BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 16/2013/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2013
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC
HIỆN VIỆC GIA HẠN, GIẢM MỘT SỐ KHOẢN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THEO NGHỊ QUYẾT SỐ
02/NQ-CP NGÀY 07 THÁNG 01 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÁO GỠ
KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, HỖ TRỢ THỊ TRƯỜNG, GIẢI QUYẾT NỢ XẤU
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11
năm 2006;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16
tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Đất đai số 13/2003/QH 11 ngày 26 tháng 11 năm
2003;
Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03
tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12
ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của
Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ
thị trường, giải quyết nợ xấu.
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài
chính;
Theo đề nghị của Tổng
cục trưởng Tổng cục Thuế;
Bộ trưởng Bộ Tài
chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản
thu Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm
2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh
doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu như sau:
Chương I
THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
Điều 1. Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh
nghiệp
1.
Gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu
nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp quý I và 03 tháng thời hạn nộp thuế thu
nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp quý
II và quý III năm 2013 cho các đối tượng sau:
a) Doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ,
bao gồm cả chi
nhánh, đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán độc lập, hợp tác xã (sử dụng
dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian năm và có doanh thu năm không quá
20 tỷ đồng) (sau đây gọi chung là doanh nghiệp quy mô
vừa và nhỏ).
b)
Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (sử dụng trên 300 lao động) trong lĩnh
vực sản xuất, gia công, chế biến: Nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da
giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội (sau đây
gọi chung là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động).
c)
Doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở.
2.
Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ được gia hạn nộp thuế quy định tại điểm a Khoản 1
Điều này là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về lao động và
doanh thu, được xác định như sau:
a) Cách xác định tiêu chí về lao động:
Số
lao động bình quân năm (không bao gồm số lao động làm việc toàn bộ thời gian
của chi nhánh, đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán độc lập) làm căn cứ xác định
doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là tổng số lao động mà doanh nghiệp sử dụng
thường xuyên bình quân trong năm 2012 dưới 200 lao động, không kể lao động có
hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng.
Số
lao động sử dụng thường xuyên bình quân năm được xác định theo hướng dẫn tại
Thông tư số 40/2009/TT-BLĐTBXH ngày 03 tháng 12 năm 2009 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn cách tính số lao động sử dụng thường xuyên theo
quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Đối
với doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 01/01/2013 thì tổng số lao động, không
kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng là số lao động sử dụng thường
xuyên bình quân tính từ ngày thành lập đến thời điểm 31/3/2013 (nếu thành lập
trong quý I năm 2013), đến thời điểm 30/06/2013 (nếu thành lập trong quý II năm
2013), đến thời điểm 30/09/2013 (nếu thành lập trong quý III năm 2013) dưới 200
lao động.
b) Cách xác định tiêu chí về doanh
thu:
Doanh nghiệp có doanh thu tính thuế
TNDN năm 2012 không quá 20 tỷ đồng được xác định căn cứ vào chỉ tiêu
"doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ” mã số [01] trên Phụ lục kết
quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kỳ tính thuế năm 2012 (kèm theo tờ khai
quyết toán thuế TNDN số 03/TNDN của năm 2012) – Mẫu số 03-1A/TNDN (Ban hành
kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính).
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập
trong năm 2012 hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2012 không đủ 12 tháng
thì tiêu chí doanh thu năm 2012 được xác định không vượt quá 1,66 tỷ đồng nhân
với (x) số tháng hoạt động sản xuất kinh doanh của năm.
