệch giá và các khoản phải nộp ngân sách nhưng được ngân sách để lại, khấu hao cơ bản tài sản cố định thuộc nguồn vốn ngân sách cấp được để lại cho xí nghiệp...), vốn được viện trợ, quyên tặng hoặc do tiếp quản từ chế độ cũ để lại.

- Vốn xí nghiệp bổ sung; gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản hình thành từ lợi nhuận để lại và chệnh lệch giá không phải nộp hoặc từ vốn vay sau khi đã trả hết nợ và lãi suất tiền vay; các loại quỹ xí nghiệp (không kể quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các khoản cấp phát chuyên dùng, chi về y tế, đào tạo nếu có).

Tổng số vốn Nhà nước nói trên bao gồm số vốn đang sử dụng ở xí nghiệp, số vốn xí nghiệp đã đưa đi liên doanh, liên kết hoặc mua cổ phần trong nước và ngoài nước.

4. Toàn bộ giá trị của tài sản cố định và tài sản lưu động thuộc vốn ngân sách cấp mà xí nghiệp không cần dùng hoặc ứ đọng, chậm luân chuyển, kém, mất phẩm chất cũng phải làm thủ tục giao cho đơn vị bảo quản, giữ gìn và hạch toán thành một khoản riêng trên tài khoản; "Tài sản chờ sử lý" cho đến khi giải quyết xong. Việc xử lý đối với những tài sản này sẽ được hướng dẫn sau.

Trường hợp xét thấy không bảo đảm được việc giải phóng những tài sản không cần dùng hoặc ứ đọng, chậm luân chuyển, kém, mất phẩn chất nói trên thì xí nghiệp làm thủ tục xin phép Bộ trưởng trực tiếp quản lý ngành hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (đối với xí nghiệp địa phương) và cơ quan tài chính cùng cấp để riêng số tài sản này vào một tài khoản gọi là "Tài sản giữ hộ ngân sách".

[...]