Thông tư 057-TTg năm 1959 về việc kiểm kê đánh giá tài sản, xét định vốn của các xí nghiệp quốc doanh địa phương do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 057-TTg
Ngày ban hành 24/02/1959
Ngày có hiệu lực 11/03/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 057-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KIỂM KÊ ĐÁNH GIÁ TÀI SẢN, XÉT ĐỊNH VỐN CỦA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH ĐỊA PHƯƠNG

Hiện nay, trên toàn miền Bắc có trên 40 xí nghiệp quốc doanh, phần lớn là xí nghiệp công nghiệp công dụng, do các Ủy ban hành chính địa phương quản lý ( gọi tắt là xí nghiệp quốc doanh địa phương). Những xí nghiệp đó đều hoạt động có tính chất kinh doanh nhưng một số lớn còn quản lý theo nền nếp cũ, chưa được quản lý theo chế độ hạch toán kinh tế; việc quản lý tài sản, quản lý vốn, quản lý kế hoạch và quản lý giá thành còn nhiều thiếu sót; lỗ lãi chưa tính toán được: sự lãnh đạo chưa được kiện toàn. Do đó chưa khai thác được hết những khả năng tiềm tàng của xí nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, đồng thời tăng thêm nguồn tích lũy cho nền tài chính của các địa phương.

Trong năm 1959, Thủ tướng phủ thấy cần thiết phải tích cực thi hành chế độ hạch toán ở các xí nghiệp quốc doanh địa phương nhằm mục đích:

- Tăng cường công tác quản lý kinh doanh của các xí nghiệp quốc doanh địa phương;

- Tăng cường trách nhiệm quản lý của cán bộ, công nhân viên của các xí nghiệp quốc doanh địa phương;

- Tăng cường sự lãnh đạo của các Ủy ban hành chính địa phương đối với các xí nghiệp quốc doanh địa phương.

Các Ủy ban hành chính địa phương cần nghiên cứu tinh thần quyết định số 130-TTg ngày 04-04-1957 của Thủ tướng phủ về việc thi hành từng bước chế độ hạch toán kinh tế ở các xí nghiệp quốc doanh để thi hành và để quy định thêm những nguyên tắc và phương pháp quản lý cụ thể thích hợp đối với các xí nghiệp quốc doanh địa phương.

Muốn thực hiện việc quản lý tốt các xí nghiệp quốc doanh theo chế độ hạch toán kinh tế, việc quan trọng đầu tiên phải làm là việc kiểm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn, vì có làm kiểm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn thì mới nắm được tình hình tài sản thực có của xí nghiệp, nắm được số vốn chính xác cần thiết cho sản xuất và kinh doanh, và do đó mới có cơ sở vật chất để hạch toán kinh tế, cải tiến việc quản lý xí nghiệp.

Vì vậy, Thủ tướng phủ quyết định tất cả các xí nghiệp quốc doanh địa phương đang sản xuất, kinh doanh hoặc sẽ chuyển sang sản xuất kinh doanh, đều phải tiến hành kiểm kê tài sản, xét định vốn theo điều kiện giá cả năm 1959. Các xí nghiệp quốc doanh địa phương đã tiến hành kiêm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn năm 1957 rồi, thì nay không phải tiến hành nữa.

Thủ tướng phủ giao trách nhiệm cho các Ủy ban hành chính địa phương tổ chức và lãnh đạo công tác kiểm kê, đánh giá tài sản, xét định vốn các xí nghiệp quốc doanh địa phương.

Thời hạn tiến hành công tác là 6 tháng: từ 01-04-1959 đến ngày 31-09-1959. Trong phạm vi thời hạn này, các Ủy ban Hành chính sẽ căn cứ vào tình hình của địa phương mình mà bố trí lịch công tác thích hợp của địa phương mình và của từng xí nghiệp để có thể đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn toàn bộ công tác kiểm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn, đồng thời đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 1959 của các xí nghiệp.

Các Ủy ban Hành chính địa phương sẽ căn cứ theo tinh thần quyết định số 141-TTg ngày 08-04-1957 của Thủ tướng phủ và các văn kiện có liên quan đã ban hành để định ra nguyên tắc và phương pháp cụ thể về kiểm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn thi hành trong địa phương mình.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra và đôn đốc các Ủy ban Hành chính địa phương tiến hành công tác kiểm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn các xí nghiệp quốc doanh địa phương, tổng hợp các tài liệu có liên quan, tổng kết toàn bộ công tác kiểm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn các xí nghiệp quốc doanh địa phương của các địa phương và lập báo cáo trình Thủ tướng phủ chậm nhất vào ngày 30-11-1959.

Các Bộ có liên quan (Bộ Công nghiệp, Bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ Kiến trúc, Bộ Nông lâm, Ngân hàng quốc gia Việt Nam…) có trách nhiệm giúp đỡ các Ủy ban Hành chính địa phương về việc lập các kế hoạch sản xuất, kế hoạch cung tiêu và kế hoạch vay vốn, kế hoạch kỹ thuật… đồng thời cung cấp cho các địa phương những tài liệu cần thiết cho việc kiểm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn các xí nghiệp quốc doanh địa phương như những tài liệu về giá cả tài sản, v.v…

Công tác kiểm kê đánh giá tài sản và xét định vốn các xí nghiệp là một công tác rất quan trọng nhưng cũng là một công tác khó khăn, phức tạp, vì vậy, các Ủy ban Hành chính địa phương phải coi công tác này là một trong những công tác hết sức trọng yếu của địa phương mình để tập trung lực lượng lãnh đạo các xí nghiệp quốc doanh địa phương hoàn thành công tác này nhanh, gọn và tốt. Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan cần hết sức giúp đỡ Ủy ban Hành chính địa phương tiến hành công tác này.

Về mặt lãnh đạo, Thủ tướng phủ nhắc các Ủy ban Hành chính địa phương chú ý đến mấy điểm sau đây:

- Coi trọng công tác tư tưởng, công tác vận động quần chúng.

- Cần tổ chức chuyên trách thích hợp (lập Ban kiểm kê ở Ủy ban và ở xí nghiệp).

- Cần kiện toàn và xây dựng một cách khẩn trương các chế độ quản lý để đảm bảo kết quả kiểm kê và đưa dần các xí nghiệp thực hành chế độ hạch toán kinh tế.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