Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 36/2009/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 115/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 143/2003/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 36/2009/TT-BTC
Ngày ban hành 26/02/2009
Ngày có hiệu lực 12/04/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Xây dựng - Đô thị

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 36/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 115/2008/NĐ-CP NGÀY 14/11/2008 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 143/2003/NĐ-CP NGÀY 28/11/2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi (sau đây gọi tắt là Nghị định số 115/2008/NĐ-CP);

Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu thủy lợi phí, xác nhận diện tích đất được miễn và không được miễn thuỷ lợi phí, việc lập dự toán, cấp phát, thanh, quyết toán khoản cấp bù thuỷ lợi phí được miễn; việc hỗ trợ tài chính để thực hiện xử lý xoá nợ đọng thuỷ lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi như sau:

I- MỨC THU THỦY LỢI PHÍ.

1. Mức thu thuỷ lợi phí, tiền nước đối với công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là công trình ngân sách) được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 19 sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ-CP.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào điều kiện cụ thể của công trình thủy lợi và các hoạt động tương quan để quyết định mức thu cụ thể quy định tại tiết 5, tiết 7 và tiết 8 điểm d khoản 1 Điều 19 sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ-CP.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào kết cấu hệ thống công trình thủy lợi và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước làm căn cứ xác định phạm vi thủy lợi phí phải nộp theo quy định của nhà nước gắn với trách nhiệm và chi phí vận hành, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi của các tổ chức quản lý công trình thủy lợi và phạm vi thu phí dịch vụ lấy nước với trách nhiệm quản lý, sửa chữa hệ thống kênh nội đồng của tổ chức hợp tác dùng nước.

2. Mức thủy lợi phí các công trình đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc có một phần vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi là công trình ngoài ngân sách) quy định tại khoản 4 Điều 19 sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ- CP do đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi thoả thuận với hộ dùng nước. Tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi lập báo cáo diện tích và mức thu thoả thuận để gửi Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định. Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào thực tế nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, diện tích, biện pháp tưới tiêu, chi phí quản lý, vận hành công trình thủy lợi để thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt mức thủy lợi phí thỏa thuận của từng công trình thủy lợi.

3. Xác định mức thủy lợi phí: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào kết cấu hệ thống công trình thủy lợi; quy trình và biện pháp tưới, tiêu; diện tích đất canh tác được tưới, tiêu để làm căn cứ xác định mức thu, miễn thủy lợi phí và lập dự toán cấp bù thủy lợi phí được miễn.

4. Căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương và đặc điểm hệ thống công trình thủy lợi, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức trần phí dịch vụ lấy nước của tổ chức hợp tác dùng nước tính từ sau cống đầu kênh đến mặt ruộng (kênh nội đồng) do tổ chức hợp tác dùng nước và các tổ chức, cá nhân sử dụng nước thỏa thuận. Mức phí dịch vụ lấy nước thỏa thuận không được cao hơn mức trần do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI MIỄN THUỶ LỢI PHÍ VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN.

1. Đối tượng miễn thuỷ lợi phí:

Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối.

2. Phạm vi miễn thuỷ lợi phí:

Phạm vi miễn thủy lợi phí được quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 19 sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ-CP; cụ thể là diện tích mặt đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối, bao gồm diện tích:

- Đất, mặt nước được nhà nước giao cho các hộ gia đình cá nhân;

- Đất, mặt nước được thừa kế, cho, tặng;

- Đất, mặt nước mà các hộ gia đình cá nhân chuyển nhượng hợp pháp;

- Đất, mặt nước các gia đình, cá nhân được giao hoặc đấu thầu quyền sử dụng đất 5% công ích do địa phương quản lý.

Tổng diện tích đất, mặt nước nêu trên của mỗi hộ, cá nhân nằm trong hạn mức giao đất nông nghiệp thuộc phạm vi được miễn thủy lợi phí. Phần diện tích vượt hạn mức giao đất nông nghiệp thì không được miễn thủy lợi phí.

Đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo qui định của Chính phủ được miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất, mặt nước nêu trên, không phân biệt trong hay vượt hạn mức giao đất.

Đối với diện tích đất, mặt nước các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán của các doanh nghiệp, nông, lâm trường không thuộc phạm vi được miễn thủy lợi phí.

3. Các tổ chức được ngân sách cấp bù kinh phí miễn thuỷ lợi phí:

Các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi (sau đây gọi là đơn vị quản lý thuỷ nông) thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu nước cho diện tích được miễn thuỷ lợi phí được ngân sách cấp bù kinh phí miễn thuỷ lợi phí, bao gồm:

3.1. Các Công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước sở hữu 100% vốn, công ty cổ phần và các công ty khác tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi có giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

3.2. Các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi gồm: Trung tâm quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, Ban quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, Trạm quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

3.3. Các tổ chức hợp tác dùng nước: Ban quản lý thuỷ nông, tổ đường nước, đội thuỷ nông, hội dùng nước, hiệp hội dùng nước, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc đồng ý cho thành lập, hoặc có giấy phép đăng ký kinh doanh, hoặc được đại hội xã viên thông qua quy chế, điều lệ hoạt động. Cơ quan thành lập, hoặc đồng ý cho thành lập là Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thể ủy quyền cho UBND cấp xã nơi đơn vị đóng trụ sở chính quyết định thành lập hoặc đồng ý thành lập.

[...]