Thông tư 26/2018/TT-BTNMT quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Số hiệu 26/2018/TT-BTNMT
Ngày ban hành 14/12/2018
Ngày có hiệu lực 01/02/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Võ Tuấn Nhân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2018/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 06 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thông tư này quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp cơ sở và nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp cơ sở và nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ là những vấn đề khoa học và công nghệ cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển khoa học và công nghệ và được tổ chức dưới hình thức chương trình, đề tài, dự án, đề án, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ.

2. Cơ quan chủ quản các nhiệm vụ khoa học và công nghệ là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Đơn vị quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là đơn vị quản lý nhiệm vụ) là đơn vị đầu mối được giao trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ đối với mỗi cấp quản lý tương ứng.

4. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là tổ chức khoa học và công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.

5. Chủ nhiệm nhiệm vụ là người được giao tổ chức triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Quyết định phê duyệt tổ chức chủ trì thực hiện, cá nhân chủ nhiệm và dự toán kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cấp có thẩm quyền.

6. Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp bộ là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ nhằm giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ phục vụ phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ trung hạn hoặc dài hạn, được triển khai dưới hình thức tập hợp các đề tài, đề án, dự án sản xuất thử nghiệm có mục tiêu chung, cùng một lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực theo chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

7. Đề án khoa học là nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu xác định cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

8. Dự án sản xuất thử nghiệm là nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm để thử nghiệm các giải pháp khoa học và công nghệ, các mô hình quản lý kinh tế - xã hội hoặc sản xuất thử sản phẩm mới ở quy mô nhỏ nhằm hoàn thiện chúng trước khi đưa vào sản xuất và đời sống.

9. Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng là nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm bảo đảm hoạt động nghiên cứu thường xuyên của tổ chức khoa học và công nghệ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quy định trong điều lệ tổ chức và hoạt động hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức khoa học và công nghệ.

10. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở là những vấn đề khoa học và công nghệ cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

11. Đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra yêu cầu về sản phẩm khoa học và công nghệ, cung cấp kinh phí để tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ nghiên cứu, tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ thông qua hợp đồng.

12. Tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ là việc lựa chọn tổ chức, cá nhân có năng lực và kinh nghiệm phù hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo đặt hàng của Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua việc xem xét, đánh giá các hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn.

13. Giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ là việc chỉ định tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, điều kiện và chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

14. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất là nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu nhằm giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ cấp bách do thực tiễn đặt ra.

15. Chuyên gia tư vấn độc lập là người có trình độ chuyên môn sâu, có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn cần tư vấn, đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

16. Trang thông tin điện tử của Vụ Khoa học và Công nghệ (tại địa chỉ http://vukhcn.monre.gov.vn) là địa chỉ truy cập duy nhất cung cấp thông tin, dịch vụ công về hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên môi trường mạng.

17. Phương thức họp hội đồng trực tuyến là phương thức họp hội đồng thông qua giải pháp công nghệ hỗ trợ nhiều thành viên hội đồng ở những địa điểm, vị trí địa lý khác nhau có thể cùng tham gia cuộc họp, các thành viên có thể trao đổi, thảo luận như đang ở chung một phòng họp.

[...]