Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư 29/2023/TT-BGTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 29/2023/TT-BGTVT
Ngày ban hành 29/09/2023
Ngày có hiệu lực 01/12/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Danh Huy
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2023/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2023

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐƯỜNG NGANG VÀ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU TRONG PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG SẮT

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đường ngang (không bao gồm: đường sắt và đường bộ trên cầu chung; nơi đường sắt giao nhau với đường bộ chuyên dùng phục vụ tác nghiệp của ga, cảng, bãi hàng, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp); giao thông tại khu vực đường ngang; việc cấp, gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bãi bỏ đường ngang trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng; việc cấp, gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến:

1. Hoạt động xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bãi bỏ, quản lý, sử dụng, bảo trì đường ngang.

2. Hoạt động giao thông tại khu vực đường ngang.

3. Xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đường ngang công cộng là đoạn đường bộ thuộc quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị giao nhau cùng mức với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.

2. Đường ngang chuyên dùng là đoạn đường bộ chuyên dùng giao nhau cùng mức với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.

3. Đường ngang có người gác là đường ngang được tổ chức phòng vệ bằng hình thức bố trí người gác.

4. Đường ngang không có người gác là đường ngang được tổ chức phòng vệ bằng cảnh báo tự động hoặc biển báo.

5. Đường ngang cảnh báo tự động là đường ngang bố trí phòng vệ bằng báo hiệu cảnh báo tự động, có hoặc không có cần chắn tự động.

6. Đường ngang biển báo là đường ngang bố trí phòng vệ bằng các biển báo hiệu.

7. Đường ngang sử dụng lâu dài là đường ngang không giới hạn thời gian khai thác kể từ khi cấp có thẩm quyền cho phép.

8. Đường ngang sử dụng có thời hạn là đường ngang chỉ được khai thác trong thời gian nhất định được cấp có thẩm quyền cho phép.

9. Chắn đường ngang là cần chắn, giàn chắn được xây dựng, lắp đặt trong phạm vi đường ngang với mục đích ngăn người, phương tiện và các vật thể khác đi qua đường sắt trong một khoảng thời gian nhất định.

10. Cơ quan quản lý đường bộ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

11. Hệ thống phòng vệ đường ngang là hệ thống liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn tại đường ngang bao gồm: chắn đường ngang; cọc tiêu, hàng rào cố định; vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc; hệ thống biển báo hiệu đường sắt, đường bộ; hệ thống giám sát đường ngang; đèn tín hiệu và chuông điện; tín hiệu cảnh báo đường ngang, tín hiệu ngăn đường trên đường sắt và các thiết bị khác liên quan.

12. Gờ giảm tốc là một dạng vạch sơn kẻ đường, có chiều dày không quá 06 milimét (mm), có tác dụng cảnh báo (thông qua việc gây ra tác động nhẹ lên phương tiện) cho người điều khiển phương tiện biết trước vị trí nguy hiểm, cần phải giảm tốc độ và chú ý quan sát để bảo đảm an toàn giao thông.

[...]