Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 18/2000/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 07/2000/NĐ-CP về chính sách cứu trợ xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 18/2000/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 28/07/2000
Ngày có hiệu lực 12/08/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/2000/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 18/2000/TT-BLĐTBXH NGÀY 28 THÁNG 07 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 07/2000/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 3 NĂM 2000 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH CỨU TRỢ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định này như sau:

A. ĐỐI TƯỢNG

I- ĐỐI TƯỢNG THUỘC DIỆN CỨU TRỢ XÃ HỘI THƯỜNG XUYÊN

Đối tượng thuộc diện cứu trợ thường xuyên tại xã, phường quản lý theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 9/03/2000 của Chính phủ gồm:

1. Đối với trẻ em mồ côi:

a. Trẻ em dưới 16 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi, bị mất nguồn nuôi dưỡng và không còn người thân thích ruột thịt (Ông, bà nội ngoại; bố mẹ nuôi hợp pháp, anh chị) để nương tựa.

b. Trẻ em dưới 16 tuổi chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại (mẹ hoặc cha) mất tích theo quy định tại Điều 88 của Bộ luật Dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng (như tàn tật nặng, đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại), không có nguồn nuôi dưỡng và không có người thân thích để nương tựa.

Trường hợp trẻ em mồ côi nêu tại điểm a, b nói trên tuy còn người thân thích nhưng người thân thích không đủ khả năng để nuôi dưỡng (người thân thích dưới 16 tuổi hoặc trên 60 tuổi hoặc bị tàn tật nặng, đang trong thời gian thi hành án phạt tù tại trại, gia đình thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn mực do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố áp dụng cho từng thời kỳ) cũng được xem xét hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội.

2. Đối với người già cô đơn không nơi nương tựa:

a. Người từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân không có con (con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp); không có cháu ruột và người thân thích cưu mang để nương tựa, không có nguồn thu nhập.

b. Người từ đủ 60 tuổi trở lên tuy còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con đẻ, con nuôi hợp pháp, cháu ruột thịt và người thân thích nương tựa; không có nguồn thu nhập.

Trường hợp người già nêu tại điểm a, b nói trên tuy có con, cháu và người thân thích để nương tựa nhưng con cháu và người thân thích không đủ khả năng để nuôi dưỡng (như gia đình thuộc diện nghèo, bản thân con, cháu và người thân thích dưới 16 tuổi hoặc trên 60 tuổi, đang trong thời kỳ thi hành án phạt tù tại trại hoặc bị tàn tật nặng) cũng được xem xét hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội.

Riêng trường hợp người già là phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập từ đủ 55 tuổi trở lên, hiện đang hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội vẫn tiếp tục được hưởng.

3. Đối tượng là người tàn tật nặng; người tâm thần mãn tính qui định tại khoản 3, 4 Điều 6 Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 9/3/2000, được thực hiện theo Thông tư số 13/2000/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 5 năm 2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 55/1999/NĐ-CP ngày 10/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về người tàn tật.

II- ĐỐI TƯỢNG THUỘC DIỆN CỨU TRỢ XÃ HỘI ĐỘT XUẤT:

Đối tượng thuộc diện cứu trợ xã hội đột xuất qui định tại Điều 14 Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ là những người hoặc hộ gia đình khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng được xác định như sau:

1. Hộ gia đình

a. Gia đình có: người bị chết, mất tích do hậu quả thiên tai hoặc tham gia cứu hộ, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.

b. Gia đình có: nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng không có chỗ ở. Trường hợp gia đình sống trên tàu, thuyền, nà tàu, thuyền, bị vỡ, bị chìm hư hỏng nặng không còn chỗ ở cũng được xem xét cứu trợ.

c. Gia đình mất phương tiện sản xuất chính làm cho gia đình lâm vào cảnh thiếu đói.

2. Về người:

a. Người bị thương nặng do thiên tai hoặc tham gia cứu hộ, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.

b. Người thiếu đói do giáp hạt, gia đình thuộc diện nghèo.

c. Người gặp phải rủi ro ngoài vùng cư trú bị thương nặng phải vào bệnh viện điều trị hoặc bị chết, gia đình không biết để chăm sóc hoặc mai táng.

d. Người lang thang xin ăn do Sở Công an phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng cấp tỉnh đưa vào cơ sở Bảo trợ xã hội trong thời gian tập trung chờ đưa về gia đình.

B- CHẾ ĐỘ CỨU TRỢ XÃ HỘI

[...]