Quyết định 141-TTg về việc kiểm kê tài sản, xét định vốn của các xí nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 141-TTg
Ngày ban hành 08/04/1957
Ngày có hiệu lực 23/04/1957
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 141-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 1957 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC KIỂM KÊ TÀI SẢN, XÉT ĐỊNH VỐN CỦA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

Hiện nay, vốn tự có của các xí nghiệp quốc doanh bao gồm tài sản cố định và vốn lưu động, nói chung đều chưa được xét định chính thức. Do đó công tác quản lý kinh doanh cũng như công tác đặt kế hoạch của nhiều đơn vị xí nghiệp chưa có một cơ sở chắc chắn, trở ngại cho việc thực hiện từng bước chế độ hạch toán kinh tế.

Để xét định số vốn xí nghiệp mà Nhà nước đầu tư vào xí nghiệp quốc doanh nhằm xây dựng cơ sở của chế độ hạch toán kinh tế.

Nay quyết định:

1) Các xí nghiệp quốc doanh toàn quốc, gồm cả những xí nghiệp về công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, đường sắt, giao thông, bưu điện, kiến trúc, thủy lợi, thương nghiệp, ngân hàng v.v.. thuộc các ngành trung ương quản lý, đều phải kiểm kê, đăng ký, đánh giá lại tất cả những tài sản cố định và tài sản lưu động thực có, và xét định vốn xí nghiệp.

2) Thành lập Ủy ban kiểm kê tài sản, xét định vốn của xí nghiệp quốc doanh các cấp (gọi tắt là Ủy ban kiểm kê), thành phần gồm thủ trưởng các cấp làm ủy nhiệm, các cán bộ phụ trách các ngành có liên quan làm ủy viên và một số cán bộ chuyên trách.

a) Ở Thủ tướng phủ, thành lập “Uỷ ban kiểm kê toàn quốc” để phụ trách công việc kiểm kê tài sản và xét định lần cuối cùng số vốn của các xí nghiệp quốc doanh.

b) Ở các Bộ chủ quản xí nghiệp, thành lập “Ủy ban kiểm kê của Bộ” chịu trách nhiệm trực tiếp nắm công việc kiểm kê tài sản, xét định vốn của các xí nghiệp quốc doanh thuộc Bộ.

c) Ở các đơn xí nghiệp quốc doanh cơ sở, thành lập “Ủy ban kiểm kê đơn vị” để làm công việc kiểm kê tài sản, xét định vốn của đơn vị.

Ủy ban kiểm kê toàn quốc chịu trách nhiệm ấn định và xét duyệt các thể lệ và mẫu bảng về kiểm kê tài sản, xét định vốn, đồng thời lãnh đạo Ủy ban kiểm kê các cấp.

3) Khi kiểm kê đánh giá tài sản, thì tài sản cố định và tài sản lưu động của xí nghiệp quốc doanh toàn quốc đều phải kiểm kê, đăng ký lại và đánh giá lại theo giá tiền Ngân hàng.

Khi kiểm kê đánh giá tài sản, mà số lượng toàn bộ tài sản đã kiểm kê được chính xác, giá trị trên sổ sách cũ và tiêu chuẩn đánh giá lại đúng và phù hợp với nguyên tắc của “thể lệ kiểm kê và đánh giá tài sản của xí nghiệp quốc doanh” do Ủy ban kiểm kê toàn quốc công bố, thì chỉ cần xét lại, sửa cho đúng, đăng ký lại theo mẫu quy định và làm bản kê khai gửi cho Ủy ban kiểm kê từng cấp một xét duyệt và tổng hợp gửi lên Ủy ban kiểm kê toàn quốc.

Nếu khi kiểm kê đánh giá tài sản, mà số lượng vẫn không đúng, thì phải kiểm kê và sửa lại.

Nếu kiểm kê đánh giá tài sản, mà giá trị trên sổ sách cũ và tiêu chuẩn đánh giá phần lớn hoặc có phần nào không phù hợp với nguyên tắc “thể lệ kiểm kê và đánh giá tài sản của xí nghiệp quốc doanh”, thì phải đánh giá lại và chỉnh lý toàn bộ hay một phần tài sản đó cho đúng.

4) Vốn lưu động cần thiết phải có của xí nghiệp quốc doanh toàn quốc, đều phải được xét định căn cứ theo nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước đã giao cho trong năm 1957, nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước với số vật tư và số vốn tối thiểu bằng tiền.

Tài sản cố định cần phải có của xí nghiệp quốc doanh do Ủy ban kiểm kê các cấp xét và tổng hợp theo mẫu bảng báo cáo quy định (mẫu bảng này do ủy ban kiểm kê toàn quốc ấn định hoặc đã xét duyệt), rồi qua từng cấp một gửi lên Ủy ban kiểm kê toàn quốc xét duyệt.

Về vốn lưu động của xí nghiệp quốc doanh thì phải căn cứ vào các quá trình sản xuất, cung cấp, tiêu thụ trong điều kiện bảo đảm kế hoạch sản xuất, để ấn định cho chính xác mức luân chuyển bình thường, tỷ lệ luân chuyển và số vốn lưu động tự có cần thiết tối thiểu, rồi gửi cùng với bảng tổng kết tài sản cho Ủy ban kiểm kê từng cấp một xét duyệt, tổng hợp và ghi nhận xét, gửi lên Ủy ban kiểm kê toàn quốc để xét định lần cuối cùng số vốn lưu động của xí nghiệp.

5) Công tác kiểm kê, đánh giá tài sản và xét định vốn trong toàn quốc sẽ bắt đầu làm từ ngày 1-6-1957 ở các xí nghiệp cơ sở và phải kết thúc toàn bộ trước ngày 30-10-1957.

Vậy từ nay đến cuối tháng 5 năm 1957, từ các Bộ trung ương đến các xí nghiệp cơ sở đều phải làm xong công việc chuẩn bị tư tưởng, chuẩn bị tổ chức và chuẩn bị điều lệ, chế độ, mẫu bảng kiểm kê đánh giá và xét định vốn.

Công tác kiểm kê đánh giá tài sản và xét định vốn là một công việc rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp.

Các ngành, các cấp cần hết sức chú trọng lãnh đạo thực hiện công tác này cho tốt và cho đúng thời hạn, kiểm kê được triệt để, đánh giá được sát thực, xét định vốn được chính xác, - cần tập trung lực lượng lãnh đạo, phát động tư tưởng quần chúng công nhân và cán bộ kỹ thuật, tổ chức công tác của người chuyên trách, chấp hành đúng chế độ báo cáo thỉnh thị.

6) Đối với các xí nghiệp quốc doanh địa phương, có thể tùy điều kiện cụ thể từng nơi, mà cũng tiến hành việc kiểm kê đánh giá tài sản xét định vốn trong năm 1957, Ủy ban kiểm kê toàn quốc sẽ xét định cụ thể sau, và sẽ có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn, lãnh đạo công tác đó ở những nơi nào cần làm ngay và có thể làm được.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