Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 163/TT-SHCN năm 1994 hướng dẫn phê duyệt và đăng ký hợp đồng li-xăng do Bộ Khoa Học Công Nghệ Và Môi Trường ban hành

Số hiệu 163/TT-SHCN
Ngày ban hành 15/04/1994
Ngày có hiệu lực 15/04/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Người ký Đặng Hữu
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 163/TT-SHCN

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KHOA HỌC- CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 163/TT-SHCN NGÀY 15-4-1994 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT VÀ ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG LI-XĂNG

Theo Nghị định số 201-HĐBT ngày 28 -12 -1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Điều lệ về mua bán quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và bí quyết kỹ thuật (gọi tắt là Điều lệ về mua bán li-xăng).

Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành thông tư này nhằm giải thích và hướng dẫn thi hành các điều khoản về việc phê duyệt và đăng ký Hợp đồng li-xăng được quy định trong Điều lệ nói trên.

I. QUY ĐỊNH CHUNG, ĐỐI TƯỢNG, CHỦ THỂ LI-XĂNG

1. Thuật ngữ quy ước

Các thuật ngữ quy ước được sử dụng trong Điều lệ về mua bán li-xăng và trong Thông tư này được hiểu như sau:

- "Điều lệ" dùng để chỉ Điều lệ về mua bán li-xăng.

- "Li-xăng" dùng để chỉ việc tổ chức, cá nhân ("Bên giao") cho phép tổ chức, cá nhân khác ("Bên nhận") được sử dụng - trong phạm vi lãnh thổ nhất định ("lãnh thổ li-xăng") và trong thời hạn nhất định ("thời hạn li-xăng") - sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá ("đối tượng sở hữu công nghiệp") đang thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của bên giao.

- "Li-xăng độc quyền" dùng để chỉ li-xăng mà theo đó, trong lãnh thổ li-xăng và trong thời hạn li-xăng, Bên nhận được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

- "Li-xăng không độc quyền" dùng để chỉ li-xăng mà theo đó, trong lãnh thổ li-xăng và trong thời hạn li-xăng. Bên nhận không được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, nghĩa là Bên giao cũng có quyền sử dụng hoặc cho phép Bên thứ ba sư dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó.

- "Li-xăng phụ thuộc" hay "Li-xăng thứ cấp" dùng để chỉ li-xăng trong đó Bên giao li-xăng thứ cấp chính là bên nhận li-xăng độc quyền về chính đối tượng của li-xăng thứ cấp.

Li-xăng thứ cấp luôn luôn là li-xăng không độc quyền.

- Các thuật ngữ "sáng chế", "giải pháp hữu ích" "kiểu dáng công nghiệp", "nhãn hiệu hàng hoá" được hiểu theo Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được công bố ngày 11-02-1989 theo Lệnh số 13LCT-HĐNN8 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và theo các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đó.

2. Phạm vi áp dụng

2.1. Điều lệ về mua bán li-xăng điều chỉnh các quan hệ về việc chuyển giao dưới mọi hình thức (mua bán, chuyển nhượng, trao đổi) quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá) đang được Nhà nước bảo hộ. Việc chuyển giao đó gọi là chuyển giao li-xăng.

Việc chuyển giao nói trên có thể kèm theo việc chuyển giao bí quyết kỹ thuật.

2.2. Điều lệ về mua bán li-xăng không điều chỉnh các quan hệ liên quan tới:

- Việc chuyển giao quyền sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp;

- Việc chuyển giao thuần tuý các bí quyết kỹ thuật mà không có kèm theo chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

2.3. Mọi hợp đồng li-xăng ký kết giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài đều phải làm thủ tục phê duyệt theo quy định tại điểm 10 Thông tư này.

Mọi hợp đồng li-xăng đều phải làm thủ tục đăng ký theo quy định tại điểm 11 Thông tư này.

3. Đối tượng li-xăng

3.1. Theo Điều 2 Điều lệ, đối tượng li-xăng là quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá đang trong thời hạn bảo hộ, có hoặc không kèm theo bí quyết kỹ thuật (các thông tin, kiến thức, số liệu, tài liệu... bí mật).

3.2. Để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên liên quan, đối tượng li-xăng phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

- Phải thực sự thuộc về bên giao;

- Quyền sở hữu công nghiệp tương ứng phải được thừa nhận tại Việt Nam và Văn bằng bảo hộ tương ứng đang còn hiệu lực.

Bí quyết kỹ thuật kèm theo phải thực sự thuộc về bên giao, thực sự cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu chuyển giao và phải đáp ứng yêu cầu đối với đối tượng này quy định trong pháp luật về chuyển giao công nghệ.

[...]