THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE CÁN BỘ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC
TRUNG ƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP
ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Thực hiện Hướng dẫn số 07-HD/BTCTW ngày 20 tháng 8 năm 2021 của Ban Tổ
chức Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ,
chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn thực
hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ,
chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương;
b) Các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm
sóc sức khỏe cán bộ;
c) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Nội dung nhiệm vụ bảo vệ,
chăm sóc sức khỏe cán bộ
1. Tham mưu về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe
cán bộ:
a) Xây dựng chương trình, dự án, đề án, kế hoạch,
phương hướng, nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ, gửi Ban Bảo vệ,
chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố cho ý kiến, trình cấp có thẩm quyền
xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định và theo phân cấp;
b) Hướng dẫn, kiểm tra hỗ trợ công tác bảo vệ, chăm
sóc sức khỏe cán bộ các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố
thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Phối hợp tham mưu, đề xuất chế độ khám bệnh, chữa
bệnh đối với cán bộ thuộc diện quản lý; chế độ đối với đội ngũ nhân viên y tế
thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trên địa bàn tỉnh, thành phố;
d) Tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo thực hiện nhiệm
vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trên địa bàn tỉnh, thành phố theo quy định.
2. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức
khỏe cán bộ:
a) Quản lý sức khỏe: Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức
khỏe cán bộ cho các đối tượng theo quy định và theo phân cấp; phối hợp với Hội
đồng chuyên môn bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh, thành phố trong việc
phân loại sức khỏe cán bộ thuộc diện quản lý;
b) Tiếp nhận khám bệnh, cấp cứu, điều trị ngoại
trú, nội trú, chuyển tuyến theo quy định; tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe định
kỳ; điều trị, xử lý kịp thời diễn biến bệnh mạn tính đối với các cán bộ thuộc
diện quản lý khi điều trị ngoại trú; thăm khám, tư vấn, theo dõi sức khỏe tại
nhà hoặc tại cơ quan đối với cán bộ thuộc diện phối hợp quản lý theo quy định;
c) Thực hiện, phối hợp khám phân loại sức khỏe trước
khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường
vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý và các đối tượng khác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Thành ủy quy định;
d) Thực hiện truyền thông, cung cấp thông tin, tư vấn
về sức khỏe; hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không
lây nhiễm, vắc xin phòng bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho cán bộ thuộc
diện quản lý;
đ) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên
quan xây dựng và tổ chức phương án bảo đảm về y tế, xử lý các tình huống cấp cứu
đối với các cán bộ thuộc diện quản lý theo phân cấp khi tham gia các hội nghị,
sự kiện, công tác trên địa bàn;
e) Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các
chế độ, chính sách về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ; tổ chức nghỉ điều dưỡng
kết hợp điều trị bệnh lý theo đúng quy định và điều kiện cụ thể của từng địa
phương.
3. Quản lý và huy động các nguồn lực:
a) Lập và quản lý danh sách nhân lực y tế có trình
độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại địa
phương tham gia hội đồng chuyên môn để hội chẩn, tham gia cấp cứu trong các trường
hợp cần thiết;
b) Quản lý các nguồn lực về nhân lực, cơ sở vật chất,
tài chính, tài sản bảo đảm cho nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ theo
đúng quy định và theo phân cấp;
c) Huy động hoặc tham gia huy động các nguồn lực để
thực hiện giải quyết tình huống cấp cứu cán bộ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi công
tác tại địa phương và các cán bộ thuộc diện quản lý theo phân cấp.
4. Phối hợp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cấp
cục, vụ, viện và tương đương trở lên của các cơ quan Trung ương; cán bộ cấp cao
diện Trung ương quản lý đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trên địa bàn.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được phân công của
cấp có thẩm quyền.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương có trách nhiệm:
a) Đầu mối tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ
theo quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 5 Điều 2 Thông tư này;
hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản
2 Điều 2 Thông tư này;
b) Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành
ủy, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố và các cơ quan liên
quan trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy xem xét, tựa chọn và quyết định giao
cơ sở y tế là Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố; Bệnh viện đa khoa tuyến Trung
ương (nếu có) đóng trên địa bàn hoặc cơ sở y tế khác (gọi chung là đơn vị) để
thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ phù hợp với điều kiện cụ thể
của từng địa phương;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan
tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền bảo đảm các nguồn lực đáp ứng công tác
bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cho các đối tượng theo quy định trên địa bàn;
d) Tham mưu cho Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ
tỉnh, thành phố trong việc thành lập Hội đồng chuyên môn theo từng lĩnh vực, gồm
đội ngũ nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong hoạt động
khám bệnh, chữa bệnh khi hội chẩn, điều trị và quyết định các biện pháp chuyên
môn y tế. Nhiệm vụ, chế độ làm việc, số lượng và tiêu chuẩn đối với các thành
viên của Hội đồng chuyên môn thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền;
đ) Thực hiện báo cáo kết quả công tác bảo vệ, chăm
sóc sức khỏe cán bộ trên địa bàn theo quy định.
2. Thủ trưởng đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ bảo
vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ có trách nhiệm:
a) Đầu mối tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ
theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này; phối hợp thực
hiện các nhiệm vụ theo quy dinh tại các khoản 1, 3, 4 và 5 Điều
2 Thông tư này;
b) Quy định hoặc trình cấp có thẩm quyền quy định
hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe
cán bộ là Phòng Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố hoặc Khoa Bảo vệ sức khỏe
cán bộ tỉnh, thành phố hoặc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố;
hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; số lượng người làm việc, cơ cấu viên
chức, chức danh nghề nghiệp (danh mục vị trí việc làm) trong tổng số người làm
việc của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Xây dựng quy chế phối hợp trong việc thực hiện nội
dung về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cho các đối tượng theo phân cấp: Tổ chức
nhận lịch đặt khám bệnh, tiếp đón, thăm khám, cấp cứu, đưa cán bộ đi khám bệnh
chuyên khoa, thăm khám cận lâm sàng, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ và quản
lý hồ sơ bệnh án ngoại trú, nội trú theo quy định;
d) Tổ chức phân luồng riêng để tiếp nhận khám, kiểm
tra sức khỏe cán bộ; bố trí khu vực riêng có đủ điều kiện tại các khoa lâm
sàng, cận lâm sàng của đơn vị để tiếp nhận điều trị ngoại trú, điều trị nội trú
cho cán bộ theo phân cấp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương;
đ) Kịp thời báo cáo với Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe
cán bộ tỉnh, thành phố về tình trạng sức khỏe, bệnh lý và khả năng sức khỏe đáp
ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cán bộ thuộc diện quản lý theo quy định.
Điều 4. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 12 năm
2023.
Điều 5. Trách nhiệm thực hiện
1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế chủ
trì, phối hợp với Văn phòng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương,
các vụ, cục của Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan để hướng dẫn, tổ chức triển
khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ
chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này theo thẩm quyền.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh,
khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về
Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (để giám sát);
- Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng TTĐT);
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế:
- Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế;
- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, TCCB (03b), PC (02b).
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|