Nghị định 201-HĐBT năm 1988 về Điều lệ mua bán quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và bí quyết kỹ thuật (gọi tắt là Điều lệ về mua bán li xăng) do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 201-HĐBT
Ngày ban hành 28/12/1988
Ngày có hiệu lực 28/12/1988
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Thương mại,Sở hữu trí tuệ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 201-HĐBT

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1988

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 201-HĐBT NGÀY 28-12-1988 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ MUA BÁN QUYỀN SỬ DỤNG SÁNG CHẾ, GIẢI PHÁP HỮU ÍCH, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP, NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ VÀ BÍ QUYẾT KỸ THUẬT (GỌI TẮT LÀ ĐIỀU LỆ VỀ MUA BÁN LIXĂNG)

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 quy định nhiệm vu, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Để tăng cường công tác tổ chức và quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ về mua bán quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và bí quyết kỹ thuật (gọi tắt là Điều lệ về mua bán lixăng).

Điều 2. - Bản điều lệ này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với những quy định trong Điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3. - Bộ trưởng, các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

VỀ MUA BÁN QUYỀN SỬ DỤNG SÁNG CHẾ, GIẢI PHÁP HỮU ÍCH, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP, NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ VÀ BÍ QUYẾT KỸ THUẬT (GỌI TẮT LÀ ĐIỀU LỆ VỀ MUA BÁN LIXĂNG)
(Ban hành kèm theo Nghị định số 201-HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Điều lệ này quy định việc mua bán quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và bí quyết kỹ thuật (dưới đây gọi tắt là mua bán lixăng) áp dụng cho mọi cá nhân và pháp nhân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Các cá nhân và pháp nhân nước ngoài (dưới đây còn gọi tắt là Bên nước ngoài) cũng được quyền tiến hành các hoạt động mua bán lixăng theo đúng những quy định trong điều lệ này và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Điều 2.

1. Đối tượng lixăng là quyền sử dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá đang còn hiệu lực bảo hộ pháp lý.

2. Đối tượng lixăng cũng có thể là các kiến thức số liệu, tài liệu, thông tin kỹ thuật bí mật (dưới đây gọi tắt là bí quyết kỹ thuật), bản vẽ thiết kế, mô hình sản phẩm liên quan tới các đối tượng nêu trên cả khi văn bằng bảo hộ các đối tượng đó hết hiệu lực.

Điều 3.

1. Các cá nhân và pháp nhân (kể cả Bên nước ngoài) chỉ được phép bán các đối tượng lixăng (nêu ở Điều 2 của Điều lệ này) thuộc quyền sở hữu của mình hoặc các đối tượng lixăng trong hợp đồng lixăng độc quyền mà các cá nhân hoặc pháp nhân đó được phép bán lixăng phụ thuộc hoặc theo điểm 5, Điều 6 của Điều lệ này.

2. Đối với các sáng chế thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (đã được cấp bằng tác giả sáng chế và đang còn thời hạn hiệu lực), các pháp nhân là cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, xí nghiệp Công ty hợp doanh được cấp giấy chứng nhận sáng chế công vụ hoặc tác giả sáng chế được quyền bán lixăng cho các tổ chức kinh tế tập thể, tư nhân và được quyền bán bí quyết, kỹ thuật có liên quan tới sáng chế được cấp bằng nói trên.

3. Các cá nhân và pháp nhân Việt Nam trước khi tiến hành việc giao dịch và bán lixăng ra nước ngoài phải được Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cho phép.

Điều 4.

1. Tất cả các pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền mua lixăng (kể cả mua lixăng của nước ngoài) để phục vụ sản xuất kinh doanh của mình nếu thấy việc mua lixăng đó đưa lại hiệu quả cao hơn.

2. Nghiêm cấm việc mua lixăng để thủ tiêu hoặc hạn chế việc sử dụng đối tượng lixăng nhằm mục đích cạnh tranh phi pháp hoặc hạn chế áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

[...]