Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Thông tư 19-NT-1975 hướng dẫn việc xử lý những thiệt hại về tài sản của Nhà nước trong ngành Nội thương do Bộ Nội thương ban hành

Số hiệu 19-NT
Ngày ban hành 25/08/1975
Ngày có hiệu lực 09/09/1975
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội thương
Người ký Hoàng Quốc Thịnh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ NỘI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-NT

Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 1975 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC XỬ LÝ NHỮNG THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC TRONG NGÀNH NỘI THƯƠNG.

I:TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ TÀI SẢN TRONG NGÀNH

Tài sản của Nhà nước là cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, là nguồn giàu có, ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta, là nguồn sức mạnh về kinh tế và quốc phòng của cả nước.

Quản lý và bảo vệ tốt tài sản của Nhà nước là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, một nguyên tắc cơ bản của quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, một vấn đề thuộc về đạo đức cách mạng của mọi người công dân.

Ngành nội thương có nhiệm vụ quản lý một khối lượng tài sản lớn gồm tiền vốn, vật tư hàng hóa các loại, trên một phạm vi rất rộng. Hoạt động của ngành lại phức tạp, bao gồm nhiều nghiệp vụ khác nhau. Vì vậy, cán bộ, công nhân, viên chức trong ngành phải có tinh thần tự giác xã hội chủ nghĩa cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao trình độ tổ chức, trình độ nghiệp vụ kỹ thuật; năng lực quản lý và ý thức bảo vệ, giữ gìn tài sản đó với tất cả nhiệt tình cách mạng, với ý thức trách nhiệm cao, bảo đảm sử dụng hợp lý và hiệu quả mọi tài sản, tiền vốn được giao nhằm phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.

Cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đồng thời quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận, từng người, kịp thời biểu dương những người tốt, việc tốt, khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc bảo vệ của công, xử lý thích đáng những trường hợp gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước không bỏ qua bất kỳ vụ nào.

Nguyên tắc xử lý của Nhà nước ta là: căn cứ vào tính chất của vụ vi phạm và tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có hình thức giải quyết công minh, có lý, có tình, xét xử công khai theo đúng đường lối của Đảng và luật pháp của Nhà nước.

Để việc xử lý được công minh và có tác dụng động viên, giáo dục mọi người, cần xác định mức độ lỗi cho chính xác, vì lỗi là cơ sở để quy trách nhiệm và thi hành kỷ luật đối với người phạm lỗi.

II: VIỆC XÁC ĐỊNH LỖI

Khi xác định mức độ lỗi cần làm thận trọng: phải xem xét toàn diện, phân biệt những nguyên nhân khách quan và chủ quan, điều tra kỹ lưỡng, chu đáo theo đường lối quần chúng, có sự tham gia của công đoàn cơ sở, có đối chiếu với chức năng, nhiệm vụ theo như nội quy công tác đã đề ra. Khó khăn khách quan cần được chiếu cố đúng mức nhưng không được đổ hết tội lỗi cho khách quan của người có trách nhiệm về tài sản của Nhà nước.

Nếu thiệt hại do điều kiện khách quan không thể lường trước được hoặc vượt quá sức khắc phục của con người như bão to, lụt lớn, địch bắn phá, v.v... mà người phụ trách công việc đã làm hết sức mình để đề phòng hoặc hạn chế thiệt hại thì được miễn trách nhiệm; nếu không làm hết trách nhiệm và khả năng mà để xảy ra thiệt hại thì vẫn có lỗi.

Nói chung, nếu để xảy ra thiệt hại về tài sản của Nhà nước thì người có trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý, bảo vệ, sử dụng tài sản ấy đương nhiên là người có lỗi. Chỉ trong trường hợp chứng minh được rằng thiệt hại gây ra không phải do lỗi của mình, hoặc mình đã làm hết sức để phòng ngừa và hạn chế thiệt hại của người đó mới được công nhận là không có lỗi.

Một người gây thiệt hại thì riêng người ấy có lỗi. Nếu nhiều người cùng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người có trách nhiệm và chức vụ cao nhất trong số người phạm lỗi này phải chịu lỗi nặng hơn và bị xử lý nghiêm khắc hơn.

Trong việc xác định lỗi, có thể có trường hợp phức tạp: người trực tiếp gây ra thiệt hại không phải là người có lỗi, mà sở dĩ thiệt hại xảy ra là vì phải thi hành lệnh của cấp trên hoặc vì hậu quả của hành động phạm lỗi của người khác. Như vậy, phải xét cả người trực tiếp gây thiệt hại và những người có liên quan rồi tùy theo mức độ lỗi và mối liên quan của từng người mà quy trách nhiệm.