Đối với doanh
nghiệp mới thành lập năm 2013 thì doanh thu được xác định căn cứ vào chỉ tiêu
"doanh thu phát sinh trong kỳ” mã số [21] trên Tờ khai thuế thu nhập doanh
nghiệp tạm tính – Mẫu số 01A/TNDN
hoặc Mẫu số 01B/TNDN (Ban hành
kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính). Nếu doanh
nghiệp thành lập trong quý I năm 2013 thì doanh thu được xác định trên tờ khai
quý I năm 2013 không quá 1,66 tỷ đồng nhân (x) số tháng hoạt động sản xuất kinh
doanh trong quý, thành lập trong quý II năm 2013 thì doanh thu được xác định
trên tờ khai quý II năm 2013 không quá không quá 1,66 tỷ đồng nhân (x) số tháng
hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý, thành lập trong quý III năm 2013 thì
doanh thu được xác định trên tờ khai quý III năm 2013 không quá không quá 1,66
tỷ đồng nhân (x) số tháng hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý.
c)
Trường hợp doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công
ty con mà các công ty này đáp ứng tiêu chí về lao động (sử dụng dưới 200 lao
động làm việc toàn bộ thời gian) và có doanh thu năm 2012 không quá 20 tỷ đồng
và không kinh doanh trong các lĩnh vực không được gia hạn nộp thuế thì thuộc
đối tượng được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
d)
Không áp dụng gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại điểm a Khoản
1 Điều này đối với các đối tượng sau đây:
- Doanh nghiệp hoạt
động trong các lĩnh vực: Tài chính; ngân hàng; bảo hiểm; chứng khoán; xổ số;
trò chơi có thưởng; kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ
đặc biệt.
Trường hợp doanh
nghiệp có quy mô vừa và nhỏ không kinh doanh trong các lĩnh vực: tài chính, ngân
hàng nếu trong kỳ có thu nhập khác từ hoạt động kinh doanh tài chính như: lãi
tiền gửi ngân hàng, lãi cho vay thì được gia hạn nộp thuế bao gồm cả các khoản
thu nhập nêu trên của doanh nghiệp.
- Tổ chức kinh tế là đơn vị sự nghiệp.
3. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (bao gồm
cả số lao động của chi nhánh và đơn vị trực thuộc) trong các lĩnh vực được gia
hạn nộp thuế hướng dẫn tại điểm b Khoản 1 Điều này gồm:
a)
Doanh nghiệp có tổng số lao động sử
dụng thường xuyên bình quân năm 2012 trên 300 người, không kể lao động có hợp
đồng ngắn hạn dưới 3 tháng đối với doanh nghiệp thành lập trước ngày 01/01/2013.
Số
lao động sử dụng thường xuyên bình quân năm được xác định theo hướng dẫn
tại Thông tư số 40/2009/TT-BLĐTBXH ngày 03 tháng 12 năm 2009 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn cách tính số lao động sử dụng thường xuyên theo
quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Đối
với doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 01/01/2013 thì tổng số lao động, không
kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng là số lao động sử dụng thường
xuyên bình quân tính từ ngày thành lập đến thời điểm 31/3/2013 (nếu thành lập
trong quý I năm 2013), đến thời điểm 30/06/2013 (nếu thành lập trong quý II năm
2013), đến thời điểm 30/09/2013 (nếu thành lập trong quý III năm 2013) trên 300
lao động.
Trường
hợp doanh nghiệp tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì số lao động
làm căn cứ xác định công ty mẹ thuộc đối tượng gia hạn nộp thuế không bao gồm
số lao động của công ty con và ngược lại.
b)
Số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế là số thuế tính trên thu
nhập của hoạt động sản xuất, gia công, chế biến: Nông sản, lâm sản, thuỷ sản,
dệt may, da giày, linh kiện điện tử và từ hoạt động xây dựng các công trình hạ
tầng kinh tế - xã hội.
c) Hoạt động sản xuất, gia công, chế biến: Nông
sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày (bao gồm cả giày da, dép da các loại),
linh kiện điện tử được xác định căn cứ theo quy định tại Hệ thống ngành kinh tế
Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm
2007 của Thủ tướng Chính phủ.
d)
Hoạt động xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bao gồm thi công, xây
dựng, lắp đặt: Nhà máy nước, nhà máy điện, công trình truyền tải, phân phối điện;
hệ thống cấp thoát nước; đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng
sông; sân bay, nhà ga, bến xe; xây dựng trường học, bệnh viện, nhà văn hoá, rạp
chiếu phim, cơ sở biểu diễn nghệ thuật, cơ sở luyện tập, thi đấu thể thao; hệ
thống xử lý nước thải, chất thải rắn; công trình thông tin liên lạc, công trình
thuỷ lợi phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp.
