Thông tư 37/2022/TT-BCT về quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 37/2022/TT-BCT
Ngày ban hành 23/12/2022
Ngày có hiệu lực 01/03/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Quốc Khánh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2022/TT-BCT

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUY TẮC XUẤT XỨ HÀNG HÓA TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN ASEAN - NHẬT BẢN

Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa;

Thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản được ký kết theo hình thức luân phiên giữa các nước ASEAN và Nhật Bản và được Việt Nam ký ngày 01 tháng 4 năm 2008 tại Hà Nội;

Thực hiện Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đối với Việt Nam;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (sau đây gọi là Hiệp định AJCEP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

2. Thương nhân.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Theo quy định tại Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây hiểu như sau:

1. Nhà xuất khẩu là cá nhân hoặc pháp nhân tại nước thành viên xuất khẩu và xuất khẩu hàng hóa từ chính nước đó.

2. Tàu chế biến của nước thành viên hoặc tàu của nước thành viên là tàu:

a) Được đăng ký tại nước thành viên đó.

b) Được phép treo cờ của nước thành viên đó.

c) Ít nhất 50% thuộc sở hữu của công dân của một hay nhiều nước thành viên, hoặc thuộc sở hữu của một pháp nhân có trụ sở chính đặt tại một nước thành viên, trong đó các đại diện, chủ tịch hội đồng quản trị và đa phần các thành viên của hội đồng quản trị đó là công dân của một hoặc nhiều nước thành viên, và ít nhất 50% cổ tức thuộc sở hữu của công dân hoặc pháp nhân của một hoặc nhiều nước thành viên.

d) Có ít nhất 75% trong tổng số thuyền trưởng, sĩ quan và thủy thủ trên tàu là công dân của một hoặc nhiều nước thành viên.

3. Các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi là những nguyên tắc đã được nhất trí thừa nhận hoặc áp dụng tại một nước thành viên về việc ghi chép các khoản doanh thu, chi phí, phụ phí, tài sản và các khoản phải trả; truy xuất thông tin và việc lập các báo cáo tài chính. Các nguyên tắc này có thể bao gồm các hướng dẫn chung cũng như các tiêu chuẩn và thủ tục thực hiện cụ thể.

4. Hàng hóa là bất kỳ thương phẩm, sản phẩm, vật phẩm hay nguyên liệu nào.

5. Nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế lẫn nhau là những nguyên liệu cùng loại có chất lượng như nhau, có cùng đặc tính vật lý và kỹ thuật và một khi các nguyên liệu này được kết hợp lại để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh thì không thể chỉ ra sự khác biệt về xuất xứ vì bất kỳ sự ghi nhãn nào.

[...]