Thông tư liên bộ 128-TT/LB năm 1968 hướng dẫn thi hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước do Bộ Tài chính - Tổng công đòan - Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 128-TT/LB
Ngày ban hành 24/07/1968
Ngày có hiệu lực 08/08/1968
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Tài chính,Tổng Công đoàn Việt Nam
Người ký Bùi Quỳ,Nguyễn Văn Bút,Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH – BỘ LAO ĐỘNG VÀ TỔNG CÔNG ĐOÀN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
******

Số : 128-TT/LB

Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 1968

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐỐI VỚI TÀI SẢN CỦA NHÀ NƯỚC

Kính gửi:

Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.

 

Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49-CP ngày 09-4-1968 về chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước. Căn cứ vào điều 21 của chế độ nói trên, Liên bộ Tài chính – Lao động và Tổng công đoàn giải thích rõ thêm một số điểm dưới đây:

I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH, PHƯƠNG CHÂM CỦA VIỆC BAN HÀNH CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT.

Sau các đợt vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, nhất là sau cuộc vận động 3 xây 3 chống, việc quản lý tài sản của Nhà nước có những tiến bộ nhất định; ý thức bảo vệ của công trong công nhân, viên chức, bước đầu đã được nâng lên, các vụ làm hư hỏng, mất mát, tài sản của Nhà nước có giảm bớt một phần. Song từ khi cả nước có chiến tranh, tình hình tài sản của Nhà nước bị tổn thất lại tăng lên, do nguyên nhân khách quan cũng có, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, việc giáo dục công nhân viên chức về ý thức trách nhiệm, ý thức làm chủ trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước chưa đầy đủ, công tác quản lý tài sản không chặt chẽ, việc chấp hành chế độ thưởng phạt không nghiêm minh, kịp thời…

Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ số 59-CP ngày 10-5-1967 về bảo vệ tài sản, thực hành tiết kiệm đã ghi : “Chúng ta phải ra sức bảo vệ thành quả của sản xuất, bảo vệ tài sản và thực hành tiết kiệm, sử dụng hợp lý nhất sức người, sức của của Nhà nước và của nhân dân để đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn”. Nghị định số 195-CP ngày 31-12-1964 ban hành điều lệ về kỷ luật lao động đã quy định rõ 5 điều kỷ luật lao động, trong đó có việc bảo vệ của công và đề ra nguyên tắc : “những người vì thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật lao động mà gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường sự thiệt hại ấy cho công quỹ”.

Một số ngành cũng đã ra những văn bản có tính chất điều lệ chi tiết, cụ thể, về chế độ bồi thường để áp dụng riêng trong ngành. Nhưng do thiếu một văn bản pháp quy đề ra những nguyên tắc chung của Nhà nước, làm cơ sở cho các ngành xây dựng những điều lệ cụ thể của từng ngành nên những điều lệ mà các ngành đã ban hành không được thống nhất về nội dung; từ cơ sở trách nhiệm đến điều kiện được miễn giảm, mức độ bồi thường, thủ tục xử lý… mỗi ngành quy định một khác, nơi quá rộng rãi, nơi quá chặt chẽ. Nói chung các ngành chỉ mới quy định việc bồi thường vì thiếu hụt công quỹ, mất mát tài sản, chưa đề cập một cách đầy đủ đến toàn bộ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước, cụ thể chưa quy định chế độ bồi thường trong trường hợp làm hư hỏng tài sản của Nhà nước.

