Thông tư 19/2000/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc xếp lương đối với lao động làm việc ở khu vực khác chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Lao dộng Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 19/2000/TT-BLĐTBXH |
Ngày ban hành | 07/08/2000 |
Ngày có hiệu lực | 07/08/2000 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội |
Người ký | Lê Duy Đồng |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
BỘ LAO ĐỘNG,
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
Số: 19/2000/TT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2000 |
|
Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được nhiều công văn, đơn, thư của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cá nhân người lao động đề nghị giải đáp và hướng dẫn việc xếp lương đối với người lao động làm việc ở khu vực khác chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp nhà nước và chuyển từ doanh nghiệp nhà nước này đến làm việc ở doanh nghiệp nhà nước khác. Để thống nhất việc giải quyết vấn đề này, sau khi trao đổi ý kiến với một số Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc xếp lương đối với những đối tượng nói trên như sau:
Người lao động làm việc ở khu vực khác, nay chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:
a- Những người đang xếp lương theo các bảng lương ban hành kèm theo Quyết định số 69/QĐ-TW ngày 17/5/1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng;
b- Những người đang xếp lương theo các bảng lương ban hành kèm theo Nghị quyết số 35 NQ/UBTVQHK9 ngày 17/5/1993 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
c- Những người đang xếp lương theo các bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ qui định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang;
d- Những người đang xếp lương theo thang lương, bảng lương của doanh nghiệp nhà nước được áp dụng theo qui định, chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác;
e- Những người đang hưởng lương theo các thang lương, bảng lương của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Người chuyển đến ở đây được hiểu là những người được điều động theo qui định của Nhà nước; những người thay đổi nơi làm việc và thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.
1. Nguyên tắc:
Các đối tượng qui định ở mục I nêu trên khi chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp nhà nước được xếp lương theo nguyên tắc: Làm công việc gì, hưởng lương theo công việc đó; giữ chức vụ gì, hưởng lương theo chức vụ đó, không bảo lưu mức lương đang hưởng để làm cơ sở xếp lương ở nơi làm việc mới. Cơ sở để xếp lương là căn cứ vào công việc được giao; chức danh, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ; hạng doanh nghiệp được xếp và thang lương, bảng lương doanh nghiệp được áp dụng theo qui định của Nhà nước.
2. Cách xếp lương:
a) Đối với người được điều động về làm việc tại doanh nghiệp nhà nước.
- Những người được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Uỷ viên chuyên trách Hội đồng quản trị, thành viên Ban Kiểm soát (trừ Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc các doanh nghiệp độc lập qui mô lớn có thành lập Hội đồng quản trị) thì việc chuyển xếp lương thực hiện theo Thông tư số 06/TTLT-TCCB-BLĐTBXH-BTC ngày 20/10/1998 của Liên Bộ Ban Tổ chức - Cán Bộ Chính phủ - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 83/1998/QĐ-TTg ngày 15/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tiền lương và phụ cấp lãnh đạo đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Tổng Công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước độc lập qui mô lớn.
- Những người được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng doanh nghiệp thì việc chuyển xếp lương được thực hiện theo Thông tư 15/LT-TT ngày 26/5/1996 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn Quyết định số 185/TTg ngày 28/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt; Thông tư Liên tịch số 23/1997/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 110/NĐ-CP ngày 18/11/1997 của Chính phủ về việc bổ sung hệ số mức lương chức vụ quản lý và phụ cấp chức vụ lãnh đạo doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ và Thông tư số 17/1998/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/1998 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn xếp hạng doanh nghiệp nhà nước.
b) Đối với người chuyển đến làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp nhà nước.
- Những người chuyển đến làm công nhân, nhân viên các nghề, công việc trực tiếp hoặc phục vụ sản xuất, kinh doanh thì căn cứ vào công việc được giao, chức danh, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân, doanh nghiệp tổ chức kiểm tra trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề. Người lao động đạt bậc của nghề nào thì xếp vào bậc lương của nghề đó theo các thang lương, bảng lương doanh nghiệp được áp dụng theo qui định của Nhà nước;
- Những người chuyển đến làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ tại doanh nghiệp: làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở ngạch nào thì xếp lương ở ngạch đó theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ mà doanh nghiệp được áp dụng theo qui định của Nhà nước; còn bậc lương thì xem xét công việc đảm nhận và tình hình cụ thể để thoả thuận. Thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ khi xếp bậc lương theo thoả thuận.
Khi chuyển đến làm việc tại doanh nghiệp, nếu người lao động được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng hoặc các chức vụ tương đương của doanh nghiệp, thì ngoài việc xếp lương theo qui định nêu trên, còn được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hạng mà doanh nghiệp được xếp theo qui định chung.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.
Các doanh nghiệp Nhà nước căn cứ hướng dẫn tại Thông tư này thực hiên việc xếp lương cho các đối tượng theo đúng qui định.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị gửi văn bản về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết.
|
Lê Duy Đồng (Đã ký) |