4.
Doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở được gia
hạn nộp thuế đối với số thuế tính trên thu nhập từ hoạt động đầu tư – kinh
doanh nhà ở, không phân biệt quy mô doanh nghiệp và số lao động sử dụng.
Điều
2. Xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn
1.
Số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp quý I, quý II và quý
III năm 2013 của doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế là số thuế
thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý I, quý II và quý III năm 2013.
2.
Số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế được xác định theo kết quả
hạch toán kinh doanh của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp hạch toán riêng được thu
nhập từ hoạt động kinh doanh được gia hạn nộp thuế.
3.
Trường hợp doanh nghiệp vừa có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được
gia hạn nộp thuế vừa có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không được
gia hạn nộp thuế thì phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động kinh doanh được
gia hạn nộp thuế và hoạt động kinh doanh không được gia hạn nộp thuế để kê khai
nộp thuế riêng. Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế thu nhập
doanh nghiệp tạm tính quý I, quý II, quý III của các hoạt động sản xuất, kinh
doanh được gia hạn xác định theo tỷ lệ giữa tổng doanh thu của các hoạt động
sản xuất, kinh doanh được gia hạn với tổng doanh thu thực hiện của doanh
nghiệp.
Điều 3. Thời gian gia hạn nộp thuế thu nhập
doanh nghiệp
Doanh nghiệp
thực hiện kê khai số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý năm 2013 theo
quy định của Luật Quản lý thuế. Thời gian gia hạn nộp thuế là 06 tháng kể từ
ngày hết thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh
nghiệp phát sinh phải nộp quý I năm 2013 và 03 tháng kể từ ngày hết thời hạn
nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải
nộp quý II năm 2013 và quý III năm 2013 theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Trường hợp doanh nghiệp áp dụng kỳ tính thuế theo năm dương lịch thì thời gian
gia hạn nộp thuế cụ thể như sau:
1. Thời gian
gia hạn nộp thuế đối với số thuế tính tạm nộp của quý I năm 2013 được gia hạn
nộp thuế chậm nhất đến ngày 30 tháng 10 năm 2013.
2. Thời gian
gia hạn nộp thuế đối với số thuế tính tạm nộp của quý II năm 2013 được gia hạn
nộp thuế chậm nhất đến ngày 30 tháng 10 năm 2013.
3.
Thời gian gia hạn nộp thuế đối với số thuế tính tạm nộp của quý III năm 2013
được gia hạn nộp thuế chậm nhất đến ngày 30 tháng 01 năm 2014.
4.
Trường hợp ngày nộp thuế quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này
là các ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì thời gian gia hạn nộp thuế
được tính vào ngày làm việc tiếp theo.
Điều 4. Điều kiện, trình tự và thủ tục gia
hạn nộp thuế
1.
Doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 1
Thông tư này là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt
Nam; thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và
nộp thuế theo kê khai.
2. Doanh nghiệp thuộc đối tượng được
gia hạn theo quy định tại Điều 1 Thông tư này phải lập Phụ
lục số 1 (ban hành kèm theo Thông tư này) và gửi đến cơ quan thuế quản lý
trực tiếp kèm theo tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý được
gia hạn, trong đó xác định rõ: Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia
hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia
hạn nộp thuế.
3. Trong thời
gian được gia hạn nộp thuế, doanh nghiệp không bị coi là vi phạm chậm nộp thuế
và không bị phạt về hành vi chậm nộp tiền thuế đối với số thuế được gia hạn.
