Thông tư 15/2009/TT-BGTVT về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 15/2009/TT-BGTVT
Ngày ban hành 04/08/2009
Ngày có hiệu lực 18/09/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 15/2009/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ GIẢI QUYẾT SỰ CỐ, TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nguyên tắc, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trình tự, nội dung, biện pháp giải quyết, công tác phân tích, chế độ thống kê, báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải đường sắt trên hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tai nạn giao thông đường sắt là việc phương tiện giao thông đường sắt xảy ra đâm nhau, trật bánh, đổ tàu, đâm, va vào người, phương tiện giao thông khác và ngược lại hoặc phương tiện giao thông đường sắt đang hoạt động đâm, va vào chướng ngại vật gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc gây thiệt hại về tài sản.

2. Người bị thương trong vụ tai nạn giao thông đường sắt là người bị tổn thương về sức khỏe, bị ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường do ảnh hưởng trực tiếp của tai nạn giao thông.

3. Người bị chết trong vụ tai nạn giao thông đường sắt là người bị chết tại hiện trường vụ tai nạn; người bị thương trong vụ tai nạn được cấp cứu nhưng chết tại bệnh viện, tại nhà hoặc trên đường đi cấp cứu.

4. Sự cố giao thông đường sắt là những vụ việc xảy ra trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt gây trở ngại đến chạy tàu nhưng chưa xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

5. Trung tâm điều hành vận tải đường sắt là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, có nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ hoạt động chạy tàu trên hệ thống đường sắt quốc gia hoặc là đơn vị trực thuộc doanh nghiệp quản lý, khai thác đường sắt chuyên dùng, có nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ hoạt động chạy tàu trên đoạn đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

Điều 4. Nguyên tắc giải quyết tai nạn giao thông đường sắt

1. Việc giải quyết tai nạn giao thông đường sắt phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, nhanh chóng và kịp thời.

2. Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đường sắt phải có trách nhiệm phối hợp giải quyết.

3. Tổ chức cứu chữa ngay đối với người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người bị nạn.

4. Thông tin, báo cáo kịp thời về vụ tai nạn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

5. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường sắt phải đến ngay hiện trường để giải quyết; không được gây trở ngại cho việc khôi phục đường sắt và hoạt động giao thông vận tải đường sắt sau khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

6. Chủ tịch Hội đồng giải quyết tai nạn giao thông đường sắt (sau đây gọi tắt là Chủ tịch Hội đồng) hoặc người chủ trì giải quyết tai nạn được quyền huy động mọi nguồn lực tại chỗ, kể cả các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt khác để phục vụ cho công tác cứu chữa tai nạn giao thông đường sắt.

7. Tổ chức khôi phục hoạt động giao thông đường sắt nhanh nhất và không gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Điều 5. Nguyên tắc giải quyết sự cố giao thông đường sắt

1. Các sự cố giao thông đường sắt phải được lập biên bản.

2. Khi sự cố giao thông đường sắt xảy ra ở khu gian, việc lập biên bản do trưởng tàu hoặc lái tàu (nếu tàu không có trưởng tàu) thực hiện. Trường hợp sự cố giao thông đường sắt xảy ra trong phạm vi ga, việc lập biên bản do trực ban chạy tàu hoặc trưởng ga thực hiện.

[...]