Quyết định 157-HĐBT năm 1983 về việc tiến hành tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định trong các đơn vị cơ sở, xí nghiệp sản xuất kinh doanh vào 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 1985 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 157-HĐBT
Ngày ban hành 16/12/1983
Ngày có hiệu lực 31/12/1983
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 157-HĐBT

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 1983

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TIẾN HÀNH TỔNG KIỂM KÊ VÀ ĐÁNH GIÁ LẠI TÀI SẢN CỐ ĐỊNH TRONG CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ, XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT KINH DOANH VÀO 0 GIỜ NGÀY 01 THÁNG 4 NĂM 1985

Tài sản cố định của nước ta được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (nhập từ nước ngoài, sản xuất, chế tạo và xây dựng trong nước, tiếp thu của thực dân Pháp trước đây của Mỹ, ngụy quyền Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng…) đã và đang tăng nhanh cả về số lượng và giá trị tạo thành cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng của nền kinh tế nước ta.

Trong những năm qua cùng với những chuyển biến quan trọng của nền kinh tế, tình hình tài sản cố định đã có những biến động lớn về mặt cơ cấu, số lượng, chất lượng và giá trị. Để quản lý và sử dụng tài sản cố định, Nhà nước ta đã nhiều lần tiến hành kiểm kê, đánh giá tài sản (tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định năm 1973, tổng kiểm kê và xác định giá tài sản trong cả nước năm 1980, và gần đây đã tiến hành điều chỉnh tăng nguyên giá tài sản cố định).

Những lần kiểm kê, đánh giá tài sản trên đây tuy có mặt đạt được những kết quả nhất định, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được các mục tiêu đặt ra. Tình hình chung về tài sản cố định trong nền kinh tế quốc dân cũng còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

- Giá trị tài sản cố định mặc dù đã được điều chỉnh tăng từ 3 đến 5 lần nhưng vẫn còn rất thấp so với hệ thống bán buôn vật tư hiện hành và càng thấp hơn so với thời giá quốc tế. Với nguyên giá đó không thể nào bảo đảm được việc tính khấu hao để hoàn vốn tài sản cố định và hạch toán đúng giá thành sản phẩm.

- Việc xác định giá tài sản nhiều nơi cũng còn chưa thống nhất. Nhiều tài sản cố định cùng loại, cùng đặc điểm, tính năng và tác dụng hình thành từ các nguồn khác nhau, được tính theo giá khác nhau gây ra những bất hợp lý trong việc tính khấu hao, hạch toán chi phí, quản lý vốn và tính toán xác định hiệu quả sử dụng vốn.

- Công tác quản lý sử dụng tài sản còn khá nhiều tồn tại, gây tình trạng hư hỏng, mất mát, thất lạc tài sản, công suất thiết bị máy móc không được phát huy đầy đủ; nhiều ngành, nhiều địa phương, xí nghiệp sử dụng công suất thiết bị máy móc còn quá thấp, gây lãng phí nghiêm trọng.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, đưa công tác quản lý và sử dụng tài sản cố định đạt hiệu quả kinh tế cao, phục vụ cho việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong những năm tới, trước mắt và trực tiếp là phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm sắp tới (1986 – 1990), Hội đồng bộ trưởng quyết định tổ chức tiến hành tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định trong tất cả các đơn vị cơ sở , xí nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế quốc doanh trong cả nước vào thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 1985.

1. Mục đích, yêu cầu cuộc tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định.

Tiến hành tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định lần này nhằm mục đích giúp cho các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở nhất là các đơn vị cơ sở nắm lại toàn bộ tình hình tài sản cố định thuộc mình quản lý, xác định đúng đắn tình trạng tài sản và năng lực sản xuất, tính lại giá các loại tài sản cố định theo giá thống nhất trong cả nước, xác định lại vốn cố định của từng đơn vị cơ sở, từng ngành, từng địa phương, để sử dụng có hiệu quả, có căn cứ để tính toán giá thành, khấu hao… được hợp lý, thanh lý, xử lý các loại tài sản không còn phát huy được tác dụng.