Chương II
THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
Điều 5. Gia
hạn nộp thuế giá trị gia tăng
1. Gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế
giá trị gia tăng (GTGT) đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của tháng 1,
tháng 2, tháng 3 năm 2013 (không bao gồm thuế GTGT ở khâu nhập khẩu) đối với
các doanh nghiệp đang thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuộc
các đối tượng sau đây:
a) Doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ,
bao gồm cả hợp tác xã (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và
có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng), không bao gồm doanh nghiệp hoạt động
trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số, trò
chơi có thưởng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc
biệt (sau đây gọi chung là doanh nghiệp quy mô vừa và
nhỏ).
b) Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động
(sử dụng trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông
sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công
trình hạ tầng kinh tế - xã hội (sau đây gọi chung là doanh nghiệp sử dụng nhiều
lao động).
c) Doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh
(bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở và doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng: sắt,
thép, xi măng, gạch, ngói.
2. Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ quy
định tại điểm a Khoản 1 Điều này là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về
lao động và doanh thu được xác định như sau:
a) Cách xác định tiêu chí về lao động:
Số lao động bình quân năm (không bao
gồm số lao động làm việc toàn bộ thời gian của chi nhánh, đơn vị trực thuộc
nhưng hạch toán độc lập) làm căn cứ xác định doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là
tổng số lao động mà doanh nghiệp sử dụng thường xuyên bình quân trong năm 2012
dưới 200 lao động, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng.
Số lao động sử dụng thường xuyên bình
quân năm được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư số 40/2009/TT-BLĐTBXH ngày
03 tháng 12 năm 2009 của Bộ Lao động thương binh và Xã hội hướng dẫn cách tính
số lao động sử dụng thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP
ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Đầu tư.
Đối với doanh nghiệp mới thành lập từ
ngày 01/01/2013 thì tổng số lao động, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới
3 tháng, được tính từ ngày thành lập đến thời điểm 31/01/2013 (nếu thành lập
trong tháng 01 năm 2013), đến thời điểm 28/02/2013 (nếu thành lập trong tháng 02/2013),
đến thời điểm 31/3/2013 (nếu thành lập trong tháng 3/2013).
b) Cách xác định tiêu chí về doanh
thu:
Doanh nghiệp có doanh thu năm 2012
không quá 20 tỷ đồng được xác định căn cứ vào tổng cộng chỉ tiêu [34] (Tổng
doanh thu của HHDV bán ra, bao gồm cả doanh thu chịu thuế và không chịu thuế
GTGT) trên Tờ khai thuế GTGT hàng tháng (mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo
Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011) từ tháng 01 đến hết tháng 12 năm
2012.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập
trong năm 2012 hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2012 không đủ 12 tháng
hoặc doanh nghiệp mới thành lập vào các tháng 01, tháng 02, tháng 3 năm 2013 thì
tiêu chí doanh thu được xác định như sau: Tổng cộng chỉ tiêu [34] (Tổng doanh
thu của HHDV bán ra, bao gồm cả doanh thu chịu thuế và không chịu thuế GTGT)
trên Tờ khai thuế GTGT của các tháng hoạt động sản xuất kinh doanh không vượt
quá 1,66 tỷ đồng nhân với (x) số tháng hoạt động sản xuất kinh doanh.
c) Trường hợp doanh nghiệp được xác
định là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có các Chi nhánh, đơn vị trực thuộc ở
địa phương cấp tỉnh khác nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính (không bao gồm đơn
vị có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh khai thuế GTGT
tạm tính theo tỷ lệ 1%, 2%) thực hiện khai thuế GTGT riêng với cơ quan thuế
quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các Chi nhánh, đơn vị
trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT.
Doanh nghiệp lập danh sách chi nhánh,
đơn vị trực thuộc (trong đó ghi rõ tên, địa chỉ, mã số thuế, số lao động và
lĩnh vực hoạt động của từng chi nhánh) và thông báo danh sách cho cơ quan thuế
quản lý trực tiếp chi nhánh, đơn vị trực thuộc. Doanh nghiệp phải chịu trách
nhiệm trước pháp luật về tính chính xác đối với danh sách Chi nhánh, đơn vị
trực thuộc đã gửi cơ quan thuế.
d) Không áp dụng gia hạn 06 tháng thời
hạn nộp thuế GTGT đối với các đối tượng sau đây:
d.1) Doanh nghiệp hoạt động trong các
lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số, trò chơi có
thưởng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
d.2) Tổ chức kinh tế là đơn vị sự nghiệp.
3. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động
(sử dụng trên 300 lao động) (bao gồm cả số lao động của chi nhánh và đơn vị
trực thuộc) trong các lĩnh vực được gia hạn nộp thuế GTGT hướng dẫn tại điểm b Khoản
1 Điều này gồm:
a) Doanh nghiệp có tổng số lao động sử dụng thường xuyên
bình quân năm 2012 trên 300 người, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới
3 tháng đối với doanh nghiệp thành lập trước ngày 01/01/2013.
Đối với doanh nghiệp mới thành lập từ
ngày 01/01/2013 thì tổng số lao động, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn
dưới 3 tháng, được tính từ ngày thành lập đến thời điểm 31/01/2013 (nếu thành
lập trong tháng 01 năm 2013), đến thời điểm 28/02/2013 (nếu thành lập trước
tháng 02/2013), đến thời điểm 31/3/2013 (nếu thành lập trước tháng 3/2013).
Hoạt động sản xuất, gia công, chế biến: Nông sản, lâm
sản, thủy sản, dệt may, da giày (bao gồm cả giày da, dép da các loại), linh
kiện điện tử quy
định tại điểm b Khoản 1 Điều này được xác
định căn cứ theo quy định tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo
Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Hoạt động xây dựng công trình hạ tầng
kinh tế - xã hội quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này bao gồm thi công, xây
dựng, lắp đặt: nhà máy nước, nhà máy điện, công trình truyền tải, phân phối
điện; hệ thống cấp thoát nước; đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển,
cảng sông; sân bay, nhà ga, bến xe; xây dựng trường học, bệnh viện, nhà văn
hoá, rạp chiếu phim, cơ sở biểu diễn nghệ thuật, cơ sở tập luyện, thi đấu thể
thao; hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn; công trình thông tin liên lạc,
công trình thuỷ lợi phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp.
b) Trường hợp doanh nghiệp sử dụng
nhiều lao động có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực không được gia
hạn thì số thuế GTGT được gia hạn xác định như sau:
Thuế GTGT được gia
hạn của tháng
|
=
|
Số thuế GTGT phải
nộp theo Tờ khai của tháng được gia hạn
|
x
|
Doanh thu chịu thuế GTGT của lĩnh vực được gia hạn
trong tháng
|
Tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT
trong tháng
|
c) Chi nhánh, đơn vị
trực thuộc của doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong các lĩnh vực ở địa
phương cấp tỉnh khác nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thực hiện khai thuế
GTGT riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc
được gia hạn nộp thuế GTGT (không bao gồm đơn vị có hoạt động xây dựng, lắp
đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh khai thuế GTGT tạm tính theo tỷ lệ 1%, 2% )
nếu chi nhánh, đơn vị trực thuộc có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh
vực được gia hạn.
Trường hợp chi nhánh,
đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc
lĩnh vực được gia hạn thì không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT.
Doanh nghiệp lập danh
sách chi nhánh, đơn vị trực thuộc (trong đó ghi rõ tên, địa chỉ, mã số thuế, số
lao động và lĩnh vực hoạt động của từng chi nhánh) và thông báo danh sách cho
cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh, đơn vị trực thuộc. Doanh nghiệp phải
chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của danh sách Chi nhánh, đơn
vị trực thuộc đã gửi cơ quan thuế.
4. Doanh
nghiệp đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở và doanh nghiệp
sản xuất các mặt hàng: sắt, thép, xi măng, gạch, ngói (không phân biệt theo quy
mô doanh nghiệp và số lao động) được gia hạn nộp thuế GTGT hướng dẫn tại điểm c
Khoản 1 Điều này được xác định như sau:
a) Số thuế GTGT được
gia hạn là số thuế GTGT phải nộp đối với sản phẩm là nhà ở, sắt, thép, xi măng,
gạch, ngói.
