Thông tư 22/2009/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 22/2009/TT-BTC
Ngày ban hành 04/02/2009
Ngày có hiệu lực 21/03/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Sở hữu trí tuệ

BỘ TÀI CHÍNH
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 22/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 2 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/06/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/06/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài nộp đơn yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ thực hiện công việc, dịch vụ yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp phải nộp phí, lệ phí theo quy định Thông tư này.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp (Phụ lục).

3. Cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp có nhiệm vụ tổ chức thu, nộp và quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp thu được theo quy định tại Thông tư này (dưới đây gọi tắt là cơ quan thu phí, lệ phí).

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Thủ tục thu, nộp phí, lệ phí sở hữu công nghiệp:

a) Đối tượng nộp phí, lệ phí phải nộp một lần toàn bộ số tiền phí, lệ phí theo mức thu quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư này ngay khi nộp đơn, hồ sơ yêu cầu cơ quan thu phí, lệ phí thực hiện công việc, dịch vụ tương ứng.

b) Khi nộp phí, lệ phí, đối tượng nộp phí, lệ phí có quyền yêu cầu cơ quan thu phí, lệ phí lập và cấp biên lai thu phí, lệ phí đối với tiền phí, lệ phí cho đối tượng nộp phí, lệ phí, trong đó ghi đúng số tiền thực tế đã nộp.

c) Phí, lệ phí quy định tại Thông tư này được thu bằng đồng Việt Nam.

d) Cơ quan thu phí, lệ phí được mở tài khoản “tạm giữ tiền phí, lệ phí" tại Kho bạc nhà nước nơi thu, nộp để theo dõi, quản lý tiền phí, lệ phí thu được. Hàng ngày, lập bảng kê, tạm gửi số tiền phí, lệ phí thu được vào tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí và phải tổ chức hạch toán riêng khoản thu này theo chế độ kế toán áp dụng đối với đơn vị hành chính sự nghiệp có thu.

2. Quản lý và sử dụng phí, lệ phí: Phí, lệ phí sở hữu công nghiệp theo quy định tại Thông tư này là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý và sử dụng như sau:

2.1. Cơ quan thu phí, lệ phí được trích 35% (ba mươi lăm phần trăm) số tiền phí, lệ phí thu được trước khi nộp ngân sách Nhà nước, để trang trải các chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí theo những nội dung, công việc sau đây:

a) Chi trả các khoản tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và công đoàn phí) cho người lao động trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí, trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định.

b) Chi  mua sắm, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng tài sản, máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ cho thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí; khấu hao tài sản cố định để thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí; chi mua công nghệ, kể cả quyền sử dụng công nghệ được bảo hộ sở hữu trí tuệ; chi phí cho việc thiết lập, quản lý và tổ chức khai thác mạng lưới các cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu trí tuệ;

c) Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu như văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, xăng xe, công tác phí và các khoản chi khác như in ấn, mua các biểu mẫu, chứng chỉ, văn bằng bảo hộ và các ấn phẩm khác;

d) Chi phí thuê dịch vụ bên ngoài phục vụ các công việc quản lý và phát triển hoạt động, như: thuê cơ sở vật chất, văn phòng làm việc, thuê khoán chuyên môn, thuê dịch vụ tra cứu, thuê dịch thuật, cung cấp thông tin, thuê thẩm định nội dung các đối tượng sở hữu công nghiệp của các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia hoặc quốc tế;

đ) Chi phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hội nghị, hội thảo trong nước và ngoài nước về chuyên môn, nghiệp vụ sở hữu trí tuệ; chi phí tổ chức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn pháp Luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về sở hữu trí tuệ; chi phí xây dựng và thực hiện đề tài, đề án thuộc nhiệm vụ nghiên cứu thường xuyên nhằm phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sở hữu trí tuệ;

e) Chi phí thực hiện dịch vụ phục vụ việc giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện về sở hữu công nghiệp và tranh chấp, khiếu kiện thương mại liên quan đến sở hữu công nghiệp;

g) Trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, lệ phí trong cơ quan theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và tối đa bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước sau khi đảm bảo các chi phí theo quy định tại tiết a, b, c, d, đ, e điểm này.

Hàng năm, cơ quan thu phí, lệ phí phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí, lệ phí được trích để lại trong năm nếu chưa chi hết thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi tiêu theo chế độ quy định.

2.2. Định kỳ hàng tháng, cơ quan thu phí, lệ phí có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí, lệ phí còn lại (65%) vào ngân sách Nhà nước theo chương, loại, khoản, Mục tương ứng của Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký, áp dụng đối với các đơn yêu cầu bảo hộ về sở hữu trí tuệ kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Thông tư này thay thế Thông tư số 132/2004/TT-BTC ngày 30/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí sở hữu công nghiệp và Thông tư số 115/2006/TT-BTC ngày 29/12/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 132/2004/TT-BTC.

2. Đối với các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà các công việc hoặc dịch vụ chưa hoàn thành và chưa nộp phí, lệ phí, nay có yêu cầu và được thực hiện, thì phải nộp phí, lệ phí theo mức quy định tại Thông tư này.

[...]