Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 14/1997/TC-NSNN về việc quản lý thu chi ngân sách xã, thị trấn, phường do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 14/1997/TC-NSNN
Ngày ban hành 28/03/1997
Ngày có hiệu lực 01/01/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/1997/TC-NSNN

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 14/1997/TC-NSNN NGÀY 28 THÁNG 3 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ THU CHI NGÂN SÁCH XÃ, THỊ TRẤN, PHƯỜNG

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ về phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài Chính.
Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý thu chi Ngân sách xã, thị trấn, phường như sau:

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Ngân sách xã, thị trấn (sau đây gọi tắt là ngân sách xã) và ngân sách phường là một bộ phận của Ngân sách Nhà nước do Uỷ ban nhân dân xã, phường (dưới đây gọi chung là cấp xã) xây dựng, quản lý và Hội đồng nhân dân xã quyết định, giám sát thực hiện.

2. Ngân sách xã, phường được xây dựng bằng các nguồn thu được phân cấp và chi thực hiện các công việc thuộc chức năng nhiệm vụ của chính quyền cấp xã theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3. Mọi khoản thu, chi ở xã, phường phải được phản ánh vào ngân sách xã, phường để Hội đồng nhân dân thảo luận, quyết định và kiểm tra thực hiện. Xã, phường không được tuỳ tiện đặt ra các chế độ thu, chi riêng hoặc giữ nguồn thu để lập quỹ ngoài ngân sách trái quy định của Nhà nước.

4. Ngân sách xã, phường được ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các nguồn thu và số bổ sung của ngân sách cấp trên từ 3 đến 5 năm; thời gian cụ thể của từng thời kỳ ổn định do Thủ tướng Chính phủ quyến định khi giao dự toán ngân sách nhà nước năm đầu thời kỳ ổn định.

5. Cân đối ngân sách xã thường phải bảo đảm nguyên tắc chi không vượt quá nguồn thu, kể cả số bổ sung từ ngân sách cấp trên (nếu có). Cụ thể:

5.1. Đối với ngân sách xã:

- Nhiệm vụ chi thường xuyên cân đối với các nguồn thu được phân cấp (không kể các nguồn thu để chi cho một số mục tiêu cụ thể như thu do nhân dân đóng góp, thu lao động công ích, thu kết dư), nếu thiếu được ngân sách cấp trên bổ sung.

- Chi đầu tư phát triển cân đối chủ yếu từ nguồn thu nhân dân đóng góp, thu lao động công ích; ngoài ra được bổ sung một phần từ ngân sách theo sự phân cấp của tỉnh và từ kết dư ngân sách xã (nếu có).

5.2. Đối với ngân sách phường:

Các khoản thu được phân cấp để bảo đảm nhiệm vụ chi thường xuyên quy định, nếu thiếu được ngân sách cấp trên bổ sung, nếu thừa được bố trí chi bổ sung cho các hoạt động văn hoá - xã hội - phúc lợi của phường.

6. Xã, phường có nhiệm vụ quản lý các loại tài sản công của xã, phường, kể cả tài sản của Nhà nước, tài sản vắng chủ nằm trên địa bàn xã, phường chưa rõ cơ quan nào quản lý.

7. Tổ chức Ban Tài chính xã, phường:

- Uỷ ban nhân dân cấp xã phải tổ chức Ban Tài chính để giúp uỷ ban nhân dân cấp xã xây dựng và thực hiện dự toán thu chi ngân sách, lập báo cáo ngân sách hàng tháng, quyết toán ngân sách năm, tổ chức quản lý tài sản và tài chính Nhà nước trên địa bàn theo quy định.

- Ban Tài chính gồm có:

+ Một Trưởng ban là uỷ viên Uỷ ban nhân dân phụ trách công tác tài chính.

+ Một phụ trách kế toán có trình độ chuyên môn nghiệp vụ (sơ cấp đối với miền núi hoặc trung cấp đối với các vùng khác) do Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá bổ nhiệm theo yêu cầu của uỷ ban nhân dân cấp xã và đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, quận (dưới đây gọi chung là cấp huyện). Phụ trách kế toán có nhiệm vụ thường xuyên giúp Uỷ ban nhân dân lãnh đạo tổ chức công tác tài chính ngân sách xã, phường.

+ Một thủ quỹ (hoặc có thể cán bộ văn phòng Uỷ ban nhân dân kiêm nhiệm).

- Chế độ với cán bộ Ban Tài chính:

Trưởng Ban Tài chính được hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định 50/CP ngày 26 tháng 07 năm 1995 của Chính phủ; phụ trách kế toán được hưởng sinh hoạt phí theo chức vụ đào tạo; cán bộ tài chính khác hưởng sinh hoạt phí theo hợp đồng lao động ở xã.

Phần 2:

NỘI DUNG THU, CHI CỦA NGÂN SÁCH XÃ, PHƯỜNG

I. NỘI DUNG THU, CHI NGÂN SÁCH XÃ.

a/ Nguồn thu của ngân sách xã:

[...]