Trường hợp doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản
xuất, kinh doanh ngoài các sản phẩm được gia hạn thì số thuế GTGT được gia hạn
của tháng được xác định như sau:
Thuế GTGT được gia hạn
|
=
|
Số thuế GTGT phát sinh phải nộp trên Tờ khai
của tháng được gia hạn
|
x
|
Doanh thu chịu thuế GTGT của sản
phẩm là nhà ở, sắt, thép, xi măng, gạch, ngói
|
Tổng doanh thu hàng hóa, dịch
vụ chịu thuế GTGT
|
b) Chi nhánh, đơn vị
trực thuộc của doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê
mua) nhà ở và doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng: sắt, thép, xi măng, gạch,
ngói ở địa phương cấp tỉnh khác nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thực hiện
khai thuế GTGT riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị
trực thuộc cũng xác định theo hướng dẫn tại điểm a Khoản này để xác định số
thuế GTGT phải nộp phát sinh đối với sản phẩm là nhà ở, sắt, thép, xi măng,
gạch, ngói.
5. Một số hướng dẫn
khác
a) Các doanh nghiệp
thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại Điều này thực
hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế GTGT tháng 01, tháng 02, tháng 3 năm 2013 theo
quy định nhưng chưa phải nộp ngay số thuế GTGT phải nộp phát sinh trên Tờ khai
thuế GTGT đã kê khai.
- Thời hạn nộp thuế
GTGT tháng 01 năm 2013 chậm nhất là ngày 20/8/2013.
- Thời hạn nộp thuế
GTGT tháng 02 năm 2013 chậm nhất là ngày 20/9/2013.
- Thời hạn nộp thuế
GTGT tháng 3 năm 2013 chậm nhất là ngày 21/10/2013.
b) Doanh nghiệp tự
xác định thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT, số thuế GTGT được gia hạn,
kê khai vào Phụ lục 2 (ban hành kèm theo Thông tư
này) và gửi cùng Tờ khai thuế GTGT của tháng được gia hạn.
Trường hợp doanh
nghiệp đã nộp Tờ khai thuế GTGT tháng 01, tháng 02, tháng 3 năm 2013 nhưng chưa
lập Phụ lục 2 nêu trên thì lập và gửi bổ sung cho
cơ quan thuế. Trong thời gian được gia hạn nộp thuế, đơn vị không bị xử phạt
chậm nộp tiền thuế.
c) Doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế
GTGT theo hướng dẫn tại Điều này nếu đã kê khai, nộp thuế đối với số thuế GTGT
phát sinh phải nộp của tháng 01 năm 2013 thì thực hiện kê khai bổ sung điều
chỉnh. Sau khi kê khai điều chỉnh nếu có số thuế nộp thừa được bù trừ vào số
thuế GTGT phải nộp của hoạt động khác hoặc số thuế GTGT phải nộp của kỳ tính
thuế tiếp theo hoặc đề nghị hoàn thuế theo quy định.
Chương III
TIỀN THUÊ ĐẤT VÀ TIỀN SỬ DỤNG
ĐẤT
Điều 6.
Giảm tiền thuê đất
1.
Đối tượng áp dụng
a) Tổ chức kinh tế (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp có thu, hợp tác xã),
hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm từ trước
ngày 31/12/2010, sử dụng đất đúng mục đích,
trong năm 2011 thuộc diện phải điều
chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2010 của
Chính phủ và số tiền thuê đất phát sinh năm 2013, năm 2014 tăng hơn 02 lần so
với số tiền thuê đất phát sinh năm 2010.
Số
tiền thuê đất làm căn cứ xem xét giảm theo Nghị quyết số 02/NQ-CP và quy định
tại Thông tư này là số tiền thuê đất phát sinh trong năm chưa trừ tiền bồi
thường, hỗ trợ được trừ vào tiền thuê đất phải nộp theo quy định của pháp luật.
b)
Các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân quy định tại điểm a Khoản này trong
năm 2013, năm 2014 được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định khác mà
số tiền thuê đất còn phải nộp sau khi đã trừ số tiền được giảm theo quy định
khác đó lớn hơn 02 lần số tiền thuê đất phải nộp của năm 2010 thì cũng được
giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2013, năm 2014 theo quy định tại Thông tư này.
c) Các tổ chức kinh tế thuộc đối tượng được
giảm tiền thuê đất năm 2012 theo Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011 của
Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 83/2012/TT-BTC ngày 23/5/2012 của Bộ Tài
chính nhưng chưa được giải quyết do chưa đáp úng quy định về thủ tục, hồ sơ
theo Thông tư số 83/2012/TT-BTC.