Đi đối với việc thi hành chế độ bồi thường, nhiều ngành chưa chú ý đến việc tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đề cao ý thức làm chủ và ý thức trách nhiệm; mặt khác cũng chưa kịp thời giải quyết một số vấn đề đặt ra do việc thi hành chế độ bồi thường như xác định rõ chế độ trách nhiệm, kiện toàn chế độ quản lý tài sản, tổ chức việc giám định kỹ thuật, nâng cao trình độ thành thạo về nghề cho công nhân v .v…

Về trách nhiệm bồi thường cũng chưa phân biệt rõ ràng các trường hợp cố ý gây thiệt hại hay tham ô, biển thủ là những vi phạm pháp thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án, với các trường hợp không cố ý, chỉ vì thiếu tinh thần trách nhiệm hay vi phạm kỷ luật lao động trong khi làm nhiệm vụ sản xuất, công tác, mà để xẩy ra thiệt hại, phải xử lý theo tinh thần giải quyết trong quan hệ lao động. Một số ngành lại áp dụng máy móc nguyên tắc: cứ xẩy ra thiệt hại, mất mát tài sản của Nhà nước là người phụ trách bảo quản phải bồi thường đủ số và bồi thường ngày, nên có trường hợp xử lý chưa được thỏa đáng, làm cho người được giao nhiệm vụ bảo quản, sử dụng tài sản của Nhà nước lo ngại về trách nhiệm bồi thường, kém phấn khởi trong công tác.

Về mặt thi hành thì nói chung là lỏng lẻo. Khi xảy ra thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, nhiều ngành thường chỉ mới chú ý mặt thi hành kỷ luật hành chính đối với người phạm lỗi, chưa quan tâm đúng mức đến mặt trách nhiệm bồi thường, có khi bắt bồi thường cho Nhà nước nhưng không theo dõi, đôn đốc việc thanh toán khoản bồi thường đã định. Có ngành cũng không theo dõi chặt chẽ việc bảo vệ tài sản nên không nắm được tình hình. Các đơn vị cơ sở giải quyết đúng sai thế nào, cấp trên thường không biết để đôn đốc, nhắc nhở, uốn nắn, kịp thời rút kinh nghiệm đề ra những biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc xẩy ra những sự việc tương tự về sau.

Để góp phần chấn chỉnh tình trạng trên đây, thúc đẩy việc thực hiện cuộc vận động bảo vệ tài sản, thực hành tiết kiệm, Hội đồng Chính phủ đã ban hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của Nhà nước, làm cơ sở cho các  ngành, các địa phương nghiên cứu vận dụng cho thống nhất và sát với hoàn cảnh cụ thể của từng ngành, từng địa phương.

Tinh thần cơ bản của bản chế độ trách nhiệm vật chất là đề cao trách nhiệm quản lý vào bảo vệ tài sản của Nhà nước đồng thời hết sức coi trọng chính sách cán bộ Đảng và Chính phủ. Trên cơ sở tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đề cao ý thức trách nhiệm, ý thức làm chủ và kiện toàn chế độ quản lý, một mặt phải kịp thời biểu dương khen thưởng những đơn vị và cá nhân có thành tích quản lý, bảo vệ tài sản Nhà nước, mặt khác phải xác định rõ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức, tức là trách nhiệm bồi thường trong trường hợp để xẩy ra hư hỏng, mất mát tài sản của Nhà nước làm cho công nhân, viên chức quan tâm một cách thiết thực hơn đến việc quản lý, bảo vệ tài sản của Nhà nước trong mọi trường hợp. Mục đích bồi thường là nhằm tăng cường giáo dục công nhân, viên chức nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, tăng cường ý thức quản lý, ý thức trách nhiệm đồng thời đền bù lại một mức nhất định sự thiệt hại đã gây ra cho tài sản của Nhà nước.

Việc xử lý phải dựa trên đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nói chung có chiếu cố đến tình hình đời sống của công nhân, viên chức. Xử lý nghiêm minh những vụ  vi phạm chính sách, chế độ, kỷ luật cũng chính là để giáo dục. Trong từng trường hợp cụ thể thì có phân biệt đối xử căn cứ vào hoàn cảnh xẩy ra sự việc và tinh thần, thái độ công tác của người phạm lỗi.

II. NHỮNG ĐIỂM CHÍNH CỦA NỘI DUNG CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT.

1. Phạm vi thi hành của chế độ.

1. Chế độ trách nhiệm vật chất này áp dụng cho công nhân, viên chức Nhà nước về những vụ thiệt hại xẩy ra do vi phạm kỷ luật lao động hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình sản xuất, công tác.

Như vậy những vụ tham ô, biển thủ của công, phá hoại tài sản của Nhà nước và nói chung là các hành vi cố ý gây thiệt hại bằng cách này hay cách khác cho tài sản của Nhà nước, đều không thuộc phạm vi xử lý theo chế độ này, mà thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp. Đối với những vụ tham ô lặt vặt mà cơ quan tư pháp xét chưa đến mức đáng truy tố trước toà án, giao về cơ quan, xí nghiệp xử lý thì khi xử lý, cơ quan, xí nghiệp cũng không áp dụng những điều khoản của chế độ này.

Mặt khác, những vụ gây ra thiệt hại không phải trong trường hợp thi hành nhiệm vụ lao động hay không phải trong trường hợp được quyền sử dụng tài sản, cũng không thuộc phạm vi xử lý theo chế độ này vì đó là những việc thuộc về trách nhiệm dân sự.

Đối với những người làm ra hàng hỏng, hàng xấu hoặc công trình sai phạm kỹ thuật, cũng không thi hành chế độ này, mà phải bồi thường theo Thông tư số 97-TTg ngày 29-9-1962 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần chú ý là đối với những trường hợp do thiếu tinh thần trách nhiệm làm thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước đến mức phải truy tố trước tòa án theo Sắc lệnh số 267-SL ngày 15-6-1956 thì việc bồi thường do các cơ quan tư pháp quyết định, không thi hành theo chế độ này.

Theo điều 5 của chế độ trách nhiệm vật chất, ngoài việc bồi thường sự thiệt hại cho công quỹ, người phạm lỗi còn có thể, tùy tính chất của sự việc và mức độ lỗi, bị thi hành kỷ luật theo một trong bốn hình thức kỷ luật quy định trong điều lệ về kỷ luật lao động (khiển trách; cảnh cáo; hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật; hay buộc thôi việc). Vấn đề này do Hội đồng kỷ luật xét và đề nghị theo như quy định trong Thông tư số 13-TT/LB ngày 30-8-1966 của Liên bộ Lao động - Nội vụ hướng dẫn việc thi hành điều lệ về kỷ luật lao động.

2. Đối tượng thi hành.

Theo điều 1, đối tượng thi hành chế độ này là những công nhân, viên chức làm việc lâu dài hay tạm thời (trong biên chế hay ngoài biên chế Nhà nước, thuộc lực lượng lao động thường xuyên hay không thường xuyên), dù ở cương vị nào (là cán bộ lãnh đạo hay là nhân viên, công nhân) trong các cơ quan, xí nghiệp từ cấp huyện trở lên (bao gồm các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh, công trường, nông trường, lâm trường, cửa hàng, bệnh viện, trường học viện thí nghiệm, các cơ quan sự nghiệp khác và các cơ quan quản lý Nhà nước)

3. Việc xác định lỗi (theo điều 7, 8, 9)

Việc xác định lỗi là vấn đề quan trọng vì lỗi là cơ sở để quy trách nhiệm bồi thường.

Chế độ trách nhiệm vật chất thi hành trên nguyên tắc: có lỗi gây ra thiệt hại mới phải chịu trách nhiệm bồi thường, nếu không có lỗi thì không phải bồi thường. Vì vậy khi xẩy ra sự việc thiệt hại, cơ quan, xí nghiệp phải căn cứ vào những nguyên tắc, chế độ trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài sản đã được quy định mà điều tra quy trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài sản đã được quy định mà điều tra quy trách nhiệm, kết luận về lỗi và mức độ lỗi của từng người cho chính xác. Nếu thiệt hại do lỗi của nhiều người gây nên thì tất cả những người có lỗi, kể cả cán bộ phụ trách cơ quan, xí nghiệp, đều có trách nhiệm bồi thường tùy theo mức độ lỗi của từng người.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