Thông tư 1765-PT/KH năm 1957 về trình độ học lực giáo viên tư thục và bổ sung thể lệ trường tư do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 1765-PT/KH
Ngày ban hành 28/08/1957
Ngày có hiệu lực 12/09/1957
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Nguyễn Văn Hiếu
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1765-PT/KH

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 1957 

 

THÔNG TƯ

VỀ TRÌNH ĐỘ HỌC LỰC GIÁO VIÊN TƯ THỤC VÀ BỔ SUNG THỂ LỆ TRƯỜNG TƯ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi: Ủy ban Hành chính các khu, thành phố và tỉnh, Khu, Sở Ty Giáo dục

Bộ giải thích trong thông tư này thể thức áp dụng và thi hành Nghị định số 770-NĐ ngày 10-08-1957 và quy định một số điểm bổ xung về thể lệ trường tư.

I. – TRÌNH ĐỘ HỌC LỰC CỦA GIÁO VIÊN TƯ THỰC

A. – TRÌNH ĐỘ HỌC LỰC GIÁO VIÊN TƯ THỤC THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 770/NĐ:

Hiện nay chương trình giáo dục phổ thông đặt yêu cầu cao hơn chương trình cũ và hoàn cảnh cũng đã cho phép các trường tư tuyển lực giáo viên dễ dàng hơn, nên Bộ quy định trình độ văn hóa đòi hỏi ở giáo viên tư thục. Giáo viên này phải: "Có trình độ học lực cao hơn lớp mình xin dạy ít nhất là ba lớp và đã học qua đầy đủ cấp mình xin dạy.

Thể lệ ghi "đã học qua đầy đủ cấp mình xin dạy "để một mặt đòi hỏi giáo viên ít nhất phải đã học hết cấp (không đòi hỏi phải tốt nghiệp hết cấp), mặt khác phải học đầy đủ (không học nhảy lớp).

B. - THỂ THỨC ÁP DỤNG NGHỊ ĐỊNH TRÊN TRONG THỜI KỲ CHUYỂN TIẾP:

Nghị định số 770-NĐ sẽ áp dụng ngay đối với giáo viên chưa được cấp giấy phép chính thức làm giáo viên tư thục.

Đối với giáo viên đã được cấp giấy phép chính thức dạy học theo điều 3 của Nghị định cũ số 80-NĐ thì vẫn được giữ nguyên phép dạy học tại các lớp đã ghi trong giấy phép trong thời hạn 2 niên học để giáo viên có thời gian bồi dưỡng thêm. Sau thời hạn này, nếu xét giáo viên nào còn quá kém thì sẽ điều chỉnh lại giấy phép cho dạy xuống lớp dưới.

II. - GIẢI THÍCH VÀ BỔ XUNG THÊM MỘT SỐ ĐIỂM VỀ THỂ LỆ TRƯỜNG TƯ

A. - MỞ TRƯỜNG, LỚP TƯ

1. – Các lớp dạy riêng (Cours particuliers): Các lớp này thường là những lớp "bổ túc" cho một số học sinh (dưới 10 người) chỉ dạy về một số môn học nào mà không dạy đủ toàn bộ chương trình như một lớp tư thục.

Chúng ta không cấm mở các lớp dạy riêng, nhưng phải theo dõi, kiểm tra các lớp này, để tránh mọi sự lợi dụng và hành động vô tổ chức.

Bộ quy định sau đây thể thức về việc mở các lớp dạy riêng:

a) Người đứng mở lớp dạy riêng, trước khi mở, phải báo cáo với Sở hay Ty Giáo dục tình hình tổ chức lớp một cách cụ thể (Sở hay Ty nên dựa vào mẫu tờ khai mở trường tư để ấn định sẵn mẫu, nhưng cần thật đơn giản).

b) Giáo viên dạy lớp riêng phải có đủ trình độ văn hóa như giáo viên tư thục.

c) Giấy chứng nhận học lực do các lớp dạy riêng cấp không có giá trị trong việc xin vào học các trường công và tư, trong việc thi cử, xin công tác, v.v...

Trong khi theo dõi và kiểm tra các lớp dạy riêng, nếu cơ quan giáo dục nhận thấy thực chất các lớp này là một lớp tư thục thì báo ngay cho người đứng mở phải theo đúng thể lệ mở trường tư thục.

Cũng cần chú ý là các lớp dạy riêng khác với các lớp gia đình (xem giải thích quan niệm về lớp gia đình trong công văn số 388-PT ngày 18-05-1956 của Nha Giáo dục Phổ thông).

2. – Ngày khai giảng trường tư. Trước mỗi niên học, Sở hay Ty Giáo dục thông báo rộng rãi cho công chúng biết thời hạn nhận đơn xin mở trường tư. Các trường tư mới xin mở phải bảo đảm khai giảng trường chậm nhất là 1 tháng sau ngày khai giảng chính thức của trường công. Những trường tư mới mở không bảo đảm khai giảng trong thời hạn đã châm chước sẽ không được phép mở.

Các trường tư đã có phép cũ mở rồi phải khai giảng đúng ngày khai giảng của trường công.

B. - VỀ HỌC SINH

1. – Thời gian thu nhận học sinh:

Trường tư chỉ được nhận học sinh trước ngày khai giảng hoặc chậm lắm là 15 ngày sau. Hết thời hạn này, trường tư không được nhận học sinh mới trừ trường hợp chuyển trường quy định dưới đây.

2. – Chuyển trường:

[...]