Thể lệ số 02-UB/TL về việc xét định vốn xí nghiệp quốc doanh do Phủ Thủ Tướng ban hành

Số hiệu 02-UB/TL
Ngày ban hành 01/06/1957
Ngày có hiệu lực 16/06/1957
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Bùi Công Trừng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-UB/TL

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 1957 

 

THỂ LỆ

VỀ XÉT ĐỊNH VỐN XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

Điều 1. – Căn cứ theo "quyết định về kiểm kê tài sản và xét định vốn của xí nghiệp Quốc doanh" của Thủ tướng Chính phủ số 141-TTg ngày 08-04-1957, nay ban hành thể lệ này nhằm xác định chính thức số đầu tư vào xí nghiệp quốc doanh của Nhà nước, tăng cường quản lý vốn của xí nghiệp và xây dựng cơ sở cho chế độ hạch toán kinh tế.

Điều 2. – Các xí nghiệp quốc doanh trong toàn quốc đều phải tính và xét định vốn của mình bằng tiền Ngân hàng Quốc gia.

Điều 3. – Vốn phải tính và xét định của xí nghiệp quốc doanh toàn quốc gồm có 2 loại: vốn cố định và vốn lưu động.

Điều 4. – Về mặt tài vụ thì các xí nghiệp quốc doanh trong toàn quốc phải dựa theo các kế hoạch sản xuất, cung cấp, tiêu thụ năm 1957, để tính toán kỹ lưỡng, hết sức tăng tốc độ luân chuyển vốn lưu động, nhằm sử dụng vốn được hiệu quả nhất và hợp lý nhất, đồng thời dựa vào các nguyên tắc dưới đây để tính định mức vốn lưu động cần thiết:

1) Định mức nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu và vật liệu phụ:

Định mức cho những nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu và vật liệu phụ chủ yếu phải căn cứ vào số lượng cần thiết trung bình mỗi ngày (định mức tiêu hao số lượng sản xuất trung bình mỗi ngày), và căn cứ theo tình hình đi mua, vận chuyển để tính số ngày dự trữ cần thiết tối thiểu nhằm bảo đảm cung cấp cho sản xuất được bình thường (tính từ ngày trả tiền hàng đến những ngày thực tế bỏ vào sản xuất, bao gồm cả số ngày thực tế cần thiết cho các quá trình vận chuyển, kiểm nhận, bảo quản và chuận bị trước khi bỏ vào sản xuất), để tính định mức toàn bộ số vốn dự trữ. Nếu là vật liệu dự trữ đặc biệt, thì được tính ký dự trữ bảo hiểm nhất định.

Những nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, và vật liệu phụ thứ yếu, nếu tính theo định mức tiêu hao gặp khó khăn, thì có thể căn cứ vào số dư trung bình thực tế của từng loại, trừ phần dự trữ quá nhiều và dựa vào điều kiện sản xuất mới để tính số dự trữ cần thiết tối thiểu.

2) Định mức phụ tùng dùng để sửa chữa (phụ tùng linh tinh):

Phải xác định theo kế hoạch sửa chữa linh tinh của tài sản cố định hoặc lấy số dư trung bình thực tế trong niên độ 1956 của xí nghiệp làm định mức cho niên độ 1957.

3) Định mức vật rẻ tiền mau hỏng:

Có thể căn cứ vào kinh nghiệm cũ của xí nghiệp hay phẩm chất của vật rẻ tiền mau hỏng để tính định mức cần thiết tối thiểu cho từng thứ, hoặc theo số công nhân, hoặc theo số máy móc, hoặc theo số phí tổn sản xuất.

