Thông tư 24-TTg năm 1962 quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, nhân viên y tế làm công tác phẫu thuật do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 24-TTg
Ngày ban hành 27/02/1962
Ngày có hiệu lực 27/02/1962
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 1962 

 

THÔNG TƯ 

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, NHÂN VIÊN Y TẾ LÀM CÔNG TÁC PHẪU THUẬT

Kính gửi: 

- Các Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính, Nội thương. 
- Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh

Trước đây Chính phủ đã ban hành những chế độ bồi dưỡng sức khỏe cho cán bộ, nhân viên chuyên môn ngành y tế để phục vụ nhân dân.
Riêng công tác phẫu thuật rất phức tạp, đòi hỏi các phẫu thuật viên trong khi làm việc phải tập trung thể lực cao, và trí lực rất căng thẳng, để đảm bảo tính mệnh của bệnh nhân, vì vậy cần có chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho các phẫu thuật viên sau khi mổ.
Căn cứ tính chất công việc nói trên và đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Y tế đã được các Bộ Nội vụ, Tài chính, Nội thương thỏa thuận, Phủ Thủ tướng quy định một số điểm cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG BỒI DƯỠNG

1. Các phẫu thuật viên được phân công trực tiếp cầm dao mổ.

2. Những cán bộ, nhân viên được phân công giúp việc trong khi mổ như: phụ mổ, gây mê, chuyển dụng cụ, truyền máu, hồi sức theo dõi điện tim (nếu có).

II. TIÊU CHUẨN BỒI DƯỠNG

1. Những cán bộ, nhân viên phẫu thuật trực tiếp mổ, phụ mổ, giúp việc trong khi mổ, trong hay ngoài giờ chính quyền (6 giờ sáng đến 9 giờ tối) được hưởng bồi dưỡng một lần, dù có mổ nhiều hay ít lần. Nếu trường hợp có mổ đêm từ 21 giờ đến 5 giờ sáng cũng được bồi dưỡng một lần dù cán bộ đó đã có bồi dưỡng khi ban ngày rồi hay chưa có.

2. Đối với trường hợp mổ cấp cứu lưu động, mổ ca đều được hưởng bồi dưỡng.

III. MỨC ĐỘ BỒI DƯỠNG

1. Các ca mổ loại 1: (theo bản phân loại bệnh) người trực tiếp cầm dao mổ được bồi dưỡng bằng hiện vật tương đương 1 đồng, người phụ mổ được bồi dưỡng 0đ60, mỗi nhân viên giúp việc trong khi mổ được bồi dưỡng 0đ40.

2. Các ca mổ loại 2: (theo bản phân loại bệnh) người trực tiếp cầm dao mổ được bồi dưỡng bằng hiện vật tương đương 0đ60, người phụ mỗ bồi dưỡng 0đ40, mỗi  nhân viên giúp việc trong khi mổ được bồi dưỡng 0đ30.

3. Các ca mổ loại 3: (theo bản phân loại bệnh) người trực tiếp cầm dao mổ được bồi dưỡng bằng hiện vật tương đương 0đ50, người phụ mổ bồi dưỡng 0đ40, mỗi nhân viên giúp việc trong khi mổ được bồi dưỡng 0đ30.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

- Các Sở, Ty Y tế xét thực tế nhu cầu cần thiết cho các bệnh viện có trang bị phòng mổ, những đối tượng được hưởng bồi dưỡng quy định ở mục II và mức tiền bồi dưỡng quy định ở mục III làm dự trù (sữa, đường , gạo, thịt v.v…) gửi đến các Sở, Ty thương nghiệp cung cấp thực phẩm.

- Chế độ này không áp dụng đối với giải phẫu cơ thể bệnh khám nghiệm tử thi.

- Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành thông tư.

- Bộ Nội thương hướng dẫn phân phối việc cung cấp thực phẩm.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký cho ban hành.

 

 

T.L. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG VĂN GIÁO
PHỦ THỦ TƯỚNG  
 


 
Tố Hữu