Thông tư 24-TC-NHKT-1964 về việc đẩy mạnh thanh toán thiết bị nhập khẩu do Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 24-TC-NHKT
Ngày ban hành 24/11/1964
Ngày có hiệu lực 09/12/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24-TC-NHKT

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 1964 

 

THÔNG TƯ 

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THANH TOÁN THIẾT BỊ NHẬP KHẨU

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi:

 - Các ông thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc hội đồng chính phủ,(dưới đây gọi chung là các bộ)  - các ông chủ tịch ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh

Việc thanh toán thiết bị nhập khẩu hiện nay còn rất chậm trễ, thường chậm trên một tháng, có trường hợp chậm hàng năm.

Có tình trạng thanh toán chậm là vì mấy nguyên nhân chính sau đây:

1. Công việc thanh toán hàng nhập khẩu chưa được coi trọng. Đặc biệt đối với việc thanh toán hàng nhập bằng tiền viện trợ và vay, thường có ý kiến sai lầm cho đó chỉ là công việc đơn thuần ghi thu, ghi chi cho ngân sách lúc nào làm cũng được.

2. Các cơ quan Ngoại thương chưa khẩn trương đòi tiền hàng: dịch hóa đơn gốc nhiều khi rất chậm, lập chứng từ đòi tiền cũng chậm, trường hợp hóa đơn gốc về sau hàng thì không tạm định giá để đòi tiền hàng (như đã quy định) mà đợi có giá chính thức mới làm hóa đơn nên có khi đợi rất lâu...

3. Các Bộ đặt hàng cũng thiếu khẩn trương trả tiền hàng: việc thanh toán liên quan đến nhiều Vụ, Cục (Vụ Tài vụ, Cục Kiến thiết cơ bản, Cục Vật tư...) nhưng không phân công cho Vụ, Cục nào chuyên trách nên các Vụ, Cục thường trông chờ nhau, chứng từ thanh toán phải phân tích hàng theo từng công trình xây dựng cơ bản để xin cấp phát vốn, nhưng việc phân tích thường lúng túng kéo dài; có Bộ không chấp hành nguyên tắc: "thanh toán ngay sau khi nhận hàng theo nguyên đai nguyên kiện" (như đã quy định) mà chờ đơn vị kiến thiết mở các kiện hàng ra và kiểm nhận xong mới thanh toán...

4. Ngân hàng kiến thiết chưa thật coi trọng việc đôn đốc thanh toán để ngăn ngừa tình trạng nợ nần dây dưa và tranh thủ thu nộp nhanh và đủ cho ngân sách Nhà nước.

Việc thanh toán chậm thiết bị nhập khẩu gây ra tình trạng nợ nần dây dưa phổ biến giữa các ngành, các xí nghiệp với nhau và với các cơ quan Ngoại thương, ảnh hưởng đến tình hình luân chuyển vốn liếng của Ngoại thương, của các ngành, các xí nghiệp và đến việc thu nộp lợi nhuận và tiền khấu hao cho ngân sách Nhà nước, đến việc thanh toán tiền vay của Ngân hàng Nhà nước.

Thi hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 1239-TN ngày 26-05-1964 về việc đẩy mạnh thanh toán nợ nần dây dưa, Bộ Tài chính nhắc lại dưới đây những quy định chính về thanh toán thiết bị nhập khẩu, đồng thời bổ sung thêm một số biện pháp thi hành, nhằm thúc đẩy việc thanh toán được tốt và kịp thời:

1. Tất cả các loại thiết bị toàn bộ và thiết bị lẻ nhập khẩu bằng vốn viện trợ và vay hay bằng vốn trong nước, các vật liệu đi theo thiết bị toàn bộ, tiền thiết kế , tiền chuyên gia, tiền thực tập sinh trả bằng vốn viện trợ và vay đều phải thanh toán tập trung ở cấp trung ương, trừ đối với một số đơn vị xây dựng cơ bản đa ủy nhiệm cho thanh toán tại địa phương (Gang thép Thái Nguyên, than Hòn Gay) và đối với thiết bị nhập cho các công trình xây dựng cơ bản địa phương.

