Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 38/2010/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 28/06/2010
Ngày có hiệu lực 12/08/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bùi Bá Bổng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 38/2010/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 7 năm 2001;
Căn cứ Điều lệ về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 9 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đăng ký; sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói; xuất khẩu, nhập khẩu; buôn bán; bảo quản, vận chuyển; sử dụng; tiêu hủy; nhãn; bao bì; hội thảo, quảng cáo; khảo nghiệm, kiểm định chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Chương II

ĐĂNG KÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Mỗi loại hoạt chất hay thuốc kỹ thuật của một nhà sản xuất chỉ được đăng ký 01 tên thương phẩm để phòng, trừ dịch hại hoặc điều hòa sinh trưởng cây trồng.

Nếu các thuốc này dùng để khử trùng kho tàng, bến bãi; bảo quản nông lâm sản hoặc trừ mối hại công trình xây dựng, đê điều thì được đăng ký thêm 01 tên thương phẩm khác.

2. Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài là nhà sản xuất ra hoạt chất hay thuốc kỹ thuật được trực tiếp đứng tên đăng ký hoặc được ủy quyền 01 lần cho tổ chức, cá nhân khác đứng tên đăng ký 01 tên thương phẩm cho 01 hoạt chất hay thuốc kỹ thuật do mình sản xuất ra.

3. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký được quyền thay đổi nhà sản xuất theo yêu cầu hoặc được quyền chuyển nhượng tên sản phẩm đã đăng ký theo thỏa thuận. Sau khi chuyển nhượng, đơn vị đã đứng tên đăng ký và đơn vị được chuyển nhượng quyền đứng tên đăng ký không được sử dụng hoạt chất cùng loại để đứng tên đăng ký tên sản phẩm khác. Việc thay đổi nhà sản xuất hoặc chuyển nhượng tên sản phẩm đã đăng ký phải được Cục Bảo vệ thực vật chấp thuận và làm các thủ tục pháp lý liên quan.

4. Tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật xin đăng ký đều phải khảo nghiệm hiệu lực sinh học ở Việt Nam. Khảo nghiệm hiệu lực sinh học thực hiện theo quy định tại Chương XII của Thông tư này.

Các thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học xin đăng ký chính thức, đặt tên thương phẩm hoặc hỗn hợp phải khảo nghiệm hiệu lực sinh học trên diện hẹp và diện rộng.

Các thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học xin đăng ký chính thức, đặt tên thương phẩm, hoặc hỗn hợp; Các thuốc bảo vệ thực vật đăng ký bổ sung phạm vi sử dụng, liều lượng sử dụng, cách sử dụng, dạng thuốc, hàm lượng hoạt chất phải khảo nghiệm hiệu lực sinh học trên diện rộng.

5. Các loại thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học lần đầu đăng ký sử dụng để phòng trừ dịch hại (trừ thuốc trừ cỏ dùng cho cây ăn quả và chè); để điều hoà sinh trưởng cho từng loại cây ăn quả từ giai đoạn đậu quả, cho cây chè, cho từng loại cây rau; để bảo quản nông sản sau thu hoạch phải tiến hành khảo nghiệm xác định lại thời gian cách ly ở Việt Nam và được thực hiện theo quy định tại Chương XII của Thông tư này.

6. Các loại thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học có độ độc cấp tính của hoạt chất thuộc nhóm III hoặc nhóm IV theo quy định tại mục 1, mục 7, Phụ lục 4 của Thông tư này, có hoạt chất không thuộc nhóm chlor hữu cơ, có thời gian cách ly ở Việt Nam tối đa là 07 ngày và có kết quả khảo nghiệm hiệu lực sinh học ở Việt Nam đạt yêu cầu theo quy định thì được đăng ký sử dụng để phòng trừ dịch hại, để điều hoà sinh trưởng cho cây ăn quả, cho cây chè và cho cây rau hoặc để bảo quản nông sản sau thu hoạch.

7. Các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký riêng lẻ để phòng trừ cùng một loại dịch hại, có thể được khuyến cáo phối trộn khi sử dụng, nhưng không được mang một tên riêng khi chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận.

Điều 4. Các loại thuốc bảo vệ thực vật phải đăng ký sử dụng ở Việt Nam

1. Thuốc chứa hoạt chất chưa có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

2. Thuốc chứa hoạt chất đã có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng nhưng mang tên thương phẩm khác.

3. Thuốc có tên thương phẩm trong danh mục được phép sử dụng nhưng bổ sung phạm vi sử dụng, liều lượng sử dụng, cách sử dụng, dạng thuốc, hàm lượng hoạt chất hoặc hỗn hợp với nhau thành thuốc mới.

4. Thuốc thành phẩm có độ độc cấp tính nhóm I hoặc thuốc thành phẩm có độ độc cấp tính nhóm II nhưng có hoạt chất thuộc nhóm độc I, theo quy định tại mục 1, mục 7, Phụ lục 4 của Thông tư này chuyên dùng trong khử trùng kho tàng, bến bãi; thuốc bảo quản lâm sản; thuốc trừ mối hại các công trình xây dựng, đê điều; thuốc trừ chuột.

Điều 5. Các loại thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký sử dụng ở Việt Nam

[...]