Thông tư 147-TT/GTVT-1983 hướng dẫn thi hành Nghị định 10-HĐBT 1982 quy định việc phân loại đầu tư vốn và phân cấp quản lý các hệ thống đường bộ do Bộ giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 147-TT/GTVT
Ngày ban hành 30/07/1983
Ngày có hiệu lực 30/07/1983
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Đình Doãn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 147-TT/GTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 1983

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 147-TT/GTVT  NGÀY 30-7-1983 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 10-HĐBT NGÀY 20 1-1982 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG.

Ngày 20 tháng 1 năm 1982 Hội đồng bộ trưởng đã ra nghị định số 10-HĐBT quy định việc phân loại đầu tư vốn và phân cấp quản lý các hệ thống đường bộ. Căn cứ vào điều 11 của nghị định, Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư hướng dẫn thi hành như sau:

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Hiện nay mạng lưới đường bộ đã được mở rộng và không ngừng phát triển. Để nâng cao chất lượng đường sá và phù hợp với sự phân cấp quản lý của các cấp chính quyền. Hội đồng bộ trưởng đã quy định lại việc phân loại đầu tư vốn và phân cấp quản lý các hệ thống đường bộ, áp dụng thống nhất trong cả nước.

Mạng lưới đường bộ là một thể thống nhất, bao gồm các đường xe cơ giới và đường xe thô sơ; trong đó đối với đường ô-tô có sáu hệ thống. Mỗi hệ thống đường có tác dụng phục vụ ở những mức độ khác nhau trong một địa phương hay nhiều địa phương hoặc trong toàn quốc. Tuy vậy các hệ thống đường vẫn có mối quan hệ hữu cơ với nhau, do đó cần phân loại lại các hệ thống đường cho đúng với đối tượng phục vụ của nó và thích hợp với tình hình quản lý hiện nay. Mặt khác để phát huy trách nhiệm quyền hạn giữa trung ương với các cấp chính quyền ở địa phương theo các nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước; cùng các nghị định số 24-CP ngày 2-2-1976, số 33-CP ngày 4-2-1978, số 112-HĐBT ngày 15-10-1981 của Hội đồng bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong quản lý kinh tế - trên nguyên tắc quản lý chuyên ngành kết hợp với quản lý theo lãnh thổ đối với các đường giao thông - tạo nên một sức mạnh tổng hợp trong việc quản lý, sửa chữa, khai thác các hệ thống đường bộ nhằm nâng cao chất lượng đường sá và để sử dụng các nguồn vốn đầu tư của Trung ương cũng như địa phương được hợp lý, đạt hiệu quả cao hơn.

II. HƯỚNG DẪN VÀ GIẢI THÍCH MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH

Trong thông tư này chỉ hướng dẫn và giải thích thêm một số điểm cụ thể giúp các địa phương, các ngành có liên quan và đơn vị nắm vững để khi thi hành được đúng với tinh thần và nội dung đã quy định trong nghị định.

1. Trách nhiệm quản lý và bảo vệ đường sá (điều 1)

Đường sá là tài sản chung của Nhà nước và nhân dân có tác dụng rất quan trọng trong việc phục vụ xây dựng kinh tế, bảo vệ quốc phòng và sự đi lại của nhân dân nên các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế, quốc phòng, mọi công dân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn các hệ thống đường và nghiêm chỉnh chấp hành các luật lệ giao thông.

Trách nhiệm quản lý đường sá, theo sự phân cấp giữa Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân các tỉnh) như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các hệ thống đường bộ trong cả nước trên nguyên tắc:

- Xây dựng quy hoạch mạng lưới đường sá trong cả nước hoặc từng vùng để phụ vụ các yêu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ quốc phòng, chính trị, văn hoá...

- Ban hành các quy trình, quy phạm kỹ thuật cầu đường làm tiêu chuẩn để các ngành, các đơn vị thực hiện khi thiết kế, thi công, sửa chữa đường sá nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao và an toàn.

- Trực tiếp ban hành hoặc trình Nhà nước hay phối hợp với các ngành có liên quan ban hành những luật lệ về quản lý, khai thác, bảo vệ đường bộ để áp dụng thống nhất trên các tuyến đường bộ công cộng. Tổ chức kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các luật lệ đó.

- Tổ chức đăng ký các tuyến đường ô-tô đang sử dụng hoặc sắp đưa vào sử dụng và chịu trách nhiệm quản lý các tuyến đường đó theo các nguyên tắc trên.

b) Uỷ ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hệ thống đường bộ ở địa phương theo sự phân cấp như sau:

- Tham gia ý kiến với Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trong việc xây dựng quy hoạch mạng lưới đường có liên quan đến giao thông của địa phương.

- Quản lý các hệ thống đường bộ trong tỉnh theo các quy định về kỹ thuật và quản lý thống nhất của Bộ Giao thông vận tải.

- Kiểm tra các đơn vị kinh tế, lực lượng vũ trang trong tỉnh phải nghiêm chỉnh chấp hành các luật lệ giao thông vận tải. Giáo dục nhân dân ở địa phương thường xuyên chăm lo bảo vệ tốt các hệ thống đường bộ, các công trình giao thông công cộng và tham gia tích cực vào công tác bảo đảm giao thông, đặc biệt là đối với các đường quốc lộ.

Sở giao thông vận tải là cơ quan thay mặt Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng, cải tạo, sửa chữa, quản lý, khai thác các hệ thống đường bộ trong tỉnh đồng thời có nhiệm vụ tham mưu do Uỷ ban nhân dân tỉnh về các mặt đối với Bộ Giao thông vận tải, trên các nguyên tắc và phân cấp nêu trên.

2. Việc phân loại các hệ thống đường bộ (điều 2).

Nghị định đã phân loại các đường ô-tô gồm 6 hệ thống đường trên cơ sở các yêu cầu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, văn hoá để phục vụ các phương tiện vận tải cơ giới, bán cơ giới, thô sơ và bộ hành qua lại.

a) Hệ thống đường quốc lộ. Với tác dụng đặc biệt quan trọng trong mạng lưới đường toàn quốc phục vụ mọi lợi ích đối với quốc gia hay từng vùng và cũng rất quan trọng đối với các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương.

Đối với đường nối với các nước láng giềng tuy có nhiều nhưng chỉ quy định những đường có lưu lượng vận tải lớn, mang tính chất phục vụ hai quốc gia mới xếp vào đường quốc lộ.

Một số đường quốc lộ quan trọng có phân rõ đường xe ô-tô và đường xe thô sơ bằng một dải đất phân cách thì phần đường xe thô sơ vẫn thuộc đường quốc lộ.

Bộ Giao thông vận tải sẽ văn cứ vào tình hình cụ thể trên các mặt kinh tế, kỹ thuật, chính trị để quy định các đường quốc lộ.

b) Hệ thống đường tỉnh. Ngoài tác dụng phục vụ trực tiếp lợi ích về kinh tế, chính trị, văn hoá và trị an của tỉnh, còn phục vụ lợi ích của một hay nhiều tỉnh lân cận hoặc cả một vùng. Đồng thời có tác dụng hỗ trợ cho đường quốc lộ khi cần thiết.

[...]