Các trường hợp này
cũng được tiếp tục xem xét giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 khi có văn
bản gửi tới cơ quan quản lý thuế trực tiếp theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều này.
d)
Các trường hợp sử dụng đất thuê của nhà nước từ trước ngày 31/12/2010 nhưng
chưa có đầy đủ các giấy tờ thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai,
không vi phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý sử dụng đất đai, tiền thuê
đất phải nộp năm 2010 được cơ quan thuế tạm tính theo đơn giá thu tiền thuê đất
quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2010 của
Chính phủ và năm 2011 được tính theo đơn giá thu tiền
thuê đất quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 03/12/2010
của Chính phủ, nếu số tiền thuê đất phải nộp tạm tính năm 2013, năm 2014 lớn
hơn 02 lần số tiền thuê đất phải nộp của năm 2010.
2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều
này được giảm 50% (năm mươi phần trăm) số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm
2013, năm 2014. Trường hợp sau khi được giảm mà số tiền thuê đất phải nộp năm
2013, năm 2014 vẫn lớn hơn 02 lần số tiền thuê đất phải nộp của năm 2010 thì
được tiếp tục giảm đến mức số tiền thuê đất phải nộp năm 2013, năm 2014 bằng 02
lần số phải nộp của năm 2010.
3.
Trình tự, thủ tục và thẩm quyền giảm tiền thuê đất được thực hiện như sau:
a) Các tổ
chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được giảm tiền thuê đất theo Khoản
1 Điều này phải có văn bản đề nghị giảm tiền thuê đất gửi tới cơ quan quản lý thuế trực tiếp để
làm thủ tục xét giảm, trong đó phải đầy đủ
các thông tin theo mẫu quy định tại
Phụ lục số 3 ban hành
kèm theo Thông tư này.
b)
Căn cứ đề nghị của người được nhà nước cho thuê đất, cơ quan
quản lý thuế trực tiếp kiểm tra hồ sơ, lập danh sách, lấy
ý kiến Sở Tài chính, cơ quan tài nguyên môi trường cùng cấp và trình UBND
cùng cấp phê duyệt; Trên cơ sở đó ban hành quyết định giảm tiền thuê đất theo
thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày
14/11/2005 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Đối
với các trường hợp sử dụng đất thuê của nhà nước nhưng chưa có đầy đủ các giấy
tờ thuê đất theo quy định, số tiền thuê đất phải nộp của đơn vị đang được cơ
quan thuế tạm tính thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh số phải nộp (số tạm
tính) của năm 2013, năm 2014 và phát hành Thông báo nộp tiền thuê đất theo mức
bằng 02 lần số tiền thuê đất phải nộp năm 2010. Khi đơn vị hoàn tất thủ tục về thuê đất theo quy định thì cơ quan thuế
ban hành quyết định giảm tiền thuê đất; Số tiền thuê đất được giảm ghi trên
quyết định là số tiền thuê đất đã xác định tạm giảm theo quy định tại Thông tư
này.
c) Trong thời gian đã
nộp hồ sơ tới cơ quan thuế mà chưa có ý kiến phê duyệt của UBND cấp tỉnh (đối
với các tổ chức kinh tế) và UBND cấp huyện (đối với các hộ gia đình, cá nhân),
các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuộc các trường hợp quy định tại Khoản
1 Điều này được tạm nộp tiền thuê đất theo mức bằng số tiền thuê đất phải nộp
năm 2010.
Điều 7.
Tiền sử dụng đất
1.
