Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 14-TT/KTKH năm 1962 áp dụng kỷ luật thanh toán đối với các trường hợp vi phạm hình thức thanh toán nhờ thu nhận trả do Ngân Hàng Nhà Nước ban hành.

Số hiệu 14-TT/KTKH
Ngày ban hành 02/06/1962
Ngày có hiệu lực 10/07/1962
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Tạ Hoàng Cơ
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Vi phạm hành chính

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14-TT/KTKH

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 1962 

 

THÔNG TƯ 

VỀ VIỆC ÁP DỤNG KỶ LUẬT THANH TOÁN ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP VI PHẠM HÌNH THỨC THANH TOÁN NHỜ THU NHẬN TRẢ

Hình thức nhờ thu nhận trả, một hình thức thanh toán tiến bộ, phù hợp với quan hệ giao dịch xã hội chủ nghĩa của các ngành kinh tế, ngày càng được nhiều tổ chức kinh tế áp dụng một cách rộng rãi.

Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình thi hành, các tổ chức kinh tế áp dụng còn nhiều thiếu sót, nhất là việc thiếu tôn trọng kỷ luật trả. Tình trạng nợ nần dây dưa trong hình thức nhờ thu nhận trả rất nặng nề do đó, gây nhiều khó khăn cho công tác thanh toán tiền hàng cũng như gây ảnh hưởng không tốt đến chu chuyển kinh tế của các tổ chức kinh tế, gây trở ngại đến chế độ hạch toán kinh tế của các tổ chức trong nền kinh tế quốc dân.

Việc tôn trọng kỷ luật trả là điều kiện quan trọng của sự tuần hoàn theo kế hoạch của vốn và củng cố chế độ hạch toán kinh tế của các xí nghiệp. Vì vậy, các tổ chức kinh tế trong việc giao dịch hàng hóa với nhau, nhất thiết phải chấp hành đúng đắn và triệt để kỷ luật thanh toán. Về phía Ngân hàng không phải chỉ đơn thuần ghi chép, phản ảnh tình trạng vi phạm kỷ luật trả, mà chủ yếu nhất là phải giúp đỡ, giải thích để họ chấp hành đúng, đi đôi với việc tác động một cách tích cực để đảm bảo sự tôn trọng kỷ luật trả một cách nghiêm chỉnh. Nguyên tắc thứ 4 và thứ 5 trong Nghị định số 4-CP của Chính phủ ngày 07-03-1960 đã quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của Ngân hàng trong việc áp dụng kỷ luật trả.

Từ cuối năm 1961, một số Ngân hàng địa phương đã bước dần áp dụng, nhưng chưa được triệt để. Đồng thời áp dụng lợi suất phạt lại không thống nhất, nói chung lại thấp hơn lợi suất cho vay luân chuyển và dự trữ hàng hóa, nên việc thanh toán tiền hàng còn bị dây dưa để quá thời hạn…

Để đảm bảo phục vụ tốt hơn nữa đối với các tổ chức kinh tế, để đảm bảo thực hiện tốt chức năng trung tâm thanh toán của Ngân hàng, nhằm đấu tranh hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm thể lệ và kỷ luật thanh toán do Nhà nước đã quy định, Ngân hàng trung ương thấy cần thiết nhắc lại một số điểm quy định về kỷ luật thanh toán trong hình thức thanh toán nhờ thu nhận trả như sau:

Đối với bên mua:

Khi giấy nhờ thu đến hạn trả, đơn vị mua phải đảm bảo chi trả kịp thời đúng hạn, hoặc tuyên bố kịp thời lý do từ chối chấp nhận bằng hình thức viết gửi đến Ngân hàng bên mua.

Hết thời hạn chấp nhận đã quy định, bất kể là trường hợp chấp nhận có tuyên bố hay trường hợp chấp nhận không tuyên bố, nếu đơn vị mua không có ý kiến gì gửi đến Ngân hàng bên mua thì Ngân hàng bên mua coi như đơn vị mua hoàn toàn chấp nhận và sẽ thi hành đúng theo thể lệ thanh toán đã quy định.

Trong trường hợp từ chối chấp nhận, Ngân hàng trung ương lưu ý 3 vấn đề quan trọng:

1. Ngân hàng bên mua chỉ được công nhận các lý do từ chối chính đáng, hợp lệ xuất phát từ sự đối chiếu đúng đắn các điều khoản trong giấy đòi nợ các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng kinh tế hoặc các đơn đặt hàng.

2. Ngân hàng bên mua chỉ được công nhận các giấy báo lý do từ chối chấp nhận hợp lệ của đơn vị mua gửi đến Ngân hàng trong phạm vi thời hạn chấp nhận như thể lệ thanh toán đã quy định. Mọi giấy báo từ chối chấp nhận dù hợp lệ nhưng gửi đến Ngân hàng quá thời hạn chấp nhận đã được quy định, cũng đều không được Ngân hàng công nhận để giải quyết.

3. Nếu đại biểu của đơn vị mua đã đến trực tiếp nhận hàng và đã ký trên hoá đơn hoặc đơn vị mua đã sử dụng hàng hoá rồi (dù chỉ một phần) thì đơn vị mua không được quyền từ chối chấp nhận nữa, mà phải thanh toán ngay tiền hàng cho đơn vị bán.

