Thông tư 23-TC/KTKT năm 1959 kiểm kê đánh giá tài sản xét định vốn các xí nghiệp quốc doanh địa phương do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 23-TC/KTKT
Ngày ban hành 13/04/1959
Ngày có hiệu lực 28/04/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23-TC/KTKT

Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KIỂM KÊ ĐÁNH GIÁ TÀI SẢN XÉT ĐỊNH VỐN CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ theo Thông tư số 057-TTg ngày 24 tháng 02 năm 1959 của Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm Bộ Tài chính hướng dẫn cho các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị tiến hành công tác kiểm kê đánh giá tài sản xét định vốn (gọi tắt là công tác kiểm kê) các xí nghiệp quốc doanh địa phương (gọi tắt là xí nghiệp địa phương ) trong năm 1959, Bộ chúng tôi xin giải thích rõ thêm những vấn đề về ý nghĩa mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung công tác kiểm kê cũng như những vấn đề về nguyên tắc, phương pháp cần áp dụng để tiến hành công tác kiểm kê cho có kết quả.

I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA CÔNG TÁC KIỂM KÊ

Các xí nghiệp quốc doanh địa phương cùng với các xí nghiệp quốc doanh trung ương giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và ngày càng phát triển mạnh theo đà kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Các xí nghiệp địa phương cần phải được quản lý theo phương pháp xã hội chủ nghĩa, nghĩa là phải tuân theo những nguyên tắc của chế độ hạch toán kinh tế. Muốn vậy điều quan trọng trước hết là phải kiểm kê đánh giá lại tài sản và xét định vốn ở các xí nghiệp địa phương.

Mục đích của công tác kiểm kê là để các xí nghiệp địa phương, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị nắm được toàn bộ tài sản của các xí nghiệp địa phương, trên cơ sở đó xí nghiệp bước đầu thực hành kế hoạch hóa toàn diện, kể cả kế hoạch hóa về mặt tài vụ, đưa xí nghiệp bước vào con đường quản lý theo chế độ hạch toán kinh tế.

Tác dụng của công tác kiểm kê thì rất lớn nhưng yêu cầu cụ thể của công tác kiểm kê là:

- Kiểm kê tài sản phải được tuyệt đối chính xác về mặt số lượng và tương đối chính xác về mặt chất lượng.

- Tất cả tài sản đều phải được đánh giá lại theo một số tiêu chuẩn thống nhất.

- Sơ bộ xét định vốn cố định và vốn lưu động giao cho các xí nghiệp độc lập kinh doanh.

- Trên cơ sở kết quả của công tác kiểm kê, xây dựng một số chế độ quản lý cụ thể để củng cố và phát huy kết quả đó.

II. PHẠM VI KIỂM KÊ

Tất cả các xí nghiệp địa phương hiện đang sản xuất kinh doanh và tất cả các xí nghiệp địa phương sẽ chuyển sang sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 1959 đều phải kiểm kê đánh giá lại tài sản xét định vốn kỳ này.

Riêng đối với các xí nghiệp địa phương đã kiểm kê đánh giá lại xét định vốn năm 1957 vào dịp kiểm kê các xí nghiệp quốc doanh do Trung ương quản lý thì kỳ này không phải tiến hành kiểm kê đánh giá lại tài sản xét định vốn như quy định trong thông tư này.

Xí nghiệp địa phương nào thuộc phạm vi phải kiểm kê kỳ này sẽ do Ủy ban Hành chính các tỉnh, thành phố, Khu tự trị quyết định và phải báo cáo lên cho Bộ Tài chính biết để theo  dõi.

III. THỜI GIAN TIẾN HÀNH CÔNG TÁC KIỂM KÊ

Tùy tình hình cụ thể của từng địa phương, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố, Khu tự trị quyết định để các xí nghiệp địa phương tiến hành kiểm kê sau khi đã chuẩn bị đầy đủ.

Thời hạn phải hoàn thành công tác kiểm kê đánh giá lại tài sản xét định vốn ở các địa phương và gửi báo cáo lên Bộ Tài chính chậm nhất là ngày 30-9-1959 như thông tư của Thủ tướng Chính phủ đã quy định, để Bộ Tài chính có thể tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn.

IV. HỆ THỐNG TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH CÔNG TÁC KIỂM KÊ

Trách nhiệm lãnh đạo tiến hành công tác kiểm kê trong xí nghiệp địa phương là trách nhiệm của Đảng ủy xí nghiệp và của Ban Quản đốc xí nghiệp.

Trách nhiệm lãnh đạo các xí nghiệp địa phương trong toàn tỉnh, thành phố, khu tự trị tiến hành công tác kiểm kê là trách nhiệm của các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị và trách nhiệm của các Ty, Sở chủ quản xí nghiệp.

Nhưng vì công tác kiểm kê là một công tác quan trọng và phức tạp, nên cần phải có tổ chức chuyên trách để giúp việc.

Ở xí nghiệp cơ sở cần thành lập “Ban kiểm kê xí nghiệp ” để giúp Đảng ủy xí nghiệp và Ban quản đốc xí nghiệp lãnh đạo tiến hành công tác kiểm kê.

Thành phần Ban kiểm kê xí nghiệp gồm 1 quản đốc làm trưởng ban, các cán bộ tài vụ kế toán, kỹ thuật, kế hoạch, cung tiêu làm ủy viên, ngoài ra có các đại biểu Đảng ủy, Công đoàn, Thanh niên làm ủy viên.

Thành phần cán bộ kỹ thuật trong Ban kiêm kê xí nghiệp là rất cần thiết, vì thế đối với những xí nghiệp nhỏ không  có cán bộ kỹ thuật thì cần cử một công nhân kỹ thuật làm ủy viên.

Tùy tình hình cụ thể xí nghiệp to hay nhỏ, Đảng ủy xí nghiệp và Ban quản đốc xí nghiệp quyết định số người cụ thể trong Ban kiểm kê xí nghiệp và báo cáo lên Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, Khu tự trị xét duyệt.

Ở các tỉnh, thành phố, khu tự trị cần thành lập “Ban kiểm kê tỉnh”(thành phố, khu tự trị) để giúp Ủy ban hành chính lãnh đạo các xí nghiệp tiến hành công tác kiểm kê.

Thành phần Ban kiểm kê tỉnh, thành phố, Khu tự trị gồm:

[...]