Thông tư 22/2017/TT-BTC quy định mua lại trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 22/2017/TT-BTC
Ngày ban hành 15/03/2017
Ngày có hiệu lực 01/05/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Chứng khoán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2017/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MUA LẠI TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2011 về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương;

Căn cứ Quyết định số 56/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21 tháng 12 năm 2012 ban hành Quy chế quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mua lại trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước.

1. Thông tư này quy định việc mua lại trái phiếu Chính phủ (sau đây gọi tắt là trái phiếu) trước ngày đáo hạn tại thị trường trong nước.

2. Đối tượng áp dụng của Thông tư này là Kho bạc Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc mua lại trái phiếu.

Ngoài các thuật ngữ đã được giải thích tại Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2011 về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương (sau đây gọi tắt là Nghị định số 01/2011/NĐ-CP) trong Thông tư này, các thuật ngữ được hiểu như sau:

1. “Mua lại trái phiếu” là việc Kho bạc Nhà nước mua lại trái phiếu trước ngày trái phiếu đáo hạn.

2. “Bán lại trái phiếu” là việc chủ sở hữu trái phiếu bán lại trái phiếu cho Kho bạc Nhà nước trước ngày trái phiếu đáo hạn.

3. “Ngày cuối cùng đăng ký bán lại trái phiếu” là ngày cuối cùng chủ sở hữu trái phiếu hoặc tổ chức được chủ sở hữu trái phiếu ủy quyền thực hiện đăng ký tham gia bán lại trái phiếu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước đối với từng đợt mua lại trái phiếu. Kho bạc Nhà nước quyết định ngày cuối cùng đăng ký bán lại trái phiếu cho từng đợt mua lại trái phiếu nhưng phải đảm bảo tối thiểu ba (03) ngày làm việc trước ngày tổ chức mua lại trái phiếu.

4. “Ngày phong tỏa trái phiếu” là ngày Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam thực hiện phong tỏa trái phiếu trên tài khoản lưu ký của chủ sở hữu trái phiếu. Kho bạc Nhà nước quyết định ngày phong tỏa trái phiếu cho từng đợt mua lại nhưng phải đảm bảo tối thiểu hai (02) ngày làm việc trước ngày tổ chức mua lại trái phiếu.

5. “Ngày tổ chức mua lại trái phiếu” là:

a) Ngày Kho bạc Nhà nước đàm phán và ký hợp đồng mua lại trái phiếu đối với trái phiếu mua lại theo phương thức đàm phán.

b) Ngày Kho bạc Nhà nước tổ chức đấu thầu mua lại trái phiếu đối với trái phiếu mua lại theo phương thức đấu thầu.

6. “Ngày mua lại trái phiếu” là ngày Kho bạc Nhà nước thanh toán tiền mua lại trái phiếu cho chủ sở hữu trái phiếu.

7. “Trái phiếu được mua lại” là trái phiếu được Kho bạc Nhà nước phát hành và chưa đến ngày đáo hạn.

8. “Chủ sở hữu trái phiếu” là tổ chức, cá nhân nắm giữ trái phiếu theo quy định của pháp luật về phát hành và giao dịch trái phiếu Chính phủ.

9. “Đợt mua lại trái phiếu” là khoảng thời gian từ ngày cuối cùng đăng ký bán lại trái phiếu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước đến ngày Kho bạc Nhà nước mua lại trái phiếu.

10. “Lãi suất danh nghĩa của trái phiếu” là tỷ lệ phần trăm (%) lãi hàng năm tính trên mệnh giá trái phiếu mà Kho bạc Nhà nước phải thanh toán cho chủ sở hữu trái phiếu vào các kỳ trả lãi theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu khi trái phiếu đó được phát hành.

11. “Lãi suất mua lại trái phiếu” là lãi suất trúng thầu hoặc lãi suất thỏa thuận do Kho bạc Nhà nước quyết định trên cơ sở kết quả đấu thầu hoặc kết quả đàm phán mua lại trái phiếu theo quy định tại Thông tư này.

12. “Đấu thầu đơn giá” là phương thức xác định kết quả đấu thầu mà theo đó, mức lãi suất mua lại trái phiếu là mức lãi suất trúng thầu thấp nhất và được áp dụng chung cho các thành viên trúng thầu.

13. “Đấu thầu đa giá” là phương thức xác định kết quả đấu thầu mà theo đó, mức lãi suất trúng thầu mua lại trái phiếu đối với mỗi thành viên đúng bằng mức lãi suất dự thầu của thành viên đó.

14. “Kỳ trả lãi kế tiếp theo giả định” là kỳ trả lãi kế tiếp theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu trong trường hợp trái phiếu không được mua lại.

[...]