Thông tư 07-TC/HCP năm 1959 về việc nộp kinh phí công đoàn do Bộ Tài Chính ban hành.

Số hiệu 07-TC/HCP
Ngày ban hành 31/01/1959
Ngày có hiệu lực 15/02/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-TC/HCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH 

Kính gửi:

- Các Bộ, các cơ quan đoàn thể cấp trung ương
- Các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố
- Các Khu, Sở, Ty Tài chính

 

Chiếu theo luật Công đoàn (điều 21-c), Nghị định của Thủ tướng phủ số 188-TTg ngày 9/4/1958 (điều 19, 20, 22 và 23) và Thông tư của Bộ Lao động số 33-LĐ/TT ngày 27/12/1958, Bộ Tài chính xin hướng dẫn thêm sau đây cách thức nộp kinh phí Công đoàn.

1. CĂN CỨ ĐỂ TÍNH KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

Mỗi cơ quan đơn vị, xí nghiệp có tổ chức công đoàn, hàng tháng căn cứ vào tổng số thực chi về lương và phụ cấp lương của cán bộ, công nhân viên chức và dựa vào bản “quy định thành phần của tổng mức tiền lương” của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, mà tính kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) để nộp cho công đoàn theo sự hướng dẫn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Trong khi chờ đợi quy định chính thức thành phần của tổng mức tiền lương, Thủ tướng phủ đã đồng ý cho tạm thời áp dụng bản dự thảo của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (bản sao kèm theo).

Xin chú ý: trong tổng mức tiền lương, không kể những khoản sau đây:

- Tiền thù lao cho dân công;

- Tiền nhuận bút cho tác giả;

- Lương của chủ hay người thay mặt cho chủ ở các xí nghiệp tư bản tư doanh.

- Lương hay tiền công của những người học việc, những người lao động độc lập;

- Lương hay tiền công của những người giúp việc trong những nhà ăn, nhà giữ trẻ do công nhân, viên chức tự tổ chức và đảm nhiệm việc trả lương.

- Lương hay tiền công của những người tham gia những tập đoàn sản xuất, những đội bốc vác làm việc không thường xuyên cho các cơ quan, xí nghiệp và khách tư nhân.

2. NGÀY NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

Kinh phí công đoàn bắt đầu tính từ tháng 12/1958 và nộp vào đầu tháng 1/1959, và sau đó cứ theo nguyên tắc “kinh phí công đoàn tháng trước phải nộp từ ngày 1 đến ngày 10 tháng sau”  (Điều 22 Nghị định của Thủ tướng phủ số 188-TTg ngày 9/4/1958) mà thi hành. Thí dụ: kinh phí công đoàn tháng 1/1959 phải nộp trong vòng 10 ngày đầu tháng 2/1959.

Những cơ quan, đơn vị, xí nghiệp nào cho đến nay chưa nộp kinh phí công đoàn tháng 12/1958 thì sẽ nộp đầu tháng 2/1959 cùng với kinh phí công đoàn tháng 1/1959 nghĩa là phải nộp cả hai tháng một lúc (tháng 12/1958 và tháng 1/1959). Khi Công đoàn nhận được kinh phí thì sẽ hoàn lại cơ quan số tiền cơ quan đã tạm ứng chi cho công đoàn về các món chi do Công đoàn đảm nhận kể từ tháng 1/1959. Thí dụ: tiền lương và phụ cấp khu vực tiền mua báo theo tiêu chuẩn 4.800đ một người, tiền điện, văn phòng phí… nếu có).

3. CÁCH GHI DỰ TOÁN - THỂ THỨC NỘP

a) Đối với cơ sở, đơn vị hành chính hay sự nghiệp: sẽ căn cứ vào số tiền dự trù trong mục 1 (tức là mục “lương và phụ cấp lương” trong mục lục tài khoản dự toán 1959) mà tính kinh phí công đoàn (2%) để ghi vào dự toán 1959 – Kinh phí công đoàn ghi vào mục II (tức là mục “phụ cấp xã hội” chứ không phải mục 10 như Thông tư số 50-TDT-P2 ngày 19/1 đã tạm quy định. Đó là một khoản chi của cơ quan).

XIN GHI CHÚ:

Trong dự toán 1959 sẽ không ghi lương và phụ cấp lương của cán bộ thoát ly làm công tác công đoàn, tiền mua báo theo tiêu chuẩn 4.800đ một người, vì các khoản này đã nằm trong kinh phí công đoàn 2%.

Trong dự toán hàng quý hay hàng tháng, cơ quan và đơn vị phải ghi kinh phí công đoàn (tính theo cách chỉ dẫn ở phần 1 và 2 Thông tư này) rồi chuyển cơ quan tài chính kinh phí thường xuyên khác.

Cơ quan tài chính phải giải quyết mau chóng để đơn vị dự toán có tiền nộp ngay cho Công đoàn sử dụng kịp thời trong vòng 10 ngày đầu tháng.

b) Đối với các xí nghiệp hay đơn vị kiến thiết cơ bản, sẽ dùng vốn lưu động hoặc vốn kiến thiết cơ bản để nộp kinh phí công đoàn rồi tính vào giá thành sản xuất hay giá thành xây dựng.

Bộ Tài chính trân trọng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp nộp kịp thời kinh phí công đoàn, không nên để chậm trễ và phổ biến Thông tư này cho tất cả các đơn vị trực thuộc.

 

K. T.  BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

 

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