Hết hạn trả, nếu đơn vị mua không chi trả kịp thời hoặc không có giấy báo từ chối chấp nhận hợp lệ đúng thời hạn chấp nhận thì bắt buộc phải bồi thường tài chính cho đơn vị bán một số tiền bằng 5%00(năm phần vạn) tổng số tiền của giấy nhờ thu cho mỗi ngày chậm trả. Đơn vị bán được hưởng số tiền bồi thường này (điều khoản quy định lợi suất phạt này đã được quy định trong thông tư số 168-KH ngày 07-05-1957 của Ngân hàng Nhà nước Trung ương để giải thích Nghị định số 144-TTg ngày 09-04-1957 của Thủ tướng Chính phủ và không bị các quy định hiện hành trong Nghị định số 04-CP ngày 07-03-1960 về thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Hội đồng Chính phủ hủy bỏ, nên vẫn có giá trị pháp lý buộc các tổ chức kinh tế phải thi hành).

Đối với bên bán:

Trong trường hợp bên bán mắc nợ Ngân hàng về cho vay giấy tờ thanh toán trên đường đi đến hạn trả nợ Ngân hàng nhưng do chưa nhận được tiền hàng của đơn vị mua trả, nên không đủ phương tiện tiền tệ để trả nợ vay Ngân hàng.

Ngân hàng bên bán cần phân biệt 2 trường hợp:

1. Nếu Ngân hàng bên bán chưa nhận được giấy báo về lý do chậm trả của Ngân hàng bên mua thì Ngân hàng bên bán sẽ chờ cho đến khi nhận được giấy báo lý do chậm trả của đơn vị mua (thông qua Ngân hàng bên mua) mới tiến hành thu hồi nợ vay thanh toán.

2. Nếu Ngân hàng bên bán đã nhận được giấy báo lý do chậm trả của đơn vị mua (thông qua Ngân hàng bên mua) thì Ngân hàng bên bán sẽ tự động trích tài khoản thanh toán của đơn vị bán để thu hồi nợ. Nếu tài khoản thanh toán của đơn vị bán không đủ tiền để trả nợ thì Ngân hàng sẽ chuyển sang Nợ quá hạn và thi hành lợi suất phạt đối với Nợ quá hạn về cho vay thanh toán giấy tờ trên đường đi là 3‰ (ba phần nghìn) một tháng.

Trong trường hợp này, các Ngân hàng địa phương cần giải thích cho các đơn vị Bán rõ:

- Nếu có việc từ chối chấp nhận của đơn vị mua không hợp lệ (như trên đã giải thích) hoặc do đơn vị mua chậm trả vì thiếu tiền, làm cho đơn vị bán không có tiền trả nợ vay thanh toán của Ngân hàng và bị Ngân hàng chuyển qua Nợ quá hạn thì đơn vị bán đã được hưởng số tiền bồi thường tài chính của đơn vị mua về những ngày chậm trả và sẽ dùng một phần số tiền bồi thường này để bù đắp phạt nợ quá hạn cho Ngân hàng.

- Còn nếu do lỗi đơn vị bán gây ra nên đơn vị mua không trả hoặc chậm trả thì tất nhiên việc phạt nợ quá hạn đối với đơn vị bán là chính đáng.

Đối với Ngân hàng:

Ngân hàng với chức năng trung tâm thanh toán, có tác động rất lớn đến việc đảm bảo chi trả được kịp thời và chính xác. Vì vậy đối với bản thân Ngân hàng cũng phải chịu kỷ luật phạt trong các trường hợp bản thân Ngân hàng gây nên các vi phạm về thủ tục thanh toán, làm cho công tác thanh toán bị chậm trễ, nhầm lẫn, sai sót. Nghị định số 04-CP của Hội đồng Chính phủ và các thông tư số 81-KH ngày 14-03-1960 và thông tư số 63-KT-CĐ ngày 22-08-1960 của Ngân hàng Nhà nước Trung ương đã quy định rõ trách nhiệm của Ngân hàng trong việc thanh toán. Để cụ thể hóa hơn nữa các quy định trên, giúp cho các địa phương thống nhất thi hành, Ngân hàng Nhà nước Trung ương thống nhất quy định như sau:

Ngân hàng gây nên mọi chậm trễ, sai lầm trong thanh toán thì cũng bồi thường tài chính cho bên bị thiệt hại, tính theo lợi suất 2‰ (hai phần nghìn) một tháng trên số tiền chậm trả. Số tiền bồi thường này sẽ ghi vào Lỗ Lãi của đơn vị Ngân hàng đó.

Còn đối với cá nhân cán bộ công nhân viên Ngân hàng nào gây nên sự chậm trả trên thì phải chịu kỷ luật theo hai hình thức:

a) Chịu kỷ luật hành chính (cảnh cáo, khiển trách, thay đổi công tác, v.v…). Trong thời gian đầu chấp hành thông tư này hình thức kỷ luật hành chính được coi là biện pháp chủ yếu để giáo dục tinh thần trách nhiệm và nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ, nhằm cố gắng hạn chế các sai lầm đến mức tối thiểu, đảm bảo tốt công tác thanh toán, phục vụ đắc lực hơn nữa các ngành kinh tế quốc dân.

[...]