Thông tư 33/1999/TT-BTC hướng dẫn quản lý, cấp phát kinh phí sự nghiệp Chương trình Quốc gia xoá đói giảm nghèo do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 33/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 29/03/1999
Ngày có hiệu lực 13/04/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 33/1999/TT-BTC NGÀY 29 THÁNG 3 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, CẤP PHÁT KINH PHÍ SỰ NGHIỆP CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO

Căn cứ Quyết định số 05/1998/QĐ-TTg ngày 14/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý Chương trình mục tiêu Quốc gia và Quyết định 531/TTg ngày 8/8/1996 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 133/1998/QĐ-TTg ngày 23/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia Xoá đói giảm nghèo trong giai đoạn 1998 - 2000.
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996, Nghị định số 51/ 1998/NĐ/CP ngày 18 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về phân cấp, quản lý, lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước; Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/ 1998 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước;
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, sử dụng ngân sách thuộc Chương trình Quốc gia xoá đói giảm nghèo như sau:

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Hàng năm Ngân sách Trung ương bố trí một khoản kinh phí cần thiết để thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Kinh phí chương trình Quốc gia xóa đói giảm nghèo do Ban Chủ nhiệm chương trình phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ, trình Chính phủ duyệt để thông báo trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Bộ, ngành, cơ quan TW và các địa phương.

2- Ngoài kinh phí được bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp, chương trình Xoá đói giảm nghèo còn được đầu tư bằng nguồn vốn Xây dựng cơ bản (có văn bản hướng dẫn riêng). Hàng năm các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương cần huy động các nguồn lực sẵn có của Bộ, ngành, cơ quan TW và địa phương, nguồn tự có của nhân dân để thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo.

3- Các chương trình mục tiêu quốc gia khác nếu có các nội dung chi liên quan đến mục tiêu xoá đói giảm nghèo phải được lồng ghép với kinh phí chương trình xoá đói giảm nghèo để thực hiện có hiệu quả đúng mục đích không trùng lắp.

4- Các dự án được bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp do Bộ Tài chính cấp trực tiếp cho Bộ, ngành, cơ quan tham gia chương trình và cấp uỷ quyền qua Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc TW để thực hiện nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo tại địa phương.

5- Kinh phí chương trình xoá đói giảm nghèo được quản lý chặt chẽ, chi đúng mục đích, đúng đối tượng; báo cáo và quyết toán theo quy định hiện hành.

II - NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1- Các dự án được bố trí vốn từ nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc Ngân sách Trung ương bao gồm:

- Dự án định canh, định cư, di dân, kinh tế mới.

- Dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc khó khăn.

- Dự án hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

- Dự án nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo và cán bộ các xã nghèo.

- Dự án hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề.

- Dự án hỗ trợ về giáo dục

- Dự án hỗ trợ về y tế.

2- Cơ chế quản lý tài chính các dự án:

2.1- Dự án định canh, định cư, kinh tế mới:

- Nguồn vốn sự nghiệp định canh, định cư do ngân sách nhà nước cấp nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thuộc diện định canh, định cư ngoài vùng dự án để tăng gia sản xuất và ổn định đời sống.

Cơ chế quản lý kinh phí định canh, định cư theo công văn số 3262/TC/HCSN ngày 19 tháng 9 năm 1996 của Bộ Tài chính.

- Nguồn vốn sự nghiệp di dân kinh tế mới: nhằm giúp các hộ gia đình tự nguyện đi xây dựng các vùng kinh tế mới, vùng kinh tế được cấp có thẩm quyền cho phép, vùng dự án theo hình thức lồng ghép hoặc tự liên hệ và được địa phương nơi đến chấp nhận, vùng giải phóng mặt bằng, di dân đến vùng biên giới theo kế hoạch di dân được Nhà nước giao hàng năm ổn định đời sống và phát triển sản xuất, tăng cường an ninh quốc phòng.

Cơ chế quản lý kinh phí di dân kinh tế mới theo Thông tư số 15/LĐTBXH ngày 1/7/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2.2- Dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc khó khăn: Là dự án nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn và các dân tộc ở những vùng đặc biệt khó khăn ổn định đời sống, phát triển sản xuất tăng thêm thu nhập để từng bước xoá đói giảm nghèo.

a/ Đối tượng được hưởng hỗ trợ của dự án là:

- Các hộ gia đình thuộc dân tộc thiểu số khó khăn cư trú ở miền núi cao, vùng sâu, xa xôi hẻo lánh, vùng biên giới có thu nhập bình quân đầu người dưới 13 ki lô gam gạo/ tháng; trình độ sản xuất lạc hậu, trình độ dân trí thấp, hạ tầng cơ sở còn sơ sài.

- Hộ gia đình dân tộc ở vùng đặc biệt khó khăn theo Thông tư số 41/UB-TT ngày 8/1/1996 của Uỷ ban dân tộc Miền núi do điều kiện khí hậu, đất đai, giao thông không thuận lợi hoặc bị hậu quả chiến tranh đời sống khó khăn thiếu ăn, không có nước sinh hoạt mùa màng thất thu.

[...]