Các dự án sử dụng đất vào mục đích xây nhà để bán, để cho thuê, kinh doanh kết
cấu hạ tầng để chuyển nhượng theo hình thức nhà nước giao đất có thu tiền sử
dụng đất mà chủ đầu tư đã được bàn giao đất để thực hiện nhưng chưa hoàn thành
nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất (SDĐ) do có khó khăn về tài chính, cụ
thể là: kết quả tài chính tính đến 31/12/2012 mà lỗ hoặc chi phí của doanh
nghiệp lớn hơn doanh thu do giá trị hàng tồn kho quá lớn hoặc doanh nghiệp đã phát
sinh chi phí đầu tư lớn nhưng chưa có doanh thu do chưa bán được hàng thì được
nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày phải nộp tiền sử dụng
đất thông báo lần đầu của cơ quan thuế hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền và không bị tính phạt chậm nộp trong thời gian này.
2. Chủ đầu tư của các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền
sử dụng đất (SDĐ) do có khó khăn về tài chính quy định tại khoản 1 Điều này
phải có văn bản đề nghị kèm theo các giấy tờ có liên quan đến các thông tin nêu
trong văn bản gửi tới cơ quan quản lý thuế -
nơi đơn vị kê khai nộp thuế TNDN theo mẫu tại Phụ lục số 04
ban hành kèm theo Thông tư này; Căn cứ hồ sơ nhận
được, cơ quan thuế lập danh sách gửi lấy ý kiến Sở Tài chính, Sở Xây dựng và
báo cáo UBND cấp tỉnh để UBND cấp tỉnh thông qua Thường trực HĐND xem xét trước
khi quyết định trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách địa phương.
Các trường hợp này,
khi kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý, chủ đầu tư dự án phải
thực hiện kê khai nộp tiền sử dụng đất tương ứng với thu nhập đã kê khai theo
mẫu quy định tại Phụ lục số 05 ban hành theo Thông
tư này. Số tiền SDĐ phải nộp là số tiền được xác định tương ứng với số tiền thu
SDĐ chủ đầu tư dự án đã thu được theo các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản
đã ký; Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không xác định rõ khoản thu SDĐ thì
thu theo tỷ trọng tổng doanh thu SDĐ phải nộp NSNN trên tổng doanh thu bán hàng
về hoạt động chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp.
3. Đối với các dự án
hiện nay đang trong thời gian được nộp theo tiến độ thực hiện dự án theo quy
định tại Nghị quyết 33/2008/NQ-CP và Thông tư số 192/2009/TT-BTC ngày 01/10/2009
của Bộ Tài chính và các dự án đang trong thời gian được gia hạn nộp tiền SDĐ
theo quy định tại Nghị quyết số 13/2012/NQ-CP và Thông tư số 83/2012/TT-BTC
ngày 23/5/2012 của Bộ Tài chính thì xử lý như sau:
- Trường hợp dự án mà
thời gian tính từ ngày phải nộp tiền SDĐ theo thông báo nộp tiền SDĐ lần đầu
của cơ quan thuế hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến này phải
nộp tiền SDĐ theo các quyết định giãn nộp, gia hạn nộp của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền chưa đủ 24 tháng thì số tiền SDĐ phát sinh còn phải nộp (nếu có)
được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này cho thời gian còn lại.
- Trường hợp dự án mà
thời gian tính từ ngày phải nộp tiền SDĐ theo thông báo nộp tiền SDĐ lần đầu
của cơ quan thuế hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến thời điểm
phải nộp tiền SDĐ theo các quyết định giãn nộp, gia hạn nộp của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền đã quá 24 tháng thì phải nộp ngay số tiền SDĐ phát sinh còn
phải nộp (nếu có) và bị xử phạt chậm nộp theo quy định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Thông
tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 03 năm
2013.
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện đúng
theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm phổ
biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo nội dung Thông tư này.
3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng điều chỉnh
của Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Trong
quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp
thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.
Nơi
nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Văn phòng BCĐ phòng chống tham nhũng trung ương;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ,
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân,
Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính; Website Tổng cục Thuế;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCT (VT, CS).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN
BẢN
|