2. Việc thanh toán phải tiến hành ngay sau khi Ngoại thương nhận được hóa đơn gốc của nước ngoài, dù lúc đó hàng chưa về hoặc ngay sau khi hàng về được giao nguyên đai nguyên kiện cho ngành chủ quản (theo tinh thần của Thông tư số 07-TTg ngày 07-01-1961 của Thủ tướng Chính phủ về thể lệ hợp đồng đặt hàng thiết bị toàn bộ) không đợi đơn vị kiến thiết mở các kiện hàng ra kiểm nhận xong mới thanh toán.

Sau này khi Ban Kiến thiết kiểm nhận hàng thấy thiếu hụt hư hỏng, thì lập biên bản theo thủ tục quy định trong Thông tư số 07-TTg nói trên yêu cầu Ngoại thương giải quyết.

3. Về giá thanh toán thiết bị viện trợ và vay chưa có giá điều động nội bộ, Ngoại thương căn cứ vào vận đơn và hóa đơn gốc của nước ngoài để tính ra tiền Việt Nam theo tỷ lệ hối đoái nội bộ, như quy định trong thông tư số 7-TTg nói trên. Nếu hóa đơn gốc của nước ngoài chưa về thì Ngoại thương cùng với Bộ chủ quản và Bộ Tài chính tạm tính giá theo loại hàng tương tự đã có giá, đến khi hóa đơn gốc về sẽ điều chỉnh lại.

Đối với các chi phí về thiết kế, chuyên gia, thực tập sinh trả bằng vốn viện trợ và vay, giá thanh toán cũng xác định đối với hàng thiết bị viện trợ và vay.

Đối với vật liệu viện trợ và vay, thiết bị toàn bộ mua bằng vốn trong nước và thiết bị lẻ mua bằng vốn trong nước hay vốn viện trợ và vay, nếu đã có giá điều động nội bộ thì thanh toán theo giá điều động nội bộ, nếu chưa có giá điều động nội bộ thì Ngoại thương cùng Bộ chủ quản và Bộ Tài chính tạm tính giá thanh toán, sau này có giá điều động nội bộ sẽ điều chỉnh lại.

4. Thời gian làm thủ tục thanh toán quy định như sau:

a) Trong hạn 10 ngày kể từ khi nhận được hóa đơn hoặc chứng từ giao hàng của nước ngoài; Ngoại thương phải lập xong hóa đơn đòi tiền gửi Bộ chủ quản đồng thời làm giấy nhờ thu chuyển Ngân hàng Kiến thiết trung ương.

b) Trong hạn năm ngày kể từ khi nhận được hóa đơn của Ngoại thương, Bộ chủ quản phải lập bảng phân tích số hàng nhập theo từng đơn vị kiến thiết và gửi đến Ngân hàng Kiến thiết xin cấp phát vốn để thanh toán với Ngoại thưong, đồng thời phân phối hạn mức bằng hiện vật cho từng đơn vị kiến thiết.

c) Trong hạn hai ngày kể từ khi nhận được giấy tờ thanh toán của Bộ chủ quản, Ngân hàng Kiến thiết phải làm xong thủ tục thanh toán.

5. Các Bộ chủ quản cần giao hẳn cho một Vụ hay Cục trực thuộc chuyên trách việc thanh toán với Ngoại thương. Trường hợp Bộ chủ quản không giao hẳn cho một Vụ hay Cục nào khác, thì Vụ Tài vụ đương nhiên là người chịu trách nhiệm đại diện cho Bộ để chuyên lo việc thanh toán.

Bộ Tài chính xin đề nghị các Bộ chỉ thị cho các Vụ, Cục hữu quan có kế hoạch thi hành triệt để thông tư này để góp phần tăng cường quản lý kinh tế tài chính. Các địa phương có đặt hàng thiết bị nhập khẩu cũng cần đẩy mạnh việc thanh toán theo tinh thần các quy định trong thông tư này.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
 


 

Trịnh Văn Bính