Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 117/2009/TT-BQP về Quy định đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 117/2009/TT-BQP
Ngày ban hành 30/12/2009
Ngày có hiệu lực 13/02/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Phùng Quang Thanh
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 117/2009/TT-BQP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NGÀNH QUÂN SỰ CƠ SỞ

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng,

THÔNG TƯ:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng

1. Quy định về chiêu sinh, tổ chức đào tạo; đánh giá học phần, thi kết thúc học phần và thi tốt nghiệp; điều kiện công nhận, xếp loại và cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở.

2. Quy định này áp dụng cho các trường quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

Điều 2. Đối tượng đào tạo

1. Là Đảng viên, Đoàn viên ưu tú đang giữ cương vị Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn chưa được đào tạo, còn trong quy hoạch nguồn cán bộ công chức cấp xã; người đã giữ chức vụ trung đội trưởng, thôn đội trưởng, tiểu đội trưởng hoặc khẩu đội trưởng dân quân; quân nhân phục viên, xuất ngũ và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thôi phục vụ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xếp trong nguồn quy hoạch cán bộ chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

2. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực công tác; độ tuổi, không quá 35 đối với nam, không quá 30 đối với nữ; đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên, có đủ sức khỏe học tập công tác.

Điều 3. Mục tiêu đào tạo

1. Đào tạo người học có kiến thức và kỹ năng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của người Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã.

2. Tốt nghiệp ra trường đạt trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở; trình độ chuyên môn quân sự tương đương sỹ quan dự bị cấp phân đội; có đủ điều kiện được tiếp tục đào tạo trình độ cao hơn thuộc lĩnh vực quốc phòng, quân sự địa phương tại các trường quân đội; có phẩm chất chính trị, sức khỏe và khả năng phát triển lên các cương vị cao hơn của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.

Điều 4. Tổ chức chiêu sinh

1. Căn cứ vào quy hoạch quản lý sử dụng đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, Sở Nội vụ cấp tỉnh và các huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành uỷ thuộc tỉnh (gọi chung là huyện ủy) lập danh sách, hồ sơ lý lịch báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành ủy và ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn kế hoạch chiêu sinh.

2. Tháng 7 hàng năm, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh báo cáo kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo về Bộ Quốc phòng (Qua Cục Dân quân tự vệ và Cục Nhà trường/BTTM) để làm cơ sở tổng hợp báo cáo các cơ quan chức năng nhà nước quản lý số lượng và cấp phát văn bằng.

Điều 5. Công tác quản lý điều hành đào tạo

1. Quản lý điều hành đào tạo là một quá trình hoạt động có tổ chức, có mục đích nhằm thống nhất việc xây dựng, quản lý và điều hành thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở tại Trường Quân sự cấp tỉnh.

2. Trường Quân sự cấp tỉnh chịu trách nhiệm mọi mặt về công tác tổ chức, quản lý và điều hành; kịp thời đề xuất các chủ trương, biện pháp với Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh để hiệp đồng, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã.

Điều 6. Nội dung quản lý điều hành

1. Quán triệt cho mọi cán bộ, giáo viên, học viên về mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ đào tạo cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã của khóa học.

2. Xây dựng kế hoạch đào tạo toàn khóa, kế hoạch huấn luyện hàng tháng chia ra tuần, ra ngày và các kế hoạch bảo đảm huấn luyện.

3. Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, phối hợp thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị các ngành liên quan để thực hiện chương trình đào tạo.

[...]