Thông tư 153/1998/TT/BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 68/1998NĐ-CP thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi) do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 153/1998/TT/BTC
Ngày ban hành 26/11/1998
Ngày có hiệu lực 18/09/1998
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 153/1998/TT/BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1998

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 153/1998/TT-BTC NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/1998/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 9 NĂM 1998 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH THUẾ TÀI NGUYÊN (SỬA ĐỔI)

Thi hành Pháp lệnh thuế Tài nguyên (sửa đổi) do UBTV Quốc hội ban hành ngày 16/04/1998 và Nghị định số 68/1998/NĐ-CP ngày 03/09/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi), Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I - ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ VÀ ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ:

1- Mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, bao gồm: Doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Hợp tác xã, Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hộ sản xuất kinh doanh, các tổ chức và cá nhân khác, không phân biệt ngành nghề, quy mô hình thức hoạt động, có khai thác tài nguyên thiên nhiên theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam đều phải đăng ký, kê khai và nộp thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh Thuế tài nguyên (sửa đổi), trừ các trường hợp nêu tại điểm 5, Mục 1 Thông tư này.

2- Tài nguyên thiên nhiên thuộc diện chịu thuế là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm:

a- Khoáng sản kim loại: Gồm khoáng sản kim loại đen (sắt, man gan, ti tan...) và khoáng sản kim loại màu (vàng, đất hiếm, bạch kim, thiếc, won fram, đồng, chì, kẽm nhôm...).

b- Khoáng sản không kim loại, bao gồm: đất làm gạch, đất khai thác san lấp, xây dựng công trình, đất khai thác sử dụng cho các mục đích khác; đá, cát, sỏi; than; đá quý,... nước khoáng, nước nóng thiên nhiên thuộc đối tượng quy định tại Luật Khoáng sản;

c- Dầu mỏ: là dầu thô được quy định tại khoản 2, Điều 3 Luật Dầu khí;

d- Khí đốt: là khí thiên nhiên quy định tại khoản 3, Điều 3 Luật Dầu khí;

đ- Sản phẩm của rừng tự nhiên, gồm: gỗ (kể cả cành, ngọn, củi, gốc, rễ...), tre, nứa, giang, vầu; các loại dược liệu... và các loại thực vật, động vật được phép khai thác là sản phẩm của rừng tự nhiên;

e- Thủy sản tự nhiên: Các loại động vật, thực vật tự nhiên ở biển, sông, ngòi, hồ, ao, đầm... thiên nhiên.

g- Nước thiên nhiên gồm: Nước mặt, nước dưới lòng đất, trừ nước nóng, nước khoáng thiên nhiên thuộc nhóm b nêu trên.

h- Tài nguyên thiên nhiên khác: Gồm các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc các nhóm trên.

Mọi trường hợp cố ý tiến hành khai thác các loại tài nguyên cấm khai thác đều bị xử lý theo Pháp luật hiện hành. Khi kiểm tra phát hiện những vụ việc vi phạm, cơ quan thuế phải thông báo và phối hợp với cơ quan có chức năng để tiến hành xử lý theo thẩm quyền.

Trường hợp tài nguyên thiên nhiên cấm khai thác bị bắt giữ, tịch thu và được phép bán ra thì tổ chức được giao bán phải tính đầy đủ thuế tài nguyên trong giá bán và nộp vào Ngân sách.

4- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng đang trả tiền tài nguyên hay nộp thuế tài nguyên theo mức cụ thể đã quy định trong Giấy phép đầu tư cấp trước ngày 01/06/1998 thì tiếp tục được trả tiền tài nguyên hay nộp thuế tài nguyên theo quy định đó cho đến hết thời hạn của Giấy phép được cấp, sau đó phải thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này nếu được gia hạn giấy phép đầu tư.

5- Theo quy định tại Điều 3, Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi) và Điều 3, Nghị định số 68/1998/NĐ-CP ngày 03/09/1998 của Chính phủ, trường hợp doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà Bên Việt Nam góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên được ghi trong Giấy phép đầu tư thì doanh nghiệp liên doanh không phải nộp thuế tài nguyên đối với số tài nguyên mà Bên Việt Nam dùng để góp vốn pháp định. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng, Bên Việt Nam phải kê khai số tài nguyên phát sinh đã góp vốn, báo cáo Bộ Tài chính để ghi vốn Ngân sách Nhà nước và quản lý vốn theo chế độ hiện hành.

6- Trường hợp doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và hợp đồng chia sản phẩm, thì thuế tài nguyên phải nộp của doanh nghiệp liên doanh hay của Bên nước ngoài phải được xác định trong hợp đồng liên doanh và tính vào phần sản phẩm chia cho Bên Việt Nam. Khi chia sản phẩm, Bên Việt Nam có trách nhiệm nộp thuế tài nguyên vào Ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách.

II - CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ TÀI NGUYÊN:

Số thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ nộp thuế được tính như sau:

Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ

=

Sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác

x

Giá tính thuế đơn vị tài nguyên

x

Thuế suất

-

Số thuế tài nguyên được miễn, giảm (nếu có)

1- Sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác: Là số lượng, trọng lượng hay khối lượng của tài nguyên khai thác thực tế trong kỳ nộp thuế, không phụ thuộc vào hiện trạng và mục đích khai thác tài nguyên (để bán ngay, đem trao đổi, tiêu dùng nội bộ, dự trữ đưa vào sản xuất tiếp theo...).

- Đối với loại tài nguyên không thể xác định được số lượng, trọng lượng hay khối lượng thực tế khai thác do chứa nhiều chất khác nhau, hàm lượng tạp chất lớn, thì thuế tài nguyên được tính trên số lượng, trọng lượng hay khối lượng từng chất thu được do sàng tuyển, phân loại.

Ví dụ: Một Công ty trong kỳ nộp thuế phải sàng tuyển hàng nghìn m3 đất, đá, nước (không thể xác định được số lượng), để thu được 2 kg vàng cốm, 100 tấn quặng sắt... thì thuế tài nguyên được tính trên số lượng vàng cốm và quặng sắt này.

- Trường hợp khai thác thủ công, phân tán hoặc khai thác lưu động, không thường xuyên, khó khăn trong việc quản lý thì có thể thực hiện khoán số lượng tài nguyên khai thác theo mùa vụ hoặc định kỳ. Cơ quan thuế phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành để ấn định số lượng tài nguyên thực tế khai thác được khoán.

Cũng trong trường hợp nêu trên, nếu loại tài nguyên khai thác được tập trung vào đầu mối thu mua và được cơ sở thu mua cam kết chấp thuận thì Cục Thuế tỉnh, thành phố có thể quyết định (bằng văn bản) để tổ chức, cá nhân thu mua tài nguyên nộp thay thuế tài nguyên cho người khai thác.

2- Giá tính thuế: Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 68/1998/NĐ-CP ngày 03/09/1998 của Chính phủ; Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị của tài nguyên tại nơi khai thác tài nguyên và được xác định cụ thể trong từng trường hợp như sau:

[...]