Từ việc nắm lại được toàn bộ tài sản cố định, các đơn vị kinh tế cơ sở, các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố cũng như trung ương có căn cứ để thực hiện việc điều hòa, phân phối và sử dụng hợp lý tài sản hiện có, đồng thời xác định kế hoạch hóa đầu tư, trang bị đổi mới, sửa chữa hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế xã hội những năm sau này, trước mắt là phục vụ kế hoạch 5 năm 1986-1990, phục vụ cho việc thực hiện chủ trương sắp xếp lại sản xuất.

Yêu cầu cần phải đạt được trong kỳ tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định lần này là:

- Xác định chính xác số lượng, chất lượng, hiện trạng, cơ cấu, giá trị tài sản cố định hiện có trong từng đơn vị cơ sở, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh, từng ngành, từng địa phương và vùng lãnh thổ, đánh giá đúng đắn năng lực sản xuất, mức độ sử dụng và khả năng phát huy công suất của máy móc, thiết bị.

- Thống nhất đánh giá lại tài sản cố định trong phạm vi cả nước theo giá tái sản xuất ra loại tài sản cố định đó trong điều kiện hiện tại (giá khôi phục) tạo điều kiện cho từng đơn vị cơ sở, xí nghiệp, từng ngành, từng địa phương xác định đúng đắn số vốn (vốn cố định) để quản lý sử dụng một cách có hiệu quả, xây dựng các chế độ, chính sách và quản lý tài sản cố định như chế độ và quy định tỷ lệ khấu hao, các chính sách về cải tạo tài sản v.v…

- Qua tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định, xác định chế độ trách nhiệm và kiện toàn một bước công tác quản lý và sử dụng tài sản, chấn chỉnh toàn bộ hồ sơ kinh tế kỹ thuật, đưa công tác hạch toán và quản lý tài sản đi vào chế độ chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng mất mát, sử dụng lãng phí tài sản của Nhà nước.

- Xác định rõ ràng năng lực sản xuất của từng ngành kinh tế kỹ thuật, của từng vùng kinh tế lãnh thổ, trên cơ sở đó tiến hành công tác quy hoạch và sắp xếp lại sản xuất trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, nhằm từng bước giải quyết các việc mất cân đối tồn tại trong nhiều năm qua.

2. Phạm vi và đối tượng tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định.

Phạm vi tiến hành tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định lần này bao gồm tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở, xí nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh và kinh tế tập thể. Trước mắt, các đơn vị cơ sở thuộc thành phần kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh ở trung ương cũng như địa phương phải tiến hành tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định ngay trong năm 1985; còn các đơn vị cơ sở thuộc thành phần kinh tế tập thể sẽ tiến hành sau, có thể vào năm 1986.

Bộ Quốc Phòng và Bộ Nội vụ cũng tiến hành tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định ở các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc ngành mình quản lý và báo cáo kết quả riêng cho Hội đồng bộ trưởng.

Đối tượng tổng kiểm kê và đánh giá lại lần này chỉ bao gồm tài sản cố định. Các đơn vị cơ sở, các ngành, các địa phương phải vận dụng đúng tiêu chuẩn hiện hành để xác định và thực hiện đánh giá lại theo giá khôi phục hoàn toàn ban hành trong kỳ tổng kiểm kê này. Ngoài ra trong kỳ tổng kiểm kê cùng kết hợp nắm lại cả tài sản thuộc các công trình thiết bị toàn bộ (tuy chưa phải là tài sản cố định) mà chưa xây dựng hoặc hoãn xây dựng… để có kế hoạch điều hòa, sử dụng. Các tài sản này chỉ kiểm kê mà không đánh giá lại.

Những tài sản cố định sau đây cũng chỉ kiểm kê mà không đánh giá lại:

- Các công trình văn hóa, nghệ thuật, các vật bảo tàng, bảo tồn khu di tích lịch sử, sách ở các thư viện và công trình phục vụ sinh hoạt và nghỉ ngơi.

- Các loại vũ khí, khí tài của các lực lượng vũ trang.

Tất cả tài sản cố định của các cơ quan ngoại giao đóng ở nước ngoài không thuộc đối tượng kiểm kê và đánh giá lại lần này,

3. Hệ thống chỉ tiêu chủ yếu của tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định.

Các chỉ tiêu chủ yếu cần thu thập trong kỳ tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định lần này là:

- Về hiện vật: Số lượng, chất lượng, hiện trạng của các tài sản cố định; công suất của các thiết bị máy móc.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