Thông tư 22-TC/CĐKT năm 1994 hướng dẫn thực hiện Quy chế kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân kèm theo Nghị định 7-CP 1994 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 22-TC/CĐKT
Ngày ban hành 19/03/1994
Ngày có hiệu lực 19/03/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-TC/CĐKT

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 22-TC/CĐKT NGÀY 19-3-1994 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 7-CP NGÀY 29-1-1994 CỦA CHÍNH PHỦ 

Thi hành Nghị định số 7-CP ngày 29-1- 1994 của Chính phủ ban hành Quy chế kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Kiểm toán độc lập là loại hình hoạt động dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính kế toán do các kiểm toán viên chuyên nghiệp của các tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện theo yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan.

Chức năng của các kiểm toán độc lập là kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, trung thực và hợp lý của các số liệu, tài liệu kế toán và báo cáo quyết toán của các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan (dưới đây gọi tắt là đơn vị) và trên cơ sở kết quả kiểm toán đưa ra những kết luận đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chính sách, chế độ tài chính, kế toán và hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Các số liệu, tài liệu kế toán và báo cáo quyết toán của các đơn vị đã được kiểm tra, xác nhận của kiểm toán độc lập, là căn cứ tin cậy đáp ứng yêu cầu của đơn vị, của các cơ quan Nhà nước và của tất cả các tổ chức, cá nhân có quan hệ và quan tâm tới hoạt động của đơn vị.

2. Đối tượng của kiểm toán độc lập chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Ngoài các doanh nghiệp, đối tượng kiểm toán độc lập còn có thể là các đơn vị hành chính sự nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế, khi các tổ chức này có nhu cầu hoặc khi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan thuế hoặc cơ quan Nhà nước yêu cầu.

Đối với các đối tượng kiểm toán là các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoạt động theo Luật công ty, công việc kiểm toán được thực hiện hàng năm và báo cáo quyết toán năm gửi cho các cơ quan quản lý nhà nước phải kèm theo báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp ở Việt Nam hoặc một tổ chức kiểm toán độc lập khác được Bộ Tài chính chấp thuận.

Đối với các đối tượng kiểm toán khác, trong giai đoạn trước mắt, công việc kiểm toán được tiến hành khi đơn vị kế toán có nhu cầu (nhu cầu của doanh nghiệp, của Hội đồng quản trị, của Đại hội xã viên...) hoặc khi cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước yêu cầu (cơ quan chủ quản cấp trên, cơ quan tài chính, cơ quan thuế) và chỉ tiến hành trong phạm vi các nội dung được yêu cầu (quyết toán năm, quyết toán công trình xây dựng cơ bản hoàn thành, xác định giá trị vốn góp liên doanh, giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, xác định kết quả kinh doanh, thanh lý, nhượng bán tài sản...).

3. Công việc kiểm toán độc lập do các kiểm toán viên chuyên nghiệp (gọi tắt là kiểm toán viên) thực hiện.

Kiểm toán viên là người được Nhà nước công nhận được phép hành nghề trong lĩnh vực kiểm toán độc lập. Kiểm toán viên phải đăng ký hành nghề tại một tổ chức kiểm toán được thành lập hợp pháp.

4. Tổ chức kiểm toán độc lập là một doanh nghiệp (Công ty kiểm toán hoặc Văn phòng kiểm toán) phải do các cơ quan, tổ chức, người sáng lập đứng ra thành lập và theo các quy định hiện hành về thành lập doanh nghiệp (Luật doanh nghiệp Nhà nước, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) và theo các quy định về thành lập tổ chức kiểm toán tại Quy chế kiểm toán độc lập.

5. Các tổ chức kiểm toán nước ngoài hoạt động kiểm toán và tư vấn tài chính, kế toán trên lãnh thổ Việt Nam dưới hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh với các tổ chức kiểm toán Việt Nam hoặc Công ty kiểm toán 100% vốn nước ngoài phải được Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư của Việt Nam cấp giấy phép sau khi có sự thoả thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.

Hoạt động của kiểm toán viên và tổ chức kiểm toán nước ngoài phải tuân thủ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Các quy định trong Quy chế kiểm toán độc lập, các chế độ, chính sách hiện hành của Việt Nam và các thông lệ kiểm toán quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.

6. Các đơn vị, tổ chức có yêu cầu kiểm toán được tự do lựa chọn các tổ chức kiểm toán Việt Nam hoặc nước ngoài hoạt động hợp pháp ở Việt Nam để ký kết hợp đồng kiểm toán. Trường hợp đơn vị mời tổ chức kiểm toán nước ngoài chưa được phép hoạt động ở Việt nam thì đơn vị phải báo cáo và được Bộ Tài chính chấp thuận, đồng thời đơn vị phải chịu trách nhiệm nộp thay số thuế mà tổ chức kiểm toán nước ngoài phải nộp cho Nhà nước Việt Nam theo luật định về hoạt động này tại Việt Nam.

7. Công Việc kiểm toán phải thực hiện theo các phương pháp và chuẩn mực kiểm toán hiện hành của Việt Nam và theo các chuẩn mực kiểm toán quốc tế được nhà nước Việt Nam thừa nhận. Khi kết thúc công việc kiểm toán, kiểm toán viên phải lập báo cáo kiểm toán, ghi ý kiến nhận xét của mình vào báo cáo kiểm toán và chịu hoàn toàn trách nhiệm về các ý kiến nhận xét đó. Báo cáo kiểm toán phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

- Tính trung thực, hợp lý của các số liệu trên báo cáo kế toán của đơn vị.

- Tình hình thực hiện công tác kế toán ở đơn vị và việc chấp hành chế độ, thể lệ kế toán.

- Những kiến nghị.

Báo cáo kiểm toán phải trung thực, khách quan. Báo cáo kiểm toán phải có chữ ký kiểm toán viên và phải được lãnh đạo của các tổ chức kiểm toán xác nhận, ký tên, đóng dấu.

II. KIỂM TOÁN VIÊN.

1. Công dân Việt Nam được công nhận là kiểm toán viên hành nghề kiểm toán phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Có lý lịch rõ ràng được cơ quan nơi công tác hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận, có phẩm chất trung thực, liêm khiết, nắm vững luật pháp và chính sách, chế độ kinh tế, tài chính, kế toán, thống kê của Nhà nước, không có tiền án, tiền sự.

- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trung học chuyên ngành tài chính kế toán , đã làm công tác tài chính kế toán từ 5 năm trở lên (nếu tốt nghiệp đại học) hoặc 10 năm trở lên nếu tốt nghiệp trung học).

- Đã qua kỳ thi tuyển kiểm toán viên do Hội đồng thi cấp Nhà nước tổ chức và được Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp chứng chỉ.

- Được chấp nhận vào làm việc tại một tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp ở Việt Nam và đã được đăng ký danh sách kiểm toán viên tại Bộ Tài chính.

Công chức Nhà nước đương chức không được đăng ký hành nghề kiểm toán trong tổ chức kiểm toán độc lập.

[...]