Quyết định 26/2006/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 26/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 26/01/2006
Ngày có hiệu lực 24/02/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT LỘ TRÌNH, CÁC ĐIỀU KIỆN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÁC CẤP ĐỘ THỊ TRƯỜNG ĐIỆN LỰC TẠI VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, với các nội dung sau đây:

1. Mục đích:

a) Từng bước phát triển thị trường điện lực cạnh tranh một cách ổn định, xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện;

b) Thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực, giảm dần đầu tư của Nhà nước cho ngành điện;

c) Tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện;

d) Đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy và chất lượng ngày càng cao;

đ) Đảm bảo phát triển ngành điện bền vững.

2. Lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam:

Thị trường điện lực tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ:

- Cấp độ 1 (2005 - 2014): thị trường phát điện cạnh tranh.

- Cấp độ 2 (2015 - 2022): thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

- Cấp độ 3 (từ sau 2022): thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước: thí điểm và hoàn chỉnh, cụ thể như sau:

a) Bước 1 - cấp độ 1: thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2005 đến năm 2008).

- Thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh giữa các nhà máy điện thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) để thí điểm cạnh tranh trong khâu phát điện theo mô hình một đơn vị mua duy nhất. Các nhà máy điện, các công ty truyền tải điện, các công ty phân phối điện thuộc EVN sẽ được tổ chức lại dưới dạng các công ty độc lập về hạch toán kinh doanh.

- Các công ty phát điện độc lập (IPP) không thuộc sở hữu của EVN tiếp tục bán điện cho EVN theo các hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA) đã được ký kết.

- Kết thúc bước thí điểm, các nhà máy điện lớn có vai trò quan trọng trong hệ thống điện hiện đang thuộc EVN phải được chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc lập IPP (Independent Power Producer) dưới dạng các công ty nhà nước độc lập; các nhà máy điện còn lại phải được chuyển đổi thành các đơn vị phát điện độc lập dưới dạng các công ty cổ phần để chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

- Bộ Công nghiệp ban hành các quy định điều tiết các hoạt động của thị trường và hướng dẫn thực hiện.

b) Bước 2 - cấp độ 1: thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2009 đến năm 2014).

- Thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh sau khi các điều kiện tiên quyết cho bước này đã được đáp ứng.

- Cho phép các nhà máy điện độc lập (IPP) không thuộc sở hữu của EVN tham gia chào giá để bắt đầu thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh (theo mô hình một người mua duy nhất); các đơn vị phát điện sẽ bán điện lên thị trường thông qua các hợp đồng PPA và chào giá cạnh tranh trên thị trường giao ngay với tỷ lệ điện năng mua bán theo hai hình thức của từng đơn vị do Cục Điều tiết điện lực quy định.

c) Bước 1 - cấp độ 2: thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2015 đến năm 2016).

- Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm khi các điều kiện tiên quyết cho cấp độ này đã được đáp ứng.

[...]