Thông tư 137/UB-TTLB-1996 hướng dẫn thực hiện văn bản 7464 KT-TH-1995 về chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa lên miền núi do Ủy ban dân tộc miên núi ban hành

Số hiệu 137/UB-TTLB
Ngày ban hành 06/03/1996
Ngày có hiệu lực 01/01/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc và Miền núi
Người ký Hoàng Đức Nghi
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 137/UB-TTLB

Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI SỐ 137/UB-TTLB NGÀY 6 THÁNG 3 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VĂN BẢN SỐ 7464 KT-TH NGÀY 30-12-1995 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH TRỢ GIÁ, TRỢ CƯỚC VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ LÊN MIỀN NÚI

Ngày 30 tháng 12 năm 1995 Chính phủ ban hành văn bản số 7464 KT-TH quyết định chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hoá lên miền núi, sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban Dân tộc và miền núi hướng dẫn việc thực hiện như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hoá lên miền núi là một trong những chính sách lớn của Nhà nước, nhằm tạo điều kiện để đồng bào sinh sống ở miền núi sớm phát triển sản xuất và ổn định đời sống, từng bước đưa kinh tế - xã hội miền núi đi lên, hoà nhập vào sự phát triển chung của cả nước.

2. Kinh phí trợ giá, trợ cước hàng năm cho từng địa phương miền núi được phân bổ theo thứ tự ưu tiên khu vực III - II - I (Khu vực được phân định theo quy định tại văn bản hướng dẫn số 41 UB-TT ngày 8-1-1996 của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi).

3. Đối tượng được hưởng chính sách trợ giá, trợ cước

Nhân dân các dân tộc sinh sống trên các tỉnh miền núi, vùng miền núi thuộc các tỉnh có miền núi và hải đảo (bao gồm cả công nhân viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang) được mua một số mặt hàng quy định bán có trợ giá, trợ cước vận chuyển tương đương với giá ở thị xã tỉnh lỵ của tỉnh đó đúng chất lượng (riêng than được thực hiện với tất cả các doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn của các tỉnh miền núi và vùng núi của các tỉnh có miền núi)

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Mặt hàng, cự ly tính trợ cước vận chuyển

a. Các mặt hàng trợ giá và trợ cước vận chuyển đến trung tâm cụm xã miền núi:

a1. Các mặt hàng trợ giá và trợ cước vận chuyển:

- Giống cây trồng (chủ yếu là giống cây lương thực)

- Muối iốt

a2. Các mặt hàng trợ cước vận chuyển:

- Dầu hoả

- Thuốc chữa bệnh

- Giấy viết học sinh

b. Các mặt hàng trợ cước vận chuyển đến trung tâm huyện miền núi:

- Phân bón hoá học

- Thuốc trừ sâu

- Than mỏ

c. Điểm khởi đầu tính cự ly trợ cước vận chuyển:

c1. Đối với các tỉnh miền núi vùng cao: Điểm khởi đầu tính cự ly trợ cước vận chuyển được tính từ điểm quy định là chân hàng trung ương (điểm được quy định này do Bộ Thương mại cùng Ban vật giá Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan quy định cụ thể cho từng ngành hàng)

c2. Đối với các tỉnh có vùng miền núi và hải đảo: Điểm khởi đầu tính cự ly trợ cước vận chuyển được tính từ trung tâm thị xã tỉnh lỵ của tỉnh đó.

c3. Đối với các tỉnh có một số xã miền núi: (tỉnh không có huyện miền núi): Không thực hiện chính sách trợ giá và trợ cước vận chuyển các mặt hàng nêu trên.

2. Cách tính trợ giá và trợ cước:

a. Muối iốt: Trợ giá tiền công trộn iốt vào muối (theo văn bản 261 VGCP ngày 11-4-1995 của Ban vật giá Chính phủ) bao PE để đóng túi nhỏ (trừ phần do UNICEF viện trợ bao PE và hoá chất) và trợ cước vận chuyển như quy định tại điểm 1 phần II theo nguyên tắc:

[...]