Cán bộ làm sai nguyên tắc, chế độ, gây thiệt hại, không thể viện lý do là đã thi hành lệnh của cấp trên được vì nếu là cán bộ có trình độ chính trị và nghiệp vụ phải có trách nhiệm đối chiếu việc làm cụ thể với nguyên tắc, chính sách, chế độ, không được mặc nhiên làm trái nguyên tắc, chính sách. Nếu vi phạm thì cả người trực tiếp vi phạm và cấp trên ra lệnh đều có lỗi. Về nguyên tắc, khi quyết định những vấn đề về quản lý, sử dụng tài sản, cấp trên không được ra lệnh miệng; trường hợp để quyết định một vấn đề cấp bách phải ra lệnh miệng thì sau đó phải làm ngay lệnh viết chính thức cho việc đó.

Trong việc xác định lỗi, cần chú ý phân biệt những vụ vi phạm thông thường do có khuyết điểm nhỏ hoặc do nhược điểm về trình độ quản lý được xử lý nội bộ với những vụ vi phạm thuộc về hình sự. Tội phạm hình sự được xác định trong những trường hợp sau: cố ý làm trái chính sách, chế độ hoặc tuy chỉ là thiếu tinh thần trách nhiệm nhưng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Tính chất nghiêm trọng thể hiện ở hai mặt: thiệt hại vật chất lớn và ảnh hưởng chính trị xấu. Ảnh hưởng chính trị xấu đối với người ta thường là ở chỗ: người vi phạm đã lợi dụng sự không cân đối về cung cầu vật tư, hàng hóa mà móc ngoặc rồi cấp phát trái chính sách, chế độ để kiếm lời riêng làm ảnh hưởng đến kế hoạch phân phối, chính sách phân phối, làm tăng thêm sự mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, tạo ra sơ hở cho phần tử xấu có thể lợi dụng rút hàng hóa, vật tư của Nhà nước đem buôn đi bán lại, làm hỗn loạn giá cả, phá rối thị trường, làm cho đời sống quần chúng có thêm khó khăn, dư luận xã hội không đồng tình.

Để đánh giá đúng đắn sự thiệt hại, từ đó xác định lỗi phải có cách nhìn toàn diện, nghĩa là ngoài việc chú ý đúng mức đến mức thiệt hại vật chất được quy ra tiền, còn cần chú ý cả đến tính chất và công dụng của loại tài sản bị thiệt hại, đến tác động của sự tồn tại trong từng nơi, từng lúc nhất định. Tóm lại, để định hình thức xử lý thích hợp, cần đứng trên giác độ chính trị mà nhận xét toàn diện, kết hợp bốn mặt chủ yếu dưới đây:

1. Tính chất của hành vi phạm lỗi hoặc phạm tội: nghiêm trọng ít hay nhiều

2. Tính chất và giá trị tài sản bị thiệt hại quan trọng ít hay nhiều.

3. Tinh thần, thái độ công tác hàng ngày, đạo đức cách mạng và ý thức bảo vệ của công thường ngày của người vi phạm.

4. Nhiệm vụ chính trị của đơn vị cơ sở, của địa phương, của ngành bị ảnh hưởng như thế nào.

Khi phát hiện ra thiệt hại về tài sản ở đơn vị mình thì thủ trưởng đơn vị phải điều tra kỹ, lập hồ sơ, xác định lỗi, đối chiếu sự việc với luật pháp đã ban hành để áp dụng cho thích hợp. Phải xem cụ thể:

- Trường hợp nào thì xử lý theo nghị định số 49-CP;

- Trường hợp nào thì chuyển hồ sơ qua Viện kiểm sát nhân dân để xử lý theo pháp luật;

- Trường hợp nào không nằm trong phạm vi xử lý theo nghị định số 49-CP, sắc lệnh số 149-LCT công bố Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, mà phải áp dụng một văn bản pháp quy khác v.v...

Đối với những vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa được coi là những vụ phạm pháp về hình sự. Bộ nhắc các cấp, các đơn vị trong ngành không được tự ý giữ lại để xử lý nội bộ mà phải chuyển hồ sơ qua Viện kiểm sát nhân dân để quyết định việc đưa ra tòa án xét xử hoặc trả về đơn vị xử lý nếu xét thấy chưa đến mức phải truy tố trước pháp luật. Đây là một kỷ luật bắt buộc đã được quy định trong thông tư số 139-TTg ngày 28-5-1974 của Thủ tướng Chính phủ.

[...]