Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Thông tư 38/2010/TT-BGTVT Quy định về tiêu chuẩn chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 38/2010/TT-BGTVT
Ngày ban hành 17/12/2010
Ngày có hiệu lực 31/01/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 38/2010/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN CÁC CHỨC DANH NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT TRỰC TIẾP PHỤC VỤ CHẠY TÀU, ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ ĐÀO TẠO VÀ NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT TRỰC TIẾP PHỤC VỤ CHẠY TÀU

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về Tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện cơ sở đào tạo và nội dung, chương trình đào tạo nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định tiêu chuẩn các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, điều kiện đối với các cơ sở đảm nhiệm việc đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (sau đây được gọi là cơ sở đào tạo) và nội dung, chương trình đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp và có liên quan đến công tác chạy tàu, đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng.

Chương 2.

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT TRỰC TIẾP PHỤC VỤ CHẠY TÀU

Điều 3. Chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu

Các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu bao gồm:

1. Nhân viên điều độ chạy tàu bao gồm nhân viên điều độ chạy tàu tuyến và nhân viên điều độ chạy tàu ga:

a) Nhân viên điều độ chạy tàu tuyến: là người trực tiếp ra lệnh chỉ huy chạy tàu theo biểu đồ chạy tàu trên một tuyến đường, khu đoạn được phân công; trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh tổ chức chỉ huy các tàu đi cứu chữa, cứu hộ khi có sự cố chạy tàu; ra lệnh phong tỏa khu gian, lệnh cảnh báo tốc độ tới các đơn vị có liên quan; ra lệnh đình chỉ chạy tàu tạm thời nếu xét thấy có nguy cơ mất an toàn chạy tàu;

b) Nhân viên điều độ chạy tàu ga: là người trực tiếp lập kế hoạch về lập tàu, xếp, dỡ hàng hóa, đón tiễn hành khách, tổ chức công tác dồn, đón tiễn tàu và các việc liên quan khác tại nhà ga theo biểu đồ chạy tàu, theo các mệnh lệnh của nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, theo quy trình, quy phạm chạy tàu; tham gia giải quyết tai nạn, sự cố giao thông đường sắt theo quy định.

2. Trực ban chạy tàu ga: là người điều hành việc lập tàu, xếp dỡ hàng hóa, đón tiễn hành khách, tổ chức công tác dồn, đón, tiễn tàu và các việc khác có liên quan tại nhà ga theo biểu đồ chạy tàu, các mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy phạm chạy tàu; tham gia giải quyết tai nạn, sự cố giao thông đường sắt theo quy định.

3. Trưởng tàu: là người chỉ huy cao nhất trên tàu, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự, phục vụ khách hàng; bảo đảm chạy tàu theo đúng lịch trình và mệnh lệnh của điều độ chạy tàu, quy trình, quy phạm chạy tàu; tham gia giải quyết tai nạn, sự cố giao thông đường sắt theo quy định.

4. Trưởng dồn: là người chịu sự chỉ huy, điều hành của trực ban chạy tàu ga để tổ chức và thực hiện công tác dồn, ghép nối đầu máy, toa xe phục vụ cho công tác tổ chức chạy tàu, xếp dỡ hàng hóa, vận tải hành khách của ga theo mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy phạm, quy tắc quản lý kỹ thuật ga.

5. Nhân viên gác ghi: là người chịu sự chỉ huy và điều hành trực tiếp của trực ban chạy tàu ga để quản lý, giám sát, kiểm tra, sử dụng ghi phục vụ cho công tác tổ chức chạy tàu của ga theo biểu đồ chạy tàu, các mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy phạm, quy tắc quản lý kỹ thuật ga.

6. Nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe: là người chịu sự chỉ huy và điều hành trực tiếp của trưởng dồn để thực hiện công việc dồn, ghép nối đầu máy, toa xe theo quy trình, quy phạm, quy tắc quản lý kỹ thuật ga.

7. Nhân viên tuần đường, tuần cầu, tuần hầm: là người kiểm tra theo dõi thường xuyên, phát hiện kịp thời các hư hỏng, chướng ngại và xử lý bảo đảm an toàn chạy tàu trong phạm vi địa giới được phân công; ghi chép đầy đủ vào sổ tuần tra, canh gác báo cáo cấp trên theo quy định; sửa chữa, giải quyết kịp thời các hư hỏng, chướng ngại nhỏ, tham gia bảo trì cầu, đường, hầm theo phân công; kịp thời phòng vệ, nhanh chóng thông tin hoặc báo hiệu dừng tàu khi phát hiện thấy hư hỏng, chướng ngại có nguy cơ làm mất an toàn giao thông; tham gia bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt và phương tiện giao thông đường sắt trong phạm vi được phân công.

8. Nhân viên gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt: là người có trách nhiệm đóng, mở kịp thời chắn đường ngang, đường qua cầu chung và làm nghiệp vụ gác hầm, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi phương tiện giao thông đường sắt chạy qua; trực tiếp kiểm tra, bảo quản, bảo trì, sử dụng công trình, trang thiết bị chắn đường ngang, cầu, hầm phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình, quy phạm.

9. Lái tàu: là người trực tiếp điều khiển tàu chạy; chịu trách nhiệm vận hành đầu máy an toàn, đúng tốc độ quy định, đúng lịch trình theo biểu đồ chạy tàu, mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy phạm; tham gia giải quyết tai nạn giao thông đường sắt theo quy định.

10. Phụ lái tàu: là người giúp lái tàu trong quá trình chạy tàu, giám sát tốc độ chạy tàu và quan sát tín hiệu để kịp thời báo cho lái tàu xử lý.

Điều 4. Tiêu chuẩn chung đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu

1. Có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh do cơ sở đào tạo cấp và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh đảm nhiệm.

[...]