Nghị định 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương

Số hiệu 96/2022/NĐ-CP
Ngày ban hành 29/11/2022
Ngày có hiệu lực 01/12/2022
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Bình Minh
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/2022/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2022

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: Điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nô công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao (không bao gồm công nghiệp công nghệ thông tin); cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; dịch vụ logistics; phát triển thị trường ngoài nước; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phòng vệ thương mại; các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ, của bộ và các nghị quyết, dự án, đề án, chương trình tổng kết theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án quan trọng quốc gia thuộc phạm vi các ngành, lĩnh vực do bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Phê duyệt chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, chương trình phát triển, các dự án đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp và ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực do bộ quản lý; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ; chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công nghiệp và thương mại.

5. Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; tổ chức thực hiện đối với hoạt động đo lường, sở hữu trí tuệ và tổ chức quản lý, hướng dẫn, kiểm tra chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa, ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật.

6. Về năng lượng bao gồm: điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo và các năng lượng khác; quản lý nhu cầu điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:

a) Quản lý nhà nước theo thẩm quyền về đầu tư xây dựng các dự án năng lượng; tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện quy hoạch, tông họp báo cáo tình hình sản xuất và thực hiện dự án đầu tư lĩnh vực năng lượng;

b) Tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia;

c) Phê duyệt kế hoạch khai thác sớm tại các mỏ dầu khí; kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí; kế hoạch thu dọn mỏ dầu khí; quyết định thu hồi mỏ dầu khí trong trường hợp nhà thầu không tiến hành phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo thời gian quy định đã được phê duyệt; quyết định cho phép đốt bỏ khí đồng hành; quyết định gia hạn giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí theo quy định của hợp đồng dầu khí; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về dầu khí;

d) Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và phân phối dầu khí (bao gồm: xăng dầu, khí tự nhiên, khí hóa lỏng và các sản phẩm dầu khí khác) theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ;

e) Tổ chức đàm phán để ký kết các văn kiện, tài liệu trong lĩnh vực năng lượng (Hợp đồng BOT, Bảo lãnh Chính phủ, Hiệp định) theo quy định của pháp luật và ủy quyền của Chính phủ;

g) Quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của pháp luật.

7. Về điều tiết diện lực:

a) Xây dựng các quy định về vận hành thị trường điện lực cạnh tranh và tổ chức thực hiện;

b) Chỉ đạo xây dựng kế hoạch cung cấp điện, kiểm tra và giám sát tình hình cung cấp điện và vận hành hệ thống điện để đảm bảo cân bằng cung cầu điện; nghiên cứu, đề xuất và quản lý các giải pháp thực hiện cân bằng cung cầu điện; hướng dẫn điều kiện, trình tự ngừng cấp điện, cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện; điều kiện, trình tự đấu nối vào hệ thống điện quốc gia;

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách giá điện;

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực; phê duyệt phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực sau khi lấy ý kiến của Bộ Tài chính; phê duyệt khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện và giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; kiểm tra hợp đồng mua bán điện có thời hạn giữa đơn vị phát điện và đơn vị mua điện, hợp đồng mua bán buôn điện có thời hạn theo quy định của Chính phủ;

[...]