Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 17/2018/TT-BCT sửa đổi Thông tư 36/2013/TT-BCT quy định về xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Số hiệu 17/2018/TT-BCT
Ngày ban hành 10/07/2018
Ngày có hiệu lực 23/08/2018
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Cao Quốc Hưng
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2018/TT-BCT

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2018

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 36/2013/TT-BCT NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 2013 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH, TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ QUẢN LÝ KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG QUỐC GIA

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công;

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia

1. Sửa đổi khoản 3 và bổ sung khoản 5, khoản 6, khoản 7 vào Điều 2 như sau:

“3. Đề án khuyến công quốc gia điểm (sau đây gọi là đề án điểm) là đề án khuyến công quốc gia (sau đây gọi là đề án) được lập theo ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương; có từ 02 nội dung hoạt động khuyến công và 02 đối tượng thụ hưởng trở lên; thời gian thực hiện từ 02 đến 03 năm; các nội dung hoạt động khuyến công trong đề án có sự liên kết nhằm khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.”

“5. Đề án khuyến công quốc gia theo nhóm (sau đây gọi là đề án nhóm) là đề án khuyến công quốc gia có từ 02 đối tượng thụ hưởng trở lên thực hiện cùng một nội dung hoạt động khuyến công.

6. Đề án khuyến công quốc gia theo đối tượng cụ thể là đề án có một đối tượng thụ hưởng xác định cho một nội dung hoạt động khuyến công trên một địa bàn cụ thể.

7. Nhiệm vụ khuyến công quốc gia thường xuyên là các nhiệm vụ khuyến công quốc gia do Cục Công Thương địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ khuyến công thuộc Bộ Công Thương tổ chức thực hiện thường xuyên hàng năm để phục vụ chung cho hoạt động khuyến công cả nước, gồm các nhóm nhiệm vụ sau:

a) Thông tin tuyên truyền:

Cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, thông tin thị trường, phổ biến kinh nghiệm, mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, thông qua các hình thức như: xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh; xuất bản các bản tin, ấn phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử; tờ rơi, tờ gấp và các hình thức thông tin đại chúng khác;

b) Hợp tác quốc tế về khuyến công:

Trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp, quản lý cụm công nghiệp, sản xuất sạch hơn với các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ làm công tác khuyến công theo các chương trình hợp tác quốc tế và các chương trình, đề án học tập, khảo sát tại nước ngoài;

c) Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công:

Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công; tổ chức hội thảo chuyên đề, hội nghị đánh giá tổng kết về hoạt động khuyến công; xây dựng, duy trì, phổ biến cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về khuyến công và sản xuất sạch hơn; xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

Điều 3. Phương thức thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công quốc gia

1. Các đề án, nhiệm vụ thực hiện theo Luật Đấu thầu (nếu đủ điều kiện theo quy định) gồm: Tổ chức hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài; hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài (sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ cho một hội chợ, triển lãm); hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp; các đề án truyền thông.

2. Ngoài các đề án, nhiệm vụ thực hiện theo Luật Đấu thầu quy định tại khoản 1 Điều này, các đề án, nhiệm vụ khác thực hiện theo phương thức xét chọn.”

3. Bổ sung Điều 3a vào sau Điều 3 như sau:

Điều 3a. Cách thức triển khai thực hiện đề án nhóm, đề án điểm

1. Đề án nhóm

a) Đề án nhóm gồm: Đề án đào tạo nghề, truyền nghề; nâng cao năng lực quản lý, khởi sự thành lập doanh nghiệp; tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm; hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu;

b) Đề án nhóm không yêu cầu phải xác định địa điểm, đơn vị thụ hưởng, đơn vị phối hợp khi thẩm định cấp Bộ. Riêng đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải lập theo từng lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương trên cơ sở danh mục ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP; phải xác định địa điểm, đơn vị thụ hưởng, chủng loại máy móc thiết bị khi thẩm định cấp Bộ và xác định đơn vị phối hợp, thông số kỹ thuật của máy móc thiết bị khi lập kế hoạch triển khai để làm cơ sở ký kết hợp đồng khuyến công quốc gia.

2. Đề án điểm

[...]