Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 23/1999/TT-BTC hướng dẫn công tác lập và kiểm tra báo cáo tài chính năm 1998 của doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 23/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 26/02/1999
Ngày có hiệu lực 13/03/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 2 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 23/1999/TT-BTC NGÀY 26 THÁNG 02 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC LẬP VÀ KIỂM TRA BÁO CÁO TÀI CHÍNH NĂM 1998 CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1141/TC/QĐ/CĐKT ngày 1/11/1995 về Chế độ kế toán doanh nghiệp, Thông tư số 73 TC/TCDN ngày 12/11/1996 hướng dẫn lập, công bố công khai và kiểm tra báo cáo tài chính, kiểm tra kế toán của doanh nghiệp nhà nước. Về nguyên tắc, các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện theo các văn bản nói trên.

Để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm trong việc lập và kiểm tra báo cáo tài chính áp dụng cho năm 1998 như sau:

1/ Về khấu hao tài sản cố định

1.1. Các doanh nghiệp đã đăng ký thời gian sử dụng tài sản cố định với Cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp hoặc đã được Bộ Tài chính cho phép trích khấu hao ngoài khung thời gian quy định tại Quyết định số 1062/TC/QĐ/CSTC ngày 14/11/1996 của Bộ Tài chính thì thực hiện theo mức đã đăng ký hoặc mức đã được duyệt.

1.2. Các tài sản cố định mới đầu tư hoặc mua sắm trong năm nếu chưa đăng ký thời gian sử dụng với Cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp thì năm 1998 doanh nghiệp trích khấu hao trong khung thời gian sử dụng quy định tại Quyết định nói trên.

1.3. Trường hợp doanh nghiệp tăng hoặc giảm mức trích khấu hao tài sản cố định không theo theo thời gian đã đăng ký hoặc đã được duyệt để tạo nguồn trả nợ vốn vay đầu tư (hoặc để giảm lỗ ) thì xử lý như sau:

- Doanh nghiệp có thể khấu hao cao hơn mức đã đăng ký hoặc đã được duyệt để trả nợ các khoản vay đầu tư nhưng không được vượt quá thời hạn sử dụng tối thiểu trong phạm vi khung khấu hao và không vượt quá số thiếu nguồn trả nợ vay đầu tư theo khế ước.

- Được điều chỉnh giảm mức trích khấu hao nhưng không thấp hơn thời hạn sử dụng tối đa trong phạm vi khung khấu hao đã quy định và không vượt quá số lỗ phát sinh. Nghĩa là doanh nghiệp không được giảm khấu hao để tạo ra khoản lãi giả và không đủ điều kiện để thu hồi vốn đầu tư.

Doanh nghiệp thông báo việc điều chỉnh tăng, giảm mức khấu hao cho Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và Cục thuế biết để giám sát.

Mọi trường hợp tăng, giảm khấu hao ngoài khung qui định trong Quyết định số 1062/TC/QĐ/CSTC phải có ý kiến đồng ý của Bộ Tài chính.

2/ Về tiền lương

Việc quyết toán quỹ tiền lương được hạch toán vào chi phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ; Thông tư số 13/LĐTBXH-TT ngày 10/4/1997 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp xây dựng đơn giá tiền lương và quản lý tiền lương, thu nhập trong doanh nghiệp nhà nước; Thông tư liên tịch số 18/1998/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/1998 của liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn khi doanh nghiệp không đảm bảo chỉ tiêu nộp ngân sách và lợi nhuận; Quyết định số 1069/1998/QĐ-LĐTBXH ngày 14/10/1998 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố mức tiền lương bình quân chung năm 1998 của doanh nghiệp nhà nước được giao đơn giá tiền lương.

3/ Tỷ giá hạch toán và xử lý chênh lệch tỷ giá

Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ được quy đổi ra "Đồng" Việt Nam theo quy định chế độ hiện hành.

Việc xử lý khoản chênh lệch tỷ giá về nguyên tắc phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 44 TC/TCDN ngày 8/7/1997 của Bộ Tài chính. Trường hợp hạch toán toàn bộ khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư cuối năm của các khoản nợ dài hạn phải trả bằng ngoại tệ vào chi phí của năm 1998 mà bị lỗ thì doanh nghiệp được chuyển một phần chênh lệch tỷ giá tương đương với số lỗ phát sinh năm 1998 sang năm kế tiếp. Việc xử lý khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện sau khi đã xử lý giảm khấu hao theo điểm 1.3 nói trên. Những trường hợp đặc thù thì xử lý theo văn bản chấp thuận của Bộ Tài chính.

4/ Về lợi tức chịu thuế bổ sung

Thực hiện theo thông tư số 48/1998/TT-BTC ngày 11/4/1998 của Bộ Tài chính.

5/ Việc lập và gửi báo cáo tài chính

Các doanh nghiệp nhà nước độc lập, doanh nghiệp thành viên Tổng công ty hạch toán độc lập và phần hạch toán tập trung của các Tổng công ty nhà nước lập và gửi báo cáo tài chính cho các cơ quan nhà nước theo quy định tại Quyết định số 1141TC/QĐ/CĐKT ngày 1/1/1995 của Bộ Tài chính.

Các Tổng công ty nhà nước tổng hợp và gửi báo cáo tài chính toàn Tổng công ty cho các cơ quan sau đây:

- Tổng cục quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp;

- Tổng cục thuế;

- Cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp.

Đối với các Tổng công ty do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định thành lập theo uỷ quyền của Chính phủ và Tổng công ty hạch toán tập trung còn phải gửi báo cáo tài chính năm cho Cục quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nơi Tổng công ty đóng trụ sở chính để tổng hợp báo cáo tài chính theo địa bàn tỉnh, thành phố.

Báo cáo tổng hợp của Tổng công ty nhà nước thực hiện theo mẫu quy định tại Quyết định số 1141/TC/QĐ/CĐKT nhưng phải phân tích riêng số doanh nghiệp bị lỗ và tổng số lỗ, số doanh nghiệp có lãi và tổng số lãi (không bù trừ giữa đơn vị lãi và đơn vị lỗ).

Các doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc khi gửi báo cáo tài chính cho cấp trên thì đồng thời gửi cho Cục quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Cục thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.

[...]