Hiệp định về quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 01/04/2008
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ các nước,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại

Bản dịch không chính thức

HIỆP ĐỊNH

VỀ QUAN HỆ ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN GIỮA CÁC QUỐC GIA THÀNH VIÊN HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á VÀ NHẬT BẢN

Các Chính phủ Brunei Darussalam, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Inđônêxia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaixia, Liên bang Myanmar, Cộng hòa Philippin, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các Quốc gia thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (sau đây được gọi là “ASEAN”) và Nhật Bản;

Nhắc lại Tuyên bố chung được ký tại Phnôm Pênh, Campuchia ngày 5 tháng 11 năm 2002 và Thỏa thuận khung về Quan hệ Đối tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản được ký tại Bali, Inđônêxia ngày 8 tháng 10 năm 2003;

Mong muốn tăng cường quan hệ dựa trên sự tin cậy và tín nhiệm lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực không chỉ trong chính trị và kinh tế, mà còn trong các lĩnh vực văn hóa và xã hội giữa ASEAN và Nhật Bản;

Được thúc đẩy bởi sự phát triển không ngừng của ASEAN nhờ các hoạt động kinh tế giữa các Quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản, và tiến bộ đáng kể trong quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản trải qua ba mươi năm hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực;

Tin tưởng rằng một quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản (sau đây được gọi là “AJCEP”) sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế, tạo ra một thị trường rộng lớn và hiệu quả hơn với nhiều cơ hội hơn và hiệu quả kinh tế lớn hơn nhờ tăng quy mô, và tăng cường tính hấp dẫn đối với các nguồn vốn và nhân lực có trình độ cao, vì lợi ích của cả hai bên;

Thừa nhận rằng những nỗ lực trên nhiều mặt trong quan hệ song phương và khu vực trên nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các Quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành quan hệ đối tác kinh tế toàn diện này;

Chia sẻ quan điểm rằng quan hệ đối tác kinh tế toàn diện này được hưởng lợi từ, và hỗ trợ cho quá trình hội nhập và hợp nhất kinh tế trong ASEAN;

Tiếp tục thừa nhận các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau giữa các Quốc gia thành viên ASEAN;

Tin tưởng rằng Hiệp định này, với việc thành lập AJCEP gồm các lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ, và đầu tư sẽ đóng vai trò quan trọng đối với hội nhập kinh tế trong khu vực Đông Á;

Nhắc lại Điều XXIV của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 và Điều V của Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ tương ứng tại các Phụ lục 1A và Phụ lục 1B, và Hiệp định Marrakesh nhằm thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới, được ký tại Marrakesh, ngày 15 tháng 4 năm 1994 (sau đây được gọi là “Hiệp định WTO”);

Thừa nhận vai trò của các hiệp định thương mại khu vực trong việc đẩy nhanh tự do hóa khu vực và toàn cầu trong khung khổ hệ thống thương mại đa phương;

Khẳng định lại các quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên theo Hiệp định WTO và các hiệp định và thỏa thuận song phương, khu vực và đa phương; và

Quyết tâm thiết lập khuôn khổ pháp lý cho quan hệ đối tác kinh tế toàn diện này giữa các Bên;

ĐÃ NHẤT TRÍ như sau:

Chương 1

CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Các định nghĩa chung

Vì mục đích của Hiệp định này, thuật ngữ:

(a) “các Quốc gia thành viên ASEAN” có nghĩa chung là Brunei Darussalam, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Inđônêxia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaixia, Liên bang Myanma, Cộng hòa Philippin, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

(b) “cơ quan hải quan” là cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm quản lý và thực thi luật và các quy định hải quan;

(c) “ngày” là ngày theo lịch, gồm cả các ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ;

(d) “GATS” là Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ trong Phụ lục 1B của Hiệp định WTO;

(e) “GATT 1994” là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO. Vì mục đích của Hiệp định này, việc dẫn chiếu đến các điều khoản trong Hiệp định GATT 1994 bao gồm các Ghi chú và Quy định bổ sung của Hiệp định;

(f) “Hệ thống hài hòa” hoặc “HS” có nghĩa là Hệ thống Mã số và Mô tả mặt hàng hài hòa quy định trong Phụ lục của Công ước quốc tế về Hệ thống Mã số và Mô tả mặt hàng hài hòa, được thông qua và thực hiện theo luật pháp của các Bên;

(g) “các Quốc gia thành viên ASEAN mới” nghĩa là Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Liên bang Myanma và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

(h) “các Bên” có nghĩa chung là tất cả các Quốc gia thành viên ASEAN mà Hiệp định này có hiệu lực và Nhật Bản; và

(i) “Bên” nghĩa là một (1) trong các Quốc gia thành viên ASEAN mà Hiệp định này có hiệu lực hoặc Nhật Bản.

[...]