Thông tư 160/2014/TT-BQP hướng dẫn thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 160/2014/TT-BQP
Ngày ban hành 09/11/2014
Ngày có hiệu lực 24/01/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Phùng Quang Thanh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/2014/TT-BQP

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2014

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 42/2010/NĐ-CP); Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 39/2012/NĐ-CP); Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2014/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây viết gọn là Quân đội).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cá nhân, tập thể trong Quân đội và cá nhân, tổ chức ngoài Quân đội có thành tích trong công tác quân sự, quốc phòng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, gồm:

1. Đối với cá nhân:

a) Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong Quân đội;

b) Quân nhân dự bị; cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ trong thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng;

c) Cá nhân là người Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam.

2. Đối với tập thể:

a) Cơ quan, đơn vị từ cấp tiểu đội và tương đương trở lên; các tổ chức thanh niên, phụ nữ, công đoàn (sau đây gọi tắt là các tổ chức quần chúng);

b) Tổ, đội, phân xưởng, xí nghiệp, nhà máy thuộc các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng;

c) Các doanh nghiệp cổ phần hóa mà Bộ Quốc phòng sở hữu dưới 51% vốn điều lệ, có tham gia phong trào thi đua Quyết thắng trong Quân đội;

d) Các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức kinh tế; các tổ chức quốc tế ở Việt Nam; tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài; cơ quan, tổ chức nước ngoài.

Điều 3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng

1. Nguyên tắc thi đua thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật Thi đua, Khen thưởng và các quy định sau:

a) Tập thể, cá nhân tham gia phong trào thi đua phải đăng ký nội dung, chỉ tiêu thi đua. Cơ quan, đơn vị phát động phong trào thi đua có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký thi đua, tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc các tập thể, cá nhân tích cực tham gia phong trào thi đua.

b) Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào thành tích của tập thể, cá nhân đạt được trong phong trào thi đua. Không xét tặng danh hiệu thi đua đối với những tập thể, cá nhân không đăng ký thi đua.

2. Nguyên tắc khen thưởng thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Luật Thi đua, Khen thưởng; Khoản 3 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và các quy định sau:

a) Khen thưởng các hình thức, mức hạng phải phù hợp với tính chất từng loại hình thành tích, tương xứng với kết quả đạt được hoặc mức độ công lao, đóng góp, cống hiến của từng tập thể, cá nhân. Thành tích đạt được nhiều, công lao đóng góp lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng hoặc lập được thành tích trong điều kiện khó khăn, phức tạp thì được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức hạng cao hơn. Chú trọng khen thưởng cho cá nhân, tập thể trực tiếp làm nhiệm vụ và có nhiều sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

[...]