4) Định mức sản phẩm đang chế tạo:

Căn cứ theo số lựong sản xuất và giá thành đơn vị trong kỳ kế hoạch (hàng năm hay hàng quý) của từng loại sản phẩm để tính tổng giá thành sản xuất, rồi chia cho số ngày trong kỳ kế hoạch (360 ngày hay 90 ngày) rồi nhân với chu kỳ sản xuất và hệ số sản phẩm đang chế tạo (tỷ lệ phần trăm so sánh giữa giá thành trung bình sản phẩm đang chế tạo với giá thành sản phẩm) thì sẽ tính được định mức vốn cần thiết trong kỳ chế tạo cho từng loại sản phẩm. Đem cộng các định mức của các loại sản phẩm đang chế tạo, thì sẽ được định mức vốn cần thiết của toàn bộ số sản phẩm đang chế tạo.

Nếu tính theo phương pháp trên gặp khó khăn, thì có thể tính theo số dư trung bình thực tế của niên độ 1956.

5) Định mức bán thành phẩm tự chế:

Căn cứ vào số tiền cần dùng bình quân mỗi ngày của bán thành phẩm tự chế, và căn cứ số ngày dự trữ bán thành phẩm tự chế để tính định mức vốn lưu động cần thiết về bán thành phẩm tự chế.

6) Định mức thành phẩm:

Căn cứ theo điều kiện tiêu thụ và kỳ luân chuyển trung bình của thành phẩm để tính ra số dự trữ cần thiết tối thiểu và ký luân chuyển trung bình. Về thành phẩm công nghiệp, là số ngày trung bình cần thiết kể từ khi thành phẩm đã làm xong cho tới khi xuất khỏi kho và thu đủ tiền hàng. Về hàng của xí nghiệp Mậu dịch, là số ngày trung bình cần thiết kể từ ngày bắt đầu trả tiền mua hàng gồm quá trình vận chuyển, kiểm nhận và bảo quản cho đến khi hàng đã xuất kho và thu đủ tiền hàng.

"Cho đến khi thu đủ tiền hàng" nghĩa là chỉ đóng khung trong những thời gian cần thiết bình thường để làm kết toán nhận tiền sau khi giao hàng, không kể những món nợ còn chịu.

7) Định mức phí tổn trả trước (phí tổn đợi phân bổ):

Là những khoản chi đặt mua sách báo, tạp chí, v.v... phải trả trước cho kỳ sau; có thể tính số vốn cần thiết trung bình theo tình hình cần đúng thực tế.

8) Tiền mặt tồn quỹ:

Căn cứ theo quy định của bản thể lệ quản lý tiền tệ, thì tiền mặt tồn quỹ là tiền mặt linh tinh và tiền bán hàng của xí nghiệp Mậu dịch mà Nhà nước quy định cho xí nghiệp được giữ.

Tổng số các khoản vốn lưu động cần thiết tính ở trên là định mức vốn lưu động cần thiết cho xí nghiệp và là căn cứ để tính tỷ lệ luân chuyển vốn lưu động.

Điều 5. – Ngoài việc hạch toán mức vốn lưu động cần thiết tối thiểu quy định trên ra, xí nghiệp quốc doanh trong toàn quốc và Ủy ban Kiểm kê các cấp phải căn cứ theo tình hình sản xuất, kế hoạch tài vụ và tình hình thực tế trên bảng tổng kết tài sản đến ngày bắt dầu kiểm kê của bản thân xí nghiệp, để tính toán và xét duyệt chặt chẽ số đầu tư của Nhà nước cần thiết tối thiểu. Đồng thời phải có bản ghi ý kiến gửi cho Ủy ban Kiểm kê toàn quốc. Nếu số nguyên liệu, vật liệu, nhiên iệu và thành phẩm của các đơn vị thực có nhiều hơn định mức thì phải ghi vào bảng chi tiết những vật liệu dự trữ quá mức và lập kế hoạch tiêu thụ hoặc kế hoạch sử dụng, từng cấp một phải xét duyệt và tổng hợp gửi cho Ủy ban Kiểm kê toàn quốc.

Điều 6. – Vốn lưu động luân chuyển bất thường cần cho sản xuất hoặc kinh doanh, có tính chất thời vụ hay vì những nguyên nhân đặc biệt khác, thì phải giải quyết bằng cách vay ngắn hạn ở Ngân hàng Quốc gia.

[...]