Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 18/2012/TT-BVHTTDL
Ngày ban hành 28/12/2012
Ngày có hiệu lực 01/07/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Hoàng Tuấn Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2012/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về điều kiện năng lực và điều kiện hành nghề của tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là quy hoạch di tích), dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là dự án tu bổ di tích), báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích), thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là thiết kế tu bổ di tích) và thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là thi công tu bổ di tích); nội dung hồ sơ thiết kế tu bổ di tích, thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế tu bổ di tích; thi công tu bổ di tích.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi tiến hành lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích; thẩm định hồ sơ thiết kế tu bổ di tích; thi công tu bổ di tích trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hạ giải di tích là hoạt động tháo rời cấu kiện tạo thành kiến trúc của một di tích nhằm mục đích tu bổ di tích hoặc di chuyển cấu kiện đến một nơi khác để lắp dựng lại mà vẫn giữ gìn tối đa sự nguyên vẹn các cấu kiện đó.

2. Gia cố, gia cường di tích là biện pháp làm tăng sự bền vững và ổn định của di tích hoặc các bộ phận của di tích.

3. Phục chế di tích là hoạt động tạo ra sản phẩm mới theo nguyên mẫu về chất liệu, hình thức và kỹ thuật để thay thế thành phần bị hư hỏng, bị mất của di tích.

4. Tôn tạo di tích là hoạt động nhằm tăng cường khả năng sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

5. Tu sửa cấp thiết di tích là hoạt động chống đỡ, gia cố, gia cường tạm thời hoặc sửa chữa nhỏ để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, hủy hoại.

Điều 3. Nguyên tắc trong hoạt động thiết kế tu bổ di tích

1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, về xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Thiết kế tu bổ di tích được lập trên cơ sở kết quả khảo sát, tư liệu liên quan trực tiếp, gián tiếp đến di tích và phải tuân thủ nội dung dự án tu bổ di tích đã được phê duyệt.

3. Ưu tiên sử dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ truyền thống đã được sử dụng trong di tích. Trong trường hợp giải pháp kỹ thuật, công nghệ truyền thống không đáp ứng yêu cầu về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thì được áp dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ hiện đại phù hợp, đã kiểm nghiệm trong thực tế và không làm ảnh hưởng đến đặc điểm, giá trị của di tích.

4. Thiết kế tu bổ di tích được tiếp tục thực hiện trong quá trình thi công tu bổ di tích nhằm kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với những phát sinh, phát hiện mới về di tích.

5. Ưu tiên bảo quản, gia cố, gia cường di tích trước khi áp dụng phương án tu bổ, phục hồi di tích.

6. Thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân trong suốt quá trình thiết kế tu bổ di tích.

Điều 4. Nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích

[...]
395
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