Thông tư 26-LĐTT năm 1958 hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và Nghị định Thủ tướng Chính phủ thi hành Luật công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 26-LĐTT
Ngày ban hành 01/10/1958
Ngày có hiệu lực 01/10/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26-LĐTT

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT CÔNG ĐOÀN VÀ NGHỊ ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THI HÀNH LUẬT CÔNG ĐOÀN TRONG CÁC XÍ NGHIỆP TƯ BẢN TƯ DOANH

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi
Đồng kính gửi:

- Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh
- Các Khu, Sở, Ty Lao động, Liên hiệp Công đoàn các khu, thành phố, tỉnh
- Thủ tướng phủ
- Các Bộ
- Tổng liên đoàn Lao động Việt nam
- Đoàn Thanh niên Lao động Việt nam

 

Căn cứ theo Luật công đoàn và nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật công đoàn và sau khi thống nhất ý kiến với Tổng liên đoàn Lao động Việt nam, Bộ Lao động ban hành thông tư này nhằm mục đích hướng dẫn thi hành một số điểm để thực hiện quyền giám sát của Công đoàn, cung cấp phương tiện hoạt động cho Công đoàn, cách trả lương cho cán bộ làm công tác Công đoàn trong giờ sản xuất, việc trích nộp kinh phí Công đoàn và thể thức giải quyết những trường hợp vi phạm luật lệ Công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh.

I. - THỰC HIỆN QUYỀN GIÁM SÁT CỦA CÔNG ĐOÀN VÀ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC TRONG CÁC XÍ NGHIỆP TƯ BẢN TƯ DOANH.

Mục đích giám sát của Công đoàn và công nhân viên chức trong các xí nghiệp tư bản tư doanh, theo điều 9 của Luật công đoàn và các điều 12, 13, 14, 15 của nghị định Thủ tướng Chính phủ là nhằm thực hiện tốt công tác quản lý xí nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần hoàn thành kế hoạch Nhà nước và thực hiện chính sách sử dụng hạn chế cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Nội dung giám sát nói chung nhằm bảo đảm việc thực hiện đúng các chính sách và luật lệ của Nhà nước thi hành trong các xí nghiệp tư bản tư doanh cụ thể như dưới đây:

- Các luật lệ về sản xuất kinh doanh, các kế hoạch, các hợp đồng sản xuất, thu mua, gia công, kinh tiêu, đại lý, bảo đảm các chỉ tiêu về số lượng, quy cách, kỹ thuật chế biến, phẩm chất hàng hóa, nguyên vật liệu, tài vụ. Các luật lệ về nộp thuế công thương nghiệp, thuế lợi tức của Nhà nước.

- Các luật lệ lao động đã ban hành, các hợp đồng lao tư gồm các khoản về tiền lương, an toàn lao động, quyền lợi xã hội, phúc lợi, kế hoạch và thời gian lao động.

Để thực hiện đúng các điều 14, 15 trong nghị định Thủ tướng Chính phủ trong các xí nghiệp tư bản tư doanh, Ban Chấp hành Công đoàn và chủ xí nghiệp, tuỳ theo từng trường hợp, tổ chức các hình thức hội nghị như dưới đây:

a) Hội nghị thường kỳ:

Hàng tháng Ban Chấp hành Công đoàn và chủ xí nghiệp hoặc người được uỷ nhiệm quản lý xí nghiệp, quản lý công ty (dưới đây sẽ gọi chung là chủ xí nghiệp) họp hội nghị kiểm điểm, nhận xét việc thi hành các hợp đồng, các chính sách, luật lệ của Chính phủ về sản xuất kinh doanh, về quyền lợi của công nhân, viên chức trong xí nghiệp.

Tuỳ theo yêu cầu cần thiết Ban Chấp hành Công đoàn có thể mời thêm một số đãi biểu công nhân và nhân viên kỹ thuật của xí nghiệp hoặc cán bộ cơ quan Nhà nước đến dự hội nghị.

Trong hội nghị chủ xí nghiệp báo cáo việc thực hiện sản xuất kinh doanh, các hợp đồng thu mua, gia công…, việc thi hành các  chính sách, các luật lệ Nhà nước, các quyền lợi của công nhân, viên chức, các hợp đồng lao tư của tháng trước và nhiệm vụ biện pháp công tác tháng tới của xí nghiệp.

Hội nghị thảo luận, nhận xét, chất vấn phê bình công việc làm của xí nghiệp, đề xuất những vấn đề cần thiết phải thi hành để hội nghị thảo luận, góp ý kiến xây dựng nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cho tháng tới.

Mỗi phiên họp đều phải làm biên bản. Những vấn đề đã thống nhất ý kiến giữa Công đoàn và chủ xí nghiệp trong hội nghị thì ghi vào biên bản để chủ xí nghiệp tổ chức thực hiện. Những vấn đề  chưa thống nhất thì trong biên bản ghi ý kiến của hai bên để tiếp tục giải quyết.

Sau mỗi cuộc hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức báo cáo kết quả cho toàn thể công nhân, viên chức trong xí nghiệp biết và hướng dẫn thi hành nghị quyết của hội nghị.

Ban Chấp hành Công đoàn theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc thi hành những nghị quyết của hội nghị.

Để chuẩn bị cho hội nghị tiến hành được tốt, Ban Chấp hành Công đoàn góp ý kiến với chủ xí nghiệp những vấn đề cần báo cáo trong hội nghị. Bản báo cáo cần gửi cho Ban Chấp hành Công đoàn có đủ thì giờ nghiên cứu tuỳ theo từng vấn đề, trước ngày hội nghị.

Hội nghị họp một nửa thì giờ trong giờ sản xuất và một nửa thì giờ ngoài giờ sản xuất.

b) Hội nghị bất thường:

Ngoài những cuộc hội nghị thường kỳ nói trên khi cần giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, khi công nhân, viên chức phát hiện những vấn đề thi hành không đúng các hợp đồng sản xuất kinh doanh, hợp đồng giữa thợ và chủ, điều lệ lao tư, những nghị quyết của những cuộc hội nghị giữa Công đoàn, công nhân, viên chức và chủ xí nghiệp hoặc những chính sách khác về sản xuất kinh doanh của Nhà nước thì Ban Chấp hành Công đoàn và chủ xí nghiệp tổ chức họp bất thường để kiểm điểm và giải quyết.

c) Hội nghị công nhân, viên chức:

Đối với những vấn đề có quan hệ đến quyền lợi chung, những vấn đề quan trọng cần có ý kiến của toàn thể công nhân, viên chức để giải quyết như: những khó khăn lớn trong sản xuất, những vấn đề của các cuộc họp thường lệ và bất thường trong xí nghiệp không giải quyết được, những vấn đề do công nhân, viên chức hoặc chủ xí nghiệp yêu cầu đưa ra hội nghị công nhân, viên chức hoặc những vấn đề do Công đoàn cấp trên hoặc cơ quan Nhà nước yêu cầu thì Ban Chấp hành Công đoàn và chủ xí nghiệp tổ chức hội nghị toàn thể công nhân, viên chức hoặc hội nghị đại biểu công nhân, viên chức để thảo luận, giải quyết.

Thủ tục và lề lối của các cuộc hội nghị bất thường và hội nghị công nhân, viên chức đều theo thể thức đã nói trong phần hội nghị thường lệ trên đây. Riêng bản báo cáo trong các cuộc hội nghị bất thường và hội nghị công nhân, viên chức thì làm theo yêu cầu của từng cuộc hội nghị. Chi tiết cụ thể do Tổng liên đoàn Lao động Việt-nam hướng dẫn.

II. THỰC HIỆN VIỆC CUNG CẤP PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG CHO CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ

[...]