Nghị định 188-TTg năm 1958 hướng dẫn Luật công đoàn 103-SL/L10 về quan hệ giữa các cấp chính quyền do Thủ Tướng ban hành

Số hiệu 188-TTg
Ngày ban hành 09/04/1958
Ngày có hiệu lực 24/04/1958
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 188-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 1958 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT CÔNG ĐOÀN SỐ 103-SL/L10 NGÀY 05-11-1957

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật công đoàn đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 14 tháng 9 năm 1957 và được ban hành do Sắc lệnh số 108-SL/L10 ngày 5 tháng 11 năm 1957;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Lao động và Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nghị định này quy định chi tiết thi hành Luật công đoàn về quan hệ giữa các cấp chính quyền. Giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng cơ quan Nhà nước và các chủ xí nghiệp tư bản tư doanh với tổ Chức công đoàn, với công nhân, viên chức, nhằm tạo điều kiện cho giai cấp công nhân phát triển và củng cố tổ chức của mình, phát huy tác dụng tích cực của Công đoàn trong công cuộc xây dựng chính quyền, kiến thiết kinh tế, phát triển văn hóa.

Chương 1:

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÔNG ĐOÀN TRONG VIỆC THAM GIA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP

TIẾT 1. - TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM, CÁC LIÊN HIỆP CÔNG ĐOÀN, CÔNG ĐOÀN NGÀNH DỌC VÀ CÔNG ĐOÀN TRỰC THUỘC TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM.

Điều 2. - Để thực hiện vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xí nghiệp, mỗi khi họp hội nghị bàn về việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước, về vấn đề sản xuất, kinh doanh, các cấp chính quyền cần tranh thủ ý kiến và thực hiện sự nhất trí với tổ chức Công đoàn cùng cấp.

Đối với các chính sách và Luật lệ thuộc về quyền lợi và nhiệm vụ của công nhân viên chức, các cấp chính quyền cần thảo luận và đi đến nhất trí với tổ chức Công đoàn cùng cấp trước khi quyết định. Trường hợp có những vấn đề đã thảo luận kỹ mà chưa nhất trí, thì cả hai bên phải báo cáo và xin ý kiến cấp trên.

Trong các cuộc hội nghị nói trên đại biểu của tổ chức công đoàn cấp nào là đại biểu chính thức thay mặt cho toàn thể công nhân, viên chức thuộc phạm vi tổ chức của công đoàn cấp ấy.

Để đại biểu của Công đoàn các cấp khi tham gia ý kiến với chính quyền có thể mang ý kiến tập thể của Ban chấp hành và của công nhân viên chức, cơ quan chính quyền các cấp mỗi khi triệu tập hội nghị cần gửi trước chương trình, đề án cho Công đoàn. Ban chấp hành công đoàn có trách nhiệm nghiên cứu các chương trình, đề án của chính quyền, chuẩn bị ý kiến và cử đại biểu thảo luận với chính quyền.

Trường hợp cấp bách, hoặc đối với những vấn đề ít phức tạp, cơ quan chính quyền có thể trao đổi ý kiến ngay với đại biểu công đoàn, không theo thủ tục nói trên.

Điều 3. – Trong quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước và các chính sách, luật lệ của Chính phủ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam căn cứ nguyện vọng của quần chúng lao động, khi xét thấy cần thiết, có thể đề nghị với Chính phủ những ý kiến nhằm bổ sung các chính sách, luật lệ hiện hành, hoặc đề nghị ban hành những chính sách, luật lệ mới liên quan đến quyền lợi và nhiệm vụ của công nhân viên chức.

Đối với các chính sách, luật lệ của Chính phủ về nhiệm vụ và quyền lợi của công nhân, viên chức, các Liên hiệp Công đoàn, Công đoàn ngành dọc, Công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn có nhiệm vụ cùng với cơ quan chính quyền cùng cấp quy định những chi tiết và những biện pháp thích hợp để tổ chức thực hiện các chính sách, luật lệ ấy trong phạm vi từng ngành, từng địa phương.

TIẾT 2. – CÔNG ĐOÀN Ở CÁC XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC:

Điều 4. - Mỗi khi cần giải quyết các vấn đề về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, về tổ chức lãnh đạo xí nghiệp, về thực hiện các chính sách liên quan đến nhiệm vụ, quyền lợi của công nhân, viên chức, Giám đốc xí nghiệp cần triệu tập hội nghị có đại biểu công đoàn tham dự để thảo luận các vấn đề trên, trước khi đưa ra trưng cầu ý kiến công nhân, viên chức.

Ban chấp hành công đoàn có trách nhiệm nghiên cứu chương trình, đề án của Giám đốc, thu thập ý kiến, nguyện vọng của công nhân, viên chức, cử đại biểu đi dự hội nghị thảo luận với Giám đốc xí nghiệp. Sau khi hội nghị đã quyết định, công đoàn có trách nhiệm tổ chức, động viên, hướng dẫn công nhân, viên chức tích cực phát huy sáng kiến, ra sức thi đua thực hiện quyết định ấy.

Điều 5. - Để toàn thể công nhân, viên chức phát huy mọi khả năng, sáng kiến, trực tiếp tham gia quản lý xí nghiệp và thực hiện vai trò giám sát của mình, Giám đốc xí nghiệp có nhiệm vụ thường kỳ báo cáo trước hội nghị công nhân, viên chức hoặc hội nghị đại biểu công nhân, viên chức về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, việc sơ kết, tổng kết thực hiện kế hoạch Nhà nước, việc thi hành các chính sách, luật lệ và chế độ lao động.

Nội dung báo cáo của Giám đốc xí nghiệp trong hội nghị nói trên sẽ do Giám đốc xí nghiệp Ban chấp hành công đoàn thảo luận quyết định.

Những hội nghị nói trên tổ chức thường kỳ hàng tháng, ba tháng, sáu tháng hoặc theo từng thời vụ, từng đợt công tác trong phạm vi tổ sản xuất, phân xưởng, khu vực hoặc toàn xí nghiệp, tùy theo xí nghiệp lớn hay nhỏ, số lượng công nhân, viên chức nhiều hay ít, làm việc tập trung hay phân tán. Những hội nghị này do Ban chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo. Thể thức tổ chức lãnh đạo do Công đoàn cấp trên hướng dẫn.

Điều 6. – Trong hội nghị nói trên, công nhân, viên chức có quyền thảo luận báo cáo của Giám đốc xí nghiệp để góp ý kiến về mọi mặt hoạt động của xí nghiệp và sự chỉ đạo của Giám đốc, nhận xét, phê bình công tác của Giám đốc.

Đối với các vấn đề thuộc phạm vi kế hoạch sản xuất, kinh doanh và thi hành những chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về việc quản lý xí nghiệp, hội nghị công nhân, viên chức có quyền góp ý kiến, xây dựng biện pháp thi hành. Trong khi thi hành nếu công nhân, viên chức thấy có khuyết điểm, thì có quyền đề nghị bổ sung, hoặc sửa đổi. Nhưng khi chưa có quyết định của Giám đốc xí nghiệp, công nhân viên chức không được tự ý thay đổi.

Đối với các vấn đề thuộc phạm vi sinh hoạt và phúc lợi của công nhân, viên chức, khi đã có chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, hội nghị công nhân, viên chức có thể quyết định những biện pháp cụ thể để Giám đốc nghiên cứu và tổ chức thực hiện.

Đối với những ý kiến của hội nghị công nhân viên chức, Giám đốc xí nghiệp có nhiệm vụ nghiên cứu và giải quyết.

Đối với những ý kiến đúng, thì ghi vào chương trình để thực hiện.

[...]