Thông tư 19-BYT/TT-1973 về việc xây dựng, thi hành và quản lý Danh mục thống nhất toàn ngành về thuốc men và hóa chất, dược liệu dùng để sản xuất thuốc do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 19-BYT/TT
Ngày ban hành 21/08/1973
Ngày có hiệu lực 05/09/1973
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Vũ Công Thuyết
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-BYT/TT

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 1973 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG, THI HÀNH VÀ QUẢN LÝ DANH MỤC THỐNG NHẤT TOÀN NGÀNH VỀ THUỐC MEN VÀ HÓA CHẤT, DƯỢC LIỆU DÙNG ĐỂ SẢN XUẤT THUỐC.

Công tác phòng bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch của ngành ta ngày càng được củng cố và phát triển.

Nhu cầu thuốc của các cơ sở y tế và nhân dân ngày càng tăng và từng thời gian cần thay đổi cho phù hợp với những tiến bộ về y học.

Thuốc men, hóa chất, dược liệu là cơ sở vật chất của công tác phòng bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch. Việc đưa các loại thuốc vào sử dụng có ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dùng, đến tài sản của Nhà nước và nhân dân, vì vậy cần được cân nhắc, chọn lọc kỹ càng trước khi đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất về chuyên môn và kinh tế, góp phần tăng cường sức khỏe của nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Để đảm bảo cho những yêu cầu trên, Bộ đã và sẽ ban hành:

Danh mục thống nhất toàn ngành về thuốc men và hóa chất, dược liệu để sản xuất thuốc gọi tắt là Danh mục thuốc toàn ngành có giá trị cho một năm hoặc hai, ba năm. Nay Bộ ra thông tư này để nói rõ về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và quy định thống nhất thể lệ thi hành của các địa phương và cơ sở.

Danh mục thuốc toàn ngành là bản quy định pháp chế danh sách các loại thuốc thành phẩm, hóa chất dược dụng, hóa chất sát trùng, dược liệu được Bộ Y tế cho phép sản xuất, thu mua, xuất khẩu, nhập nội, lưu hành sử dụng trong phạm vi toàn ngành cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch cho người.

Những năm qua, ngành dược đã phấn đấu cung cấp một khối lượng thuốc lớn đáp ứng cho nhu cầu của các cơ sở điều trị và nhân dân, nhưng chưa chú ý đúng mức việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện danh mục thuốc, nên có lúc, có nơi việc sản xuất, lưu hành và sử dụng thuốc còn tùy tiện, chưa theo đúng quy định đã ban hành.

I. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG VÀ MỤC ĐÍCH YÊU CẦU CỦA DANH MỤC THUỐC TOÀN NGÀNH

1. Danh mục thuốc thể hiện đường lối y tế, đường lối kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật của ngành.

Danh mục thuốc toàn ngành của ta được xây dựng trên cơ sở quan điểm, đường lối công tác y tế của Đảng là coi trọng công tác bảo vệ sức khỏe con người; theo phương châm công tác của ngành là nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, đẩy mạnh tốc độ nghiên cứu sản xuất thuốc trong nước, kết hợp đông y với tây y; và phương hướng dùng thuốc trong ngành, cụ thể là:

a) Đảm bảo có đầy đủ thuốc men đáp ứng tình hình phòng bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch, có các loại thuốc đã được chọn lọc đảm bảo chất lượng (tác dụng dược lý, hiệu lực chữa bệnh, dễ sử dụng và bảo quản), chú trọng các loại thuốc cho các bệnh xã hội, các bệnh có nhiều người mắc, các loại thuốc cho các đối tượng, chú ý đến trẻ em, phụ nữ, công nhân và cán bộ, các loại thuốc cần thiết cho các yêu cầu của các chuyên khoa, các loại thuốc chữa các bệnh tuy ít người mắc nhưng cần có thuốc đầy đủ và liên tục.

b) Hướng mạnh vào việc tự lực cánh sinh về thuốc trong nước, thúc đẩy công tác nghiên cứu sản xuất các loại thuốc có tác dụng tốt để chữa nhiều loại bệnh tật và phục vụ sức khỏe nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng.

c) Danh mục thể hiện đường lối kết hợp đông y với tây y, phát huy mạnh mẽ vốn y dược học cổ truyền quý báu của dân tộc, chú ý đến cả thuốc nam và thuốc bắc, có khuyến khích phát triển sử dụng thuốc nam.

d) Danh mục thể hiện phương hướng sử dụng thuốc trong ngành đồng thời cải tạo các quan niệm không đúng đắn về dùng thuốc. Nếu cần thiết phải nhập nội thì dùng các loại thuốc của phe xã hội chủ nghĩa có tác dụng tương tự như thuốc của phe tư bản chủ nghĩa.

2. Dnah mục thuốc toàn ngành từng thời gian được bổ sung những loại thuốc mới được Bộ cho phép sản xuất, nhập nội hoặc lưu hành theo quy chế do các đơn vị đề nghị có hồ sơ kỹ thuật kèm theo và loại ra ngoài những loại thuốc hiệu quả, công dụng không rõ ràng, lạc hậu, không đảm bảo chất lượng...

Việc bổ sung Danh mục thuốc toàn ngành được thực hiện từng thời gian bằng các phụ lục của Danh mục.

3. Cần phổ biến rộng rãi danh mục thuốc toàn ngành nhằm:

a) Làm cho cán bộ y và dược hiểu biết về các loại thuốc được Bộ Y tế cho phép sản xuất, thu mua, xuất khẩu, nhập nội, lưu hành và sử dụng, đồng thời là những thứ thuốc ngành dược có trách nhiệm cung cấp cho các cơ sở điều trị và nhu cầu của nhân dân.

b) Danh mục phải dùng làm căn cứ cho các cơ quan, cán bộ xây dựng kế hoạch sản xuất,  xuất khẩu, nhập nội, thu mua, dự trù, phân phối thuốc men, hóa chất, dược liệu và làm công tác phòng bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch, không được ghi vào kế hoạch các loại thuốc men, hóa chất dược dụng, dược liệu không có trong danh mục.

c) Danh mục phải dùng làm cơ sở cho việc xếp loại thuốc, ghi chép các loại tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, trong việc mở sổ sách, dự trù, ghi đơn, phiếu, báo cáo thống kê thống nhất trong toàn ngành.

d) Danh mục phải dùng làm căn cứ để đối chiếu với nội dung giảng dạy về thuốc trong các cơ sở đào tạo, bổ túc chuyên môn cho học sinh y dược các trường, lớp ở tất cả các bậc học trong ngành.

II. NỘI DUNG DANH MỤC THUỐC TOÀN NGÀNH

1. Danh mục thuốc toàn ngành được ban hành gồm có 4 mục:

- Danh muc thuốc thành phẩm,

- Danh mục hóa chất dược dụng,

- Danh mục hóa chất sát trùng, diệt côn trùng,

[...]