Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 25/2013/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 33/2010/NĐ-CP về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển và hướng dẫn Nghị định 53/2012/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về lĩnh vực thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 25/2013/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 10/05/2013
Ngày có hiệu lực 25/06/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Vũ Văn Tám
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2013/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2013

 

THÔNG TƯ

QUI ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 33/2010/NĐ-CP NGÀY 31/3/2010 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THUỶ SẢN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VIỆT NAM TRÊN CÁC VÙNG BIỂN VÀ QUI ĐỊNH CHI TIẾT ĐIỀU 3 CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 53/2012/NĐ-CP NGÀY 20/6/2012 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH VỀ LĨNH VỰC THỦY SẢN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Thủy sản năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Căn cứ Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực Thủy sản;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư qui định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển và qui định chi tiết thi hành Điều 3 Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết thi hành:

a) Khoản 4, Điều 5; điểm c, khoản 1, Điều 6; khoản 4, Điều 8; khoản 2, và khoản 6 Điều 12 Nghị định 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.

b) Khoản 4, khoản 5, Điều 3 Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các Nghị định trong lĩnh vực thủy sản.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển.

Điều 2. Quy định chi tiết khoản 4, Điều 5 Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức cá nhân Việt Nam trên các vùng biển

1. Qui định cách thức đánh dấu tàu cá.

a) Đối với tàu cá khai thác thủy sản có công suất máy chính từ 90CV trở lên:

Tàu có cabin: Sơn 02 vạch sơn thẳng đứng ở khoảng giữa của hai bên cabin tàu, sơn hết chiều cao cabin của tàu; mỗi vạch sơn có chiều rộng từ 25- 30 cm; khoảng cách của 2 vạch sơn cách nhau 30 - 40 cm.

Tàu không có cabin: Sơn 02 vạch sơn thẳng đứng ở bên mạn tàu sau số đăng ký của tàu, cách số đăng ký là 30 cm, chiều cao vạch sơn gấp 2 lần chiều cao số đăng ký; mỗi vạch sơn có chiều rộng từ 25- 30 cm; khoảng cách của 2 vạch sơn cách nhau 30- 40 cm.

b) Đối với tàu cá khai thác thủy sản có công suất máy chính từ 20CV đến dưới 90CV:

Tàu có cabin: Sơn 01 vạch sơn thẳng đứng ở khoảng giữa của hai bên cabin tàu, sơn hết chiều cao cabin; vạch sơn có chiều rộng từ 25 – 30 cm.

Tàu không có cabin: Sơn 01 vạch sơn thẳng đứng ở hai bên mạn tàu sau số đăng ký của tàu, cách số đăng ký là 30 cm, chiều cao vạch sơn gấp 2 lần chiều cao số đăng ký; vạch sơn có chiều rộng từ 25 - 30 cm.

c) Đối với tàu khai thác thủy sản lắp máy dưới 20CV hoặc không lắp máy không phải thực hiện việc đánh dấu tàu cá.

2. Qui định màu của vạch sơn đánh dấu tàu cá: Có thể sử dụng một trong hai loại sau để thực hiện việc đánh dấu tàu cá:

a) Sơn màu vàng cam;

b) Dùng tấm dán đề can màu vàng cam phản quang.

3. Màu sơn cabin và màu sơn của tàu cá không được sơn trùng với màu sơn qui định đánh dấu tàu cá.

4. Cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đánh dấu tàu cá của địa phương mình quản lý.

[...]