Thông tư 32/2010/TT-BCT quy định hệ thống điện phân phối do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 32/2010/TT-BCT
Ngày ban hành 30/07/2010
Ngày có hiệu lực 15/09/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Đỗ Hữu Hào
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 32/2010/TT-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH HỆ THỐNG ĐIỆN PHÂN PHỐI

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam;
Bộ Công Thương quy định hệ thống điện phân phối như sau:

Thông tư này quy định về:

1. Các tiêu chuẩn vận hành hệ thống điện phân phối.

2. Đầu tư phát triển lưới điện phân phối.

3. Dự báo nhu cầu phụ tải điện.

4. Điều kiện và thủ tục đấu nối vào lưới điện phân phối.

5. Điều độ và vận hành hệ thống điện phân phối.

6. Đo đếm điện năng tại các điểm giao nhận giữa lưới điện phân phối và nhà máy điện đấu nối vào lưới điện phân phối không tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh và Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối.

Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:

1. Đơn vị phân phối điện;

2. Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối;

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cấp điện áp là một trong những giá trị của điện áp danh định được sử dụng trong hệ thống điện, bao gồm:

a) Hạ áp là cấp điện áp danh định dưới 1000V;

b) Trung áp là cấp điện áp danh định từ 1000V đến 35kV;

c) Cao áp là cấp điện áp danh định trên 35kV đến 220kV;

d) Siêu cao áp là cấp điện áp danh định trên 220kV.

2. Biến dòng điện (CT) là thiết bị biến đổi dòng điện, mở rộng phạm vi đo dòng điện và điện năng cho hệ thống đo đếm điện.

3. Biến điện áp (VT) là thiết bị biến đổi điện áp, mở rộng phạm vi đo điện áp và điện năng cho hệ thống đo đếm điện.

4. Công suất khả dụng của tổ máy phát điện là công suất phát thực tế cực đại của tổ máy phát điện có thể phát ổn định, liên tục trong một khoảng thời gian xác định.

5. Dao động điện áp là sự biến đổi biên độ điện áp so với điện áp danh định trong thời gian dài hơn một (01) phút.

6. Điểm đấu nối là điểm nối trang thiết bị, lưới điện và nhà máy điện của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối hoặc Đơn vị phân phối điện khác vào lưới điện phân phối.

7. Đơn vị phân phối điện là đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối điện nhận điện trực tiếp từ lưới điện truyền tải để bán điện cho Khách hàng sử dụng điện hoặc các Đơn vị phân phối và bán lẻ điện khác.

8. Đơn vị phân phối và bán lẻ điện là đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện, mua buôn điện từ Đơn vị phân phối điện để bán lẻ điện cho Khách hàng sử dụng điện.

9. Đơn vị truyền tải điện là đơn vị điện lực được cấp phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện, có trách nhiệm quản lý vận hành lưới điện truyền tải quốc gia.

